02/06/2008 - 22:57

Đời phu gạch

TP Cần Thơ hiện có cả chục bến làm điểm tập kết gạch đi các nơi, với cả ngàn lao động làm nghề khiêng gạch. Phần lớn phu khiêng gạch là dân tứ xứ nên thường đem theo cả gia đình, thuê nhà trọ ở. Họ chấp nhận cuộc sống kham khổ để kiếm tiền mưu sinh. Đằng sau đồng tiền kiếm được mỗi ngày là bao nỗi nhọc nhằn, éo le của nhiều thân phận ly hương.

Xa xứ mưu sinh

Buổi trưa nắng chang chang, cả chục phu khiêng gạch ở bến gạch Nhà nuôi dưỡng quận Bình Thủy mồ hôi ra như tắm cố khiêng cho hết ghe gạch vừa cặp bến. Không ít trong số đó là những trẻ em loắt choắt, giẫm chân trần trên con đường đầy đá cuội để tập kết gạch lên xe. Mỗi khi có xe đợi chở hàng đến thì nhân công không được chậm trễ, nếu để chủ ghe mất mối thì người làm thuê sẽ mất việc.

Chị Phạm Thị Ánh Thu, 36 tuổi, quê Vĩnh Long, có thâm niên 12 năm làm phu khiêng gạch, kể: “Làm nghề này rất cực nhưng cũng sống được nên tui ráng đeo tới giờ. Vài năm nữa chắc cũng giải nghệ vì đau lưng quá, chịu hết thấu rồi”. Chị Thu qua Cần Thơ thuê nhà trọ ở, đi khiêng gạch để gởi tiền về quê nuôi đứa con 8 tuổi. Ngày nào khỏe chị kiếm được cả trăm ngàn đồng, ít cũng được ba chục ngàn, nhưng cũng có bữa ra bến ngồi ngóng rồi về không vì ghe gặp trục trặc không xuống kịp. Cả năm nay chồng chị bị bệnh nên mình chị phải cáng đáng mọi thứ. Nhưng dù cố gắng chị cũng chẳng khấm khá, vì tiền thuê nhà trọ cũng 400.000 đồng/tháng, ăn tằn tiện cũng 60.000 đồng/ngày.

 Cha mẹ đi làm, 2 đứa con của anh Nguyễn Văn Đoàn ở nhà trọ cùng ngoại trong hẻm 44 đường Cách Mạng Tháng Tám, khu vực 6, phường Cái Khế.

Tình cảnh vợ chồng Thu Hằng, 30 tuổi, quê ở Hậu Giang cũng bi đát không kém, vì hai người làm nhưng nuôi cả gia đình gồm cha mẹ chồng và con nhỏ. Giơ bàn tay đầy gân xanh, Hằng than: “Có những bữa ráng làm, tay tôi muốn đơ ra luôn. Ở quê không có việc nên ra đây. Cùng đường mới bám nghề cực khổ này, chứ ai muốn dãi nắng dầm mưa”. Nguyễn Thị Lan, quê Hậu Giang, cũng tâm sự: “Trong quê khổ lắm, đi cắt lúa, nhổ cỏ mướn chỉ 30.000 đồng/ngày nhưng lúc có lúc không. Khiêng gạch cực nhưng có tiền ổn định và không phụ thuộc chủ. Ai cần kêu thì đi làm, mệt thì nghỉ. Làm nghề này ho, đau lưng, đầu gối, khớp và nhức mình là căn bệnh kinh niên. Hễ đau thì mua vài liều thuốc uống rồi thôi, tiền đâu tới bác sĩ”.

Võ Anh Tuấn, 35 tuổi, quê ở Bình Thủy, kể lại nỗi truân chuyên của người làm nghề khiêng gạch. Ngủ không nổi, nhức mình, ăn cũng không vô, điệp khúc làm rồi bệnh, cứ lặp đi lặp lại. Khiêng gạch từ năm 11 tuổi, sau hơn 10 năm gắn bó anh Tuấn phải giải nghệ vì bị gai cột sống. Giờ anh theo ghe đi tỉnh chở gạch mướn. Ngồi nhìn sông đỏ quạch phù sa trước mặt, anh Tuấn than: “Tôi đã chứng kiến biết bao cảnh đời khó nhọc trong nghề này rồi. Có tiền nhưng bệnh cũng nhiều, lắm rủi ro”. Theo anh Tuấn, hiếm ai khá lên từ nghề khiêng gạch vì bao nhiêu tiền dành dụm đổ hết vào bệnh hậu do nghề nghiệp mang lại. Tai nạn không nguy hiểm như các nghề khác nhưng cũng thường xuyên xảy ra, như gạch rớt chảy máu, dập ngón chân, đang làm mệt quá ngã ngang xỉu. Nhưng sợ nhất là té khi đi trên cây đòn từ ghe lên bờ, có người lọt sông bị cây đâm vào bắp chuối máu chảy lênh láng, phải vào trạm xá.

Nghèo nên nhiều gia đình làm nghề khiêng gạch cho con nghỉ học sớm, có đứa mới 8-9 tuổi đã theo mẹ ra bến làm việc. Vì vậy, bến nào cũng có cả chục đứa bé loắt choắt. Nhỏ nhưng các em rất siêng nên chủ gạch thương, cho làm, cho ăn cơm trưa, có đứa kiếm một ngày cũng được 30.000 - 40.000 đồng. Như Nguyễn Văn Tèo, 14 tuổi, nghỉ học sớm, ở trọ, khoe cùng khiêng gạch với cha mẹ được gần 2 năm, đang để dành tiền mua điện thoại di động. Đặng Ngọc Đức, 15 tuổi, quê ở Hậu Giang, làm nghề khiêng gạch được 2 tháng, gởi tiền về phụ cha mẹ nuôi 3 đứa em còn đi học. Đức tâm sự: “Em chỉ mong mỗi ngày có gạch để khiêng là được rồi”. Các em còn quá nhỏ để nghĩ tới tương lai...

Cuộc sống bấp bênh

Ông Nguyễn Văn Đậu, chủ ghe chở gạch ở bến Nhà nuôi dưỡng Bình Thủy, cho biết không ai đổi đời từ nghề khiêng gạch, ráng tiết kiệm mới dư chút đỉnh. Vật giá leo thang như hiện nay thì cuộc sống phu khiêng gạch càng khó khăn hơn. Ngày trước khiêng 1 thiên gạch (1.000 viên) được 15.000 đồng mua được 2 - 3 kg gạo, giờ mua chỉ được 1 kg. Đó là chưa kể có những nơi chủ bến bắt người khiêng gạch phải đóng tiền chỗ cho chủ cả trăm ngàn đồng/tháng nên các phu khiêng gạch đã khổ càng thêm khổ.

Hẻm 44 đường Cách Mạng Tháng Tám, khu vực 6, phường Cái Khế là nơi có rất đông dân khiêng gạch thuê nhà ở trọ, phần đông là dân từ Phong Điền, Vĩnh Long, Hậu Giang đến. Ai có con nhỏ thì rước ông bà theo coi con để đi làm, nếu không thì gởi nhà hàng xóm, một người trông 6,7 đứa, tiền ăn cha mẹ hùn lại. Các bé cỡ 5-6 tuổi thì ở nhà một mình hoặc cha mẹ cho chơi đại ngoài sân đợi người lớn đi làm về nấu cơm ăn. Những căn nhà trọ ẩm thấp, rẻ tiền, nhếch nhác chỉ để ngủ sau một ngày mệt nhoài nên người mướn cũng chẳng thèm quan tâm đến điều kiện vệ sinh. Vì phòng nhỏ không dẫn nước vào nên mọi chuyện tắm rửa, vệ sinh đều diễn ra tập thể ở bến sông sau nhà. Nước ăn uống cũng lấy từ đó lên lóng phèn. Chị Nguyễn Thị Lan, quê ở Hậu Giang bộc bạch: “Cũng sợ bệnh lắm, nhưng tại nghèo phải chịu thôi”.

Trong hẻm này hộ đông người nhất là phòng của anh Nguyễn Văn Đoàn, 23 tuổi, quê Phong Điền, thuê nhà trọ cùng cha mẹ vợ và vợ đi khiêng gạch. Từ ngày vợ đẻ, mẹ vợ ở nhà giữ cháu, nấu cơm. Căn phòng chỉ đủ giăng 2 cái mùng, giá 150.000 đồng/tháng, là nơi chứa 6 nhân khẩu. Mỗi khi trời nắng, căn phòng lợp tôn như cái hộp, nóng không thở nổi, nồng nặc mùi hôi. 2 đứa con của anh Đoàn, đứa 4 tuổi, đứa 2 tuổi đều bị suy dinh dưỡng. Vợ chồng anh cũng ốm yếu vì ăn uống kham khổ để dành tiền mua sữa cho con. Dì Đặng Thị Thêm, mẹ vợ của anh Đoàn, 46 tuổi, nói: “Ở như vầy quen rồi, có người ở còn tệ hơn tui nữa kìa!”. Xung quanh đó là những căn nhà lá lụp xụp, sát mé sông đầy muỗi mòng, nước đọng vũng trên sàn nhà cũng là nơi những người khiêng gạch thuê ở.

Chú Hồ Văn Phép, chủ một nhà trọ trong hẻm 44 khu vực 6, phường Cái Khế, cho biết nhà chú mấy mươi năm qua như cái tổ đón và dìu dắt không biết bao nhiêu người dân lao động từ quê ra kiếm sống. Có dạo suốt 5 năm trời chú cho ở không lấy tiền, dẫn đi giới thiệu mối làm ăn với các chủ ghe. Sau này khi có công việc ổn định, những người chịu ơn hùn tiền lại phụ điện nước với chú thím. Có chút tiền chú cất phòng trọ cho thuê và luôn lấy giá rẻ hơn so với chỗ khác. Có người ở trọ nhà chú gần 20 năm, chỉ làm một nghề duy nhất là khiêng gạch. Chú Năm Phép kể: “Con hẻm như tổ chim, sáng người dân kéo đi, tối túa về, ăn uống tắm giặt rồi ngủ lấy sức cho ngày mai, ít ai ăn nhậu, chơi bời lắm. Chừng 10 giờ đêm là hẻm vắng hoe”.

Chia tay xóm trọ, chúng tôi nhớ mãi những căn phòng tồi tàn mà những người dân lao động nghèo chọn làm tổ ấm cho mình. Nhớ những gương mặt trẻ thơ đã đến tuổi đi học nhưng chưa một lần được chạm tay vào con chữ. Nhớ đôi mắt đỏ hoe của những bà mẹ lam lũ biết xót cho tương lai con mình, nhưng không biết thoát ra bằng đường nào vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Có tiếng chim lạc bầy kêu khoắc khoải nghe buồn như thân phận những người ly hương đang bán sức lao động của mình trong xóm trọ nghèo nàn.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết