20/09/2014 - 15:26

Giải quyết nhu cầu nhà ở theo từng nhóm đối tượng

Nhằm đưa ra định hướng quy hoạch chung về đầu tư phát triển nhà ở trên địa bàn, thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì triển khai Chương trình Phát triển nhà ở TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với sự tham gia tư vấn của Viện Kinh tế - Xã hội thành phố. Hiện 2 đơn vị đang thống kê hiện trạng về nhà ở trên địa bàn thành phố và xây dựng nội dung Chương trình phát triển nhà ở cho từng nhóm đối tượng cụ thể để sớm đi vào triển khai thực hiện.

* Tập trung thống kê hiện trạng nhà ở

Chương trình phát triển nhà ở TP Cần Thơ bao gồm xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp, cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo Phòng Quản lý nhà-Sở Xây dựng thành phố, trên địa bàn thành phố hiện có 3 dự án khu nhà ở sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ, Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ và Trường Cao đẳng Cần Thơ với 6.368 chỗ ở cho sinh viên. Về nhà ở xã hội, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng với 564 căn hộ trong khi nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp qua khảo sát lên đến 7.224 căn hộ. Chương trình xây dựng nhà ở công nhân do Công ty TNHH MTV Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ và Trung tâm Xây dựng hạ tầng KCN Thốt Nốt thực hiện và đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng dự án. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 4 cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ để bố trí cho 714 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay đã có 3 cụm hoàn thành công tác tôn nền và hạ tầng kỹ thuật với 51 căn nhà đã được xây dựng, bàn giao cho các hộ dân. Các chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở và những người có công với Cách mạng được các quận, huyện triển khai rất hiệu quả.

 - Theo thống kê, diện tích nhà ở bình quân ở TP Cần Thơ năm 2014 là 19,5m2 sàn/người (trong ảnh: Một góc đô thị Cần Thơ nhìn từ trên cao). 

Theo số liệu điều tra của Cục Thống kê và Viện Kinh tế-Xã hội thành phố, diện tích nhà ở bình quân ở TP Cần Thơ năm 2014 là 19,5m2 sàn/người. Ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, cho biết: “Các chương trình phát triển nhà ở đã được thành phố quan tâm triển khai theo từng nhóm đối tượng, song chưa có quy hoạch tổng thể cũng như chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Việc triển khai Chương trình Phát triển nhà ở TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ góp phần xác định nhu cầu nhà ở thực tế của từng của quận huyện, từ đó hạn chế tình trạng quy hoạch khu dân cư tràn lan hoặc hình thành các khu dân cư tự phát. Đồng thời việc quy hoạch phát triển nhà ở, đất ở cũng tạo điều kiện xác định những khu vực còn lại sẽ tập trung cho các lĩnh vực khác như công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp đô thị...”.

Với vai trò là đơn vị tư vấn xây dựng Chương trình, Viện Kinh tế-Xã hội thành phố đã tiến hành khảo sát thống kê số liệu về hiện trạng nhà tại các quận huyện trên địa bàn. Ông Trần Thế Như Hiệp, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển - Viện Kinh tế-Xã hội thành phố, cho biết: “Qua khảo sát ban đầu cho thấy, nhu cầu về nhà ở đối với từng nhóm đối tượng khá cao song không phải ai cũng có khả năng chi trả để có được căn nhà mới, nhất là đối tượng công nhân lao động và người có thu nhập thấp. Đơn cử như ở nhóm đối tượng công nhân, kết quả khảo sát cho thấy đa phần công nhân các khu công nghiệp đều đang ở nhà thuê nhưng chỉ có 5,8% trong số đó có nhu cầu mua nhà mới, số còn lại vẫn chấp nhận ở nhà thuê dù điều kiện sinh hoạt không đảm bảo”.

* Cân đối nhu cầu và định hướng đầu tư

Theo các sở, ngành thành phố, việc đầu tư nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp chưa được doanh nghiệp quan tâm. Giá bán nhà ở xã hội vẫn còn cao so với khả năng chi trả của người có nhu cầu mặc dù đã có các chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất và các điều kiện miễn giảm khác. Vì thế, khi xây dựng Chương trình Phát triển nhà ở, đơn vị tư vấn cần tính diện tích nhà ở bình quân theo m2 sàn/người ở các nhóm đối tượng cụ thể, hướng đến phục vụ đúng đối tượng để người có nhu cầu có thể tiếp cận được nhà. Hay đối với các quận trung tâm thành phố như Ninh Kiều, Bình Thủy, trong trường hợp diện tích sàn nhà ở đã đạt yêu cầu song chất lượng nhà ở, nhu cầu đầu tư cho tương lai cần được phân tích cụ thể để có định hướng đầu tư phù hợp. Việc quy hoạch nhà ở cho sinh viên các trường đại học cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của các trường, xác định vị trí xây dựng phù hợp, sự đồng bộ về hệ thống giao thông để giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

 Tình trạng bất động sản “đóng băng” khiến nhà đầu tư không bán được sản phẩm trong khi người thu nhập thấp vẫn khó mua nhà (trong ảnh: Nhiều căn nhà xây dựng dở dang ở khu vực Nam Cần Thơ).

Song song đó, các đề xuất hỗ trợ về mặt chính sách cũng cần được đưa vào Chương trình để người có nhu cầu có thể sở hữu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả. Theo bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình chỉ mới qua bước điều tra khảo sát và chỉ mới đưa ra hiện trạng chứ chưa xác định được nhu cầu thực tế của từng nhóm đối tượng và các cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để triển khai chương trình. Vì vậy, cần có các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho từng nhóm đối tượng. Ngoài việc đưa ra các chỉ tiêu chung cho thành phố và các quận, huyện, đơn vị tư vấn cũng nên tính toán xác định mức sàn tối thiểu cho từng nhóm đối tượng ở từng giai đoạn sao cho phù hợp với tốc độ phát triển của đô thị loại 1. Từ đó xây dựng kế hoạch triển khai chương trình theo từng năm trên cơ sở xác định nhu cầu đầu tư cụ thể từ nhiều nguồn lực.

Tại buổi làm việc mới đây với các sở, ngành hữu quan về Chương trình phát triển nhà ở thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành nhanh chóng thành lập Tổ thẩm định Chương trình Phát triển nhà ở TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thực hiện trách nhiệm giám sát việc hoàn thành nội dung Chương trình và đi vào triển khai thực hiện. Đối với đơn vị tư vấn Chương trình, trong quá trình thu thập số liệu về hiện trạng và nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng, lĩnh vực ngành nghề, địa bàn phân bố phải đảm bảo thống nhất với số liệu của Cục thống kê và hoàn thành nội dung Chương trình vào cuối tháng 9-2014. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Chương trình, các nội dung, giải pháp đề xuất phải phù hợp với các quy hoạch chung và quy hoạch ngành của thành phố, theo kế hoạch sử dụng đất của từng quận huyện đã được phân bổ.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết