02/11/2011 - 20:14

Bao tiêu nông sản qua hợp đồng

Có chế tài để hài hòa lợi ích các bên

Thời gian qua, do gặp khó khăn về điều kiện phơi sấy lúa, nhiều nông dân đã chọn giải pháp bán lúa tươi cho thương lái, dù phải chấp nhận mức giá thấp.

Trong điều kiện không đủ năng lực phơi sấy, trữ lúa, do thiếu vốn, không có kho chứa đảm bảo, nên nhiều nông dân ở ĐBSCL chọn cách bán lúa tươi tại ruộng ngay sau thu hoạch. Thực trạng này kéo dài nhiều năm qua ở ĐBSCL. Có nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng cần có biện pháp hỗ trợ để giúp nông dân thoát khỏi tình trạng này. Nhưng cũng có ý kiến, nếu nông dân được ký hợp đồng bán lúa tươi cho doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm...

* “Chông chênh” thực hiện hợp đồng

Trong các vụ lúa năm 2011, có một số đơn vị, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng lúa ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) theo hình thức thu mua lúa tươi. Và đơn vị đã thu mua đạt 100% lượng lúa theo hợp đồng đã ký, nông dân phấn khởi vì bán được lúa với giá cao mà không lo chuyện phơi, sấy... Đây cũng là hướng mở cho huyện Cờ Đỏ và các địa phương ở TP Cần Thơ giảm bớt sự “hục hặc” giữa nông dân trồng lúa và doanh nghiệp trong việc thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm...

Theo thống kê của ngành chức năng, vụ đông xuân 2010-2011, các đơn vị, doanh nghiệp ở TP Cần Thơ đã ký hợp đồng bao tiêu hơn 10.691ha lúa cho nông dân huyện Cờ Đỏ, tăng hơn 4.397ha so với năm 2010, với sản lượng thu mua dự kiến hơn 74.106 tấn. Song, do tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng, cùng những bất đồng trong việc định giá và chất lượng sản phẩm, nên kết quả là tổng sản lượng lúa các đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện hợp đồng thu mua với nông dân chỉ đạt 46.880 tấn (tương đương 63,26% sản lượng theo hợp đồng đã ký kết) và giảm 11,54% so với năm 2010. Trong vụ đông xuân 2011, Viện Lúa ĐBSCL ký hợp đồng bao tiêu 10ha lúa cho nông dân xã Đông Thắng và thu mua lúa tươi của nông dân với sản lượng 75 tấn, đạt 100%, với giá 6.500 đồng/kg lúa tươi. Trong khi đó, hầu hết các đơn, doanh nghiệp khác dù cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, nhưng do mua lúa khô nên lượng thu mua đều không đạt. Công ty Mekong ký hợp đồng bao tiêu 63,7ha nhưng sản lượng thu mua chỉ đạt 191 tấn, tương đương 50%, do nông dân bán lúa tươi cho thương lái tại ruộng. Công ty cổ phần Gentraco ký hợp đồng bao tiêu 234ha, nhưng do giá lúa thị trường cao hơn, nông dân bán lúa tươi cho thương lái nên sản lượng thu mua chỉ khoảng 415 tấn, đạt khoảng 30%...

Tương tự, vụ hè thu 2011, các đơn vị, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu 9.461ha lúa trên địa bàn huyện Cờ Đỏ nhưng sản lượng lúa thu mua chỉ đạt 47,2% sản lượng theo hợp đồng. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cờ Đỏ, dù được bao tiêu sản phẩm, nhưng trên thực tế, không ít nông dân vẫn muốn bán lúa tươi cho thương lái vì sợ doanh nghiệp chê lúa phơi sấy không đạt chất lượng, mua với giá thấp.

* Cần hướng đi phù hợp...

Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg (ngày 24-6-2002) về khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng và mới đây, Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo của Chính phủ quy định các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho chứa, nhà máy chế biến gạo, vùng nguyên liệu... Qua đó, tạo liên kết “4 nhà” được chặt chẽ hơn và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Hiện nay, dù nhiều doanh nghiệp đã tích cực liên kết, hợp tác với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn... nhưng việc tiêu thụ lúa của nông dân vẫn gặp khó khăn. Một phần do còn ít doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm và diện tích được bao tiêu cũng chưa nhiều. Mặt khác, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo và còn dễ xảy ra tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng, do thiếu chế tài về mặt pháp lý.

Hiện nay vẫn chưa có “trọng tài” để phân xử những tranh cãi về chất lượng sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp khi thực hiện hợp đồng bao tiêu nông sản, nên nhiều nhà nông rất mong doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại ruộng, thay vì phải phơi sấy. Ông Nguyễn Hoàng Nam ở ấp Đông Thạnh, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Nếu doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nông sản theo hình thức thu mua lúa tươi, nông dân sẽ được lợi rất nhiều. Còn ký hợp đồng bán lúa khô, nông dân rất sợ không biết phơi sấy thế nào cho đạt các yêu cầu của doanh nghiệp, ẩm độ, độ gãy, tỷ lệ tạp chất... bao nhiêu là đạt chuẩn, rất khó tính đúng, tính đủ. Và nông dân sợ nhất là phơi sấy lúa xong, thúc hối hoài mà doanh nghiệp vẫn chậm trễ thu mua”. Theo ông Nguyễn Văn Thành ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, nông dân trồng lúa rất mong muốn được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để an tâm sản xuất. Nhưng thời gian qua, việc thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp thường xảy ra trục trặc khi xác định chất lượng để định giá lúa, nông dân nói đạt, doanh nghiệp lại nói không!

Theo bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, thời gian qua, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên địa bàn, nhưng chỉ những hợp đồng thu mua lúa tươi mới đạt 100%, còn hầu hết các hợp đồng thu mua lúa khô chỉ đạt từ 30-70%. Bởi nông dân rất ngại các chỉ tiêu kỹ thuật mà doanh nghiệp đưa ra như: độ ẩm, độ gãy... do bà con chưa hiểu hết và không có máy móc đo đạc đạt các tiêu chuẩn... Do vậy, doanh nghiệp và nông dân cần có sự thống nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên trong ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Thống kê của Cục Trồng trọt, sản lượng sấy lúa trong vụ hè thu đạt rất thấp, đến nay chỉ 23-25% sản lượng lúa được sấy. Trên thực tế, việc đầu tư cho cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL vẫn chưa được quan tâm đúng mức, năng lực sấy lúa của các cơ sở vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, chi phí vận chuyển đến các lò sấy cao, nếu diện tích trồng lúa của nông dân cách xa khu vực đặt lò sấy và không nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư từ khâu này. Do vậy, để đảm bảo đầu ra cho hạt lúa và chất lượng hạt gạo, thì khâu cơ giới sau thu hoạch cần được quan tâm đầu tư đúng mức.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết