16/01/2011 - 09:15

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phục vụ thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới

Thời gian qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, qua đó, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, song, không tránh khỏi một số vướng mắc, hạn chế cần khắc phục. Từ bài học kinh nghiệm của các chương trình đào tạo nghề trước đây, việc đúc rút kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp, phương thức triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là các địa phương triển khai thí điểm mô hình nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết.

Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn và đặc điểm của nông dân

Về định hướng phát triển nông nghiệp: Chủ trương của Đảng và Nhà nước là phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu. Chủ trương này đòi hỏi phải đưa công nghệ mới vào trong sản xuất nông nghiệp như công nghệ sinh học, công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến thực phẩm,... nhằm thực hiện hai mục đích là tạo ra sản phẩm nông nghiệp mới và tăng năng suất lao động đối với những sản phẩm nông nghiệp truyền thống. Trong những năm qua, chúng ta đã thành công nhất định đối với một số sản phẩm nông nghiệp như gạo, cà-phê, cao-su, thanh long... Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn còn lạc hậu. Giá cả và chất lượng sản phẩm nông - lâm sản của nước ta so với các nước trong khu vực quá thấp, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản không cao. Nguyên nhân chủ yếu là việc áp dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, toàn diện ở các sản phẩm, chưa theo chuẩn quốc tế, do đó sản phẩm nông nghiệp có giá trị nhưng khả năng xuất khẩu kém, bị động đầu ra, dễ dẫn đến hiện tượng khủng hoảng thừa trong nông nghiệp.

Về địa bàn triển khai nông nghiệp - khu vực nông thôn: Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển nông thôn trong nhiều năm. Kết cấu hạ tầng như hệ thống giao thông, trường học, điện, nước sinh hoạt được đầu tư phát triển khá đồng bộ. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, cần phải bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với sản xuất hàng hóa và công nghệ sản xuất nông nghiệp phải được áp dụng rộng rãi trong mô hình kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, vùng chuyên môn hóa, khu nông nghiệp công nghệ cao các tổ hợp sản xuất lớn. Việc đô thị hóa cũng làm cho diện tích đất canh tác bị thu hẹp đáng kể. Điều này tác động lớn tới đời sống lao động sản xuất của nông dân. Do đó, bên cạnh việc củng cố diện tích sản xuất mà các hộ gia đình đã được giao còn phải cân nhắc đến việc dồn điền, đổi thửa để có diện tích sản xuất lớn mới có thể triển khai được sản xuất nông nghiệp hiện đại. Thực tế, thời gian qua, một số địa phương đã thực hiện việc này và đã thành công (xã Mỹ Tiến, thành phố Nam Định; xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).

Về đặc điểm của nông dân: Người nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để có được nền nông nghiệp hiện đại, phải có lực lượng lao động tại nông thôn có kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu phát triển nông thôn mới. Người nông dân nước ta cần cù, chịu khó, sẵn sàng tiếp thu kiến thức mới để cải tạo thiên nhiên, giúp ích cho hoạt động nông nghiệp của mình. Tuy nhiên, một trong những nhược điểm của nông dân trong giai đoạn hiện nay là làm việc manh mún. Bên cạnh đó, do tập quán làm việc theo cảm tính dẫn đến người nông dân không có định hướng phát triển hoạt động nông nghiệp rõ ràng nếu như không có sự tư vấn chi tiết của các cơ quan chuyên môn, của những người có kinh nghiệm. Đã có hiện tượng người nông dân không có hứng thú sản xuất trên mảnh đất của mình do diện tích đất canh tác nhỏ, năng suất lao động thấp, hoặc sự đầu tư của họ không đúng hướng, dẫn đến việc khủng hoảng thừa như giai đoạn vừa qua đối với cây điều, cây mía, thậm chí đối với cả cây cà-phê. Với thời gian nông nhàn lớn làm cho người nông dân có xu hướng thoát ly khỏi địa bàn nông thôn lên thành thị kiếm việc, càng làm cho hoạt động canh tác trên mảnh đất của họ kém hiệu quả. Một số địa phương không còn thanh niên tại làng xã dẫn đến việc làm nông chỉ còn lao động nữ hoặc thậm chí thuê người làm ruộng.

Đặc điểm của nông nghiệp và nông thôn hiện nay đòi hỏi người nông dân phải thay đổi hoạt động sản xuất của mình theo 3 hướng: Tiếp tục làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với việc áp dụng công nghệ kỹ thuật mới để nâng cao năng suất lao động; chuyển dịch sang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp tại chỗ ở (ly nông bất ly hương); chuyển dịch sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tại địa phương khác.

Chính đặc điểm của người nông dân như trên làm cho vai trò của đào tạo nghề càng trở nên quan trọng, quyết định sự thành công của việc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói chung và thành công của xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Kinh nghiệm bước đầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện theo Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Trước khi Nghị quyết số 26 của Chính phủ ra đời, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai theo Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 18-4-2005, về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Các chính sách theo Quyết định số 81 đã có hiệu quả nhất định cho đào tạo ngắn hạn với lao động nông thôn trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề. Tuy nhiên, quá trình triển khai Quyết định 81 từ năm 2005 - 2010 bộc lộ một số nhược điểm:

Một là, không xác định được mục tiêu rõ ràng về kết quả đào tạo dẫn đến việc đào tạo nghề chưa thực sự gắn kết với giải quyết việc làm, định hướng và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế tại địa phương.

Hai là, việc phối hợp giữa cơ quan chủ trì triển khai (tại Trung ương là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại địa phương là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) và các cơ quan khác có liên quan (tại Trung ương là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương..., tại địa phương là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Hội Nông dân...) chưa tốt, dẫn đến việc triển khai chủ yếu do cơ quan chủ trì thực hiện. Điều này làm cho việc đào tạo nghề không theo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội địa phương mà theo năng lực sẵn có của các cơ sở đào tạo.

Ba là, công tác tư vấn nghề nghiệp chưa tốt. Người nông dân thiếu thông tin về nghề nghiệp, về định hướng phát triển kinh tế, xã hội, về cơ hội việc làm. Từ đó, dẫn đến việc lựa chọn ngành nghề đào tạo theo cảm tính, sau khi tốt nghiệp không ứng dụng kiến thức, kỹ năng được học vào hoạt động nghề nghiệp của mình.

Bốn là, chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc trong quá trình xác định nhu cầu đào tạo phục vụ định hướng phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Số liệu điều tra của Tổng cục Dạy nghề cho thấy, có khoảng cách giữa số liệu về nhu cầu việc làm do cấp tỉnh, huyện cung cấp và số liệu do cấp xã cung cấp. Chính vì vậy, định hướng đào tạo cho cơ sở đào tạo, cho người nông dân và cho cơ quan quản lý chưa sát với thực tiễn.

Năm là, việc tổ chức đào tạo cho nông dân chưa linh hoạt, chưa phù hợp với đặc điểm của lao động nông thôn - thường là lao động chính trong hộ, rất khó có thể tạm dừng công việc để đi học. Tình trạng bỏ học nhiều dẫn đến khó khăn cho quá trình đào tạo và quản lý của cơ sở đào tạo và các cơ quan có liên quan.

Sáu là, chưa huy động được đội ngũ chuyên gia nông nghiệp, nghệ nhân, các viện nghiên cứu và các hội nghề nghiệp tham gia quá trình đào tạo làm cho kiến thức đào tạo nghèo nàn, chưa phù hợp với thực tế và chưa đưa được công nghệ mới vào trong đào tạo.

Tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn mới

Với bài học kinh nghiệm trên, để triển khai thành công đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới, cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, gắn đào tạo nghề với quy hoạch định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các địa phương xác định nhu cầu đào tạo. Thực tiễn cho thấy, tất cả các xã trong mô hình thí điểm nông thôn mới đều đang triển khai các mô hình nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhưng chưa xác định được nhu cầu nhân lực để triển khai mô hình và nhân rộng mô hình bền vững. Việc xác định nhu cầu đào tạo phải chi tiết đến từng nghề, vật nuôi, cây trồng cụ thể.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tư vấn cho nông dân, giúp bà con biết các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, cơ hội việc làm, các vật nuôi, cây trồng có thể triển khai hiệu quả trên mảnh đất của mình, từ đó bà con sẽ chủ động trong việc lựa chọn lĩnh vực sản xuất và tự nguyện tham gia các khóa học nghề do Nhà nước hỗ trợ. Để làm việc này, cần nâng cao vai trò của thôn, xã, lấy thôn, xã và các cơ quan chuyên ngành, các hiệp hội nghề nghiệp làm nòng cốt trong công tác tư vấn, tuyên truyền và xác định nhu cầu đào tạo.

Thứ ba, huy động đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực từ các viện nghiên cứu, các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội nghề nghiệp phối hợp với các cơ sở đào tạo để tư vấn cho bà con và triển khai các khóa đào tạo. Điều này bảo đảm sự thành công của việc ứng dụng công nghệ mới, phương thức sản xuất mới, đồng thời bảo đảm nội dung đào tạo phù hợp và mang tính hiện đại.

Thứ tư, đầu tư đồng bộ, cân xứng cho công tác đào tạo nghề và các hoạt động khác trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tránh trường hợp một số địa phương quá chú trọng đến việc xây dựng cơ sở vật chất, thủy lợi, trường phổ thông, không đầu tư thỏa đáng cho xây dựng cơ sở dạy nghề và hoạt động dạy nghề, làm cho công tác dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu.

Thứ năm, triển khai đào tạo nghề linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của nông dân, cho từng địa phương và từng lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh dạy nghề thường xuyên tại chỗ và theo thời vụ phát triển.

Trong năm 2010, Tổng cục Dạy nghề thực hiện các nội dung trên để triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và đào tạo nghề cho lao động tại 11 xã thí điểm mô hình Nông thôn mới nói riêng. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 11 xã đã xác định được nhu cầu đào tạo phục vụ theo nhu cầu của người nông dân và phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương cùng sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền. Công tác tuyển sinh được triển khai và được người nông dân nhiệt tình đăng ký tham gia. Việc tạo việc làm sau đào tạo phải được xác định ngay từ khi bắt đầu tổ chức lớp học. Sau khi tổng kết, đánh giá, cách triển khai đào tạo nghề tại 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới sẽ được áp dụng rộng rãi cho chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn trên toàn quốc.

PHẠM VŨ QUỐC BÌNH
(Theo Tạp chí Cộng Sản)

Chia sẻ bài viết