01/09/2016 - 08:04

Dồn sức cho công tác xây dựng cơ bản

Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng cơ bản (XDCB); các sở, ngành và quận, huyện tích cực triển khai các công trình, dự án. Đến nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB của thành phố đạt khá cao. Những tháng cuối năm 2016, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả hơn vốn đầu tư XDCB;thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực XDCB.

*Tỷ lệ giải ngân vốn đạt cao...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, đến nay, các nguồn vốn đầu tư công của thành phố là 3.814 tỉ đồng, tăng 707 tỉ đồng so với kế hoạch giao đầu năm. Theo đó, phân bổ trả nợ gốc và các khoản vay 289 tỉ đồng, giao vốn Quỹ phát triển đất 105 tỉ đồng, dự phòng 28 tỉ đồng, chuẩn bị đầu tư 8 tỉ đồng, kế hoạch vốn thực hiện XDCB 3.333 tỉ đồng và còn lại là vốn chưa bố trí 51 tỉ đồng (dự kiến dành cho giáo dục-đào tạo). Trong những tháng đầu năm 2016, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, chấn chỉnh, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; chỉ đạo các sở, ngành tích cực tìm nguồn, bổ sung vốn cho các công trình trọng điểm để sớm hoàn thành, nhất là hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố, 2 tuyến đường ô tô về trung tâm xã Trường Thắng và Tân Thạnh (đến nay thành phố đã đạt mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm), Trung tâm Công tác xã hội thành phố… Quan tâm hỗ trợ đầu tư có mục tiêu cho các xã xây dựng các công trình thuộc tiêu chí nông thôn mới, trường học đạt chuẩn quốc gia, các dự án cung cấp nước sạch nông thôn… Các sở, ngành và quận, huyện đã tuân thủ các quy định, quy trình trong công tác XDCB; nhất là thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Qua đó, thực hiện công tác giải ngân đạt tỷ lệ rất cao, đáp ứng được yêu cầu.

Công trình đường Vành đai Phi Trường - nhánh B (thuộc Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL) hoàn thành đưa vào sử dụng mới đây.

Tính đến ngày 25-8-2016, thành phố đã giải ngân vốn XDCB được 2.298 tỉ đồng, đạt 69% kế hoạch vốn bố trí là 3.333 tỉ đồng. Trong đó, đối với cấp thành phố quản lý đầu tư giải ngân hơn 1.357 tỉ đồng (đạt 69,2% kế hoạch) và đối với cấp quận, huyện quản lý đầu tư giải ngân hơn 941 tỉ đồng (đạt 68,7% kế hoạch). Về cấp thành phố quản lý, UBND thành phố đã giao 37 sở, ban ngành là chủ đầu tư 154 dự án. Theo đó, có 13 chủ đầu tư thực hiện giải ngân đạt từ 50% kế hoạch trở lên, 6 chủ đầu tư thực hiện giải ngân đạt 25-49% kế hoạch, 5 chủ đầu tư thực hiện giải ngân đạt dưới 25% kế hoạch, 13 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân (trong đó có 6 chủ đầu tư mới được giao vốn trong tháng 6-2016). Về cấp quận, huyện quản lý, Bình Thủy có tỷ lệ giải ngân cao nhất đạt 88%, kế đến là Ninh Kiều 77,6%, Ô Môn 76,2%, Vĩnh Thạnh 75,1%, Thốt Nốt 65,4%, Phong Điền 63,9%, Thới Lai 63,3%, Cái Răng 53,4%, Cờ Đỏ 45,9%... Về kết quả thực hiện các công trình trọng điểm, năm 2016 thành phố có 14 công trình chuyển tiếp từ năm 2015 sang, từ đầu năm đến nay 4 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động. Còn lại 10 công trình thì có 3 công trình có khối lượng hoàn thành đạt trên 80%, 5 công trình có khối lượng hoàn thành đạt từ 50-79% và 2 công trình có tiến độ còn chậm đạt dưới 50%.

Ninh Kiều là một trong những địa phương của thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn XDCB cao trong những tháng đầu năm nay. Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho rằng: "Công tác XDCB của địa phương có nhiều thuận lợi, được các sở, ngành thành phố ủng hộ tháo gỡ khó khăn. Quận được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 05 của Thành ủy Cần Thơ về Xây dựng và phát triển quận Ninh Kiều thành đô thị trung tâm của thành phố, năm 2013 HĐND thành phố có Nghị quyết 06. Tuy nhiên, đến nay địa phương chưa được xem xét cho giữ lại 60% từ nguồn bán nhà sở hữu Nhà nước, vốn kết dư 20%...; các sở, ngành nên xem xét trình UBND thành phố quyết định để địa phương có thêm nguồn vốn triển khai đầu tư xây dựng các trường học (Trường THCS An Khánh, Trường Tiểu học Cái Khế 2…) đang thiếu vốn". Thực tế, trong công tác XDCB của thành phố vẫn còn hạn chế như: vốn ODA thành phố không được ứng vốn đối ứng do là địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương; một số chương trình mục tiêu quốc gia thành phố cũng phải tự cân đối nguồn và phân về các quận, huyện chưa đạt yêu cầu. Một số sở, ngành và quận, huyện đề xuất dự án chưa phù hợp với quy hoạch…

*Tiếp tục tập trung cho công tác XDCB

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, những tháng cuối năm 2016, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án cơ chế đặc thù về tài chính và thu hút đầu tư TP Cần Thơ; hoàn thành danh mục dự án kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020. Đến ngày 30-9-2016, các công trình, dự án được bố trí vốn trong 6 tháng đầu năm nhưng giải ngân vốn dưới 50% kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất UBND thành phố điều chuyển vốn nội bộ giữa các sở, ban ngành và địa phương; trường hợp giải ngân vốn dưới 30% kế hoạch thì không bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công năm 2017...

Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng TP Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản 442,84 tỉ đồng (bao gồm vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Trung tâm Văn hóa Tây đô giai đoạn 1 và vốn xây lắp các công trình). Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Tính đến ngày 25-8, Ban đã thực hiện giải ngân vốn đạt 58%. Thời gian qua, Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra nên chất lượng các công trình được đảm bảo. Ban kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét bổ sung vốn để thanh toán nợ đọng đối với 2 công trình đường ô tô về trung tâm xã Trường Thắng và Tân Thạnh khoảng 6 tỉ đồng. Ban cũng dự kiến khởi công Kè sông Cần Thơ-phía bờ phải thuộc quận Ninh Kiều (đoạn từ rạch Cái Sơn đến rạch Bà Lễ đường Tầm Vu) và thi công hoàn thành trong vòng 5 tháng. Đối với Dự án kè sông Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu vốn vay ODA của Pháp, dự kiến ngày 6-9-2016 Bộ Tài chính sẽ ký hiệp định vay vốn hơn 19 triệu Euro, vốn đền bù trên 280 tỉ đồng cũng cần được xem xét bố trí để có thể khởi công dự án trong quí I/2017.

Theo ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL-Tiểu Dự án TP Cần Thơ (gọi tắt là dự án 2) đã triển khai 29/29 gói thầu xây lắp; trong đó đã bàn giao đưa vào sử dụng 13 gói, 13 gói đạt tiến độ từ 70-95%, 3 gói còn lại (trong đó có Hồ Bún Xáng) mới khởi công gần đây. Từ nay đến cuối năm sẽ phấn đấu hoàn thành 26/29 gói thầu xây lắp dự án 2, còn lại 3 gói hoàn thành vào cuối năm 2017 đúng theo tiến độ dự án. Còn đối với Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3), sau khi ký hiệp định vay đang rà soát lại danh mục dự án để phê duyệt; đến nay thiết kế hạng mục cầu Quang Trung đã xong và chuẩn bị tổ chức đấu thầu trong tháng 10-2016, đầu năm tới khởi công. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2016 dự án 3 sẽ tổ chức đấu thầu tối thiểu 5 gói thầu gồm: cầu và đường Trần Hoàng Na, cầu Quang Trung và 2 gói thầu đường nối từ Cách Mạng Tháng Tám đến Đường tỉnh 918.

Tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng cơ bản 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2016 mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đã yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2016, các sở, ngành và các địa phương khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác XDCB. Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 8-7-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, các nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND thành phố và các văn bản, chỉ thị của UBND thành phố trong lĩnh vực XDCB. Chủ đầu tư và các ban quản lý dự án theo số vốn được bố trí đẩy nhanh tiến độ đền bù, tổ chức đấu thầu, thi công các công trình, giải ngân vốn. Kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu. Chủ động rà soát nguồn vốn được bố trí, kiểm tra khả năng thực hiện, nếu không đảm bảo phải tham mưu trả lại vốn để bố trí cho những công trình, dự án còn thiếu vốn. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố theo dõi, giám sát tình hình, tiến độ XDCB và giải ngân, báo cáo UBND thành phố kịp thời; xem xét khả năng của các chủ đầu tư để đề xuất điều chỉnh nguồn vốn cho phù hợp; hoàn chỉnh danh mục dự án kế hoạch trung hạn 2016-2020, bên cạnh đó xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2017 để kịp thời trình thẩm định, phê duyệt khi Trung ương bố trí nguồn vốn chính thức.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết