10/05/2024 - 10:08

Chủ động ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn 

Mặc dù mưa đã xuất hiện tại ĐBSCL nhưng với lượng mưa nhỏ, tình trạng khô hạn vẫn còn diễn ra, nước trên các con sông, kênh rạch còn ở mức thấp; xâm nhập mặn (XNM) đe doạ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực ĐBSCL tập trung thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế để chủ động ứng phó khô hạn, XNM…

Khô hạn, thiếu nước

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ đầu tháng 5-2023 đến nay, mưa xuất hiện tại ĐBSCL, với lượng mưa trung bình 10-20mm. Mưa xuất hiện trên diện rộng đã bổ sung nguồn nước ngọt, hạn chế khô hạn, XNM trong khu vực. Dự báo, từ giữa tháng 5, tại ĐBSCL mưa có khả năng xuất hiện nhiều nơi. Do đó, trong tháng 5 mặn có xu thế giảm trên các cửa sông Cửu Long. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của triều cường đầu tháng 4 âm lịch, XNM đang có xu hướng tăng trở lại, đạt đỉnh vào kỳ từ ngày 7 đến 10-5 ở mức 45-58km (cách cửa sông) trước khi mưa về và mặn giảm vào nửa cuối tháng 5. Do đó, nguồn nước vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm và có khó khăn hơn cho bơm tưới.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước được triển khai thực hiện tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Vùng giữa và khu vực ven biển Đông ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Mặn tăng dần và đạt đỉnh tháng 5 vào kỳ 7-5 đến 10-5, đỉnh mặn thấp hơn nhiều so với đỉnh mặn tháng 3 và tháng 4. Các địa phương vùng ven biển ở Bến Tre, Tiền Giang giám sát mặn chặt chẽ để đảm bảo an toàn sản xuất trong đợt mặn tăng cao này. Các khu vực cách biển hơn 40km ven sông Hậu và Cổ Chiên thuộc Trà Vinh và Sóc Trăng, vẫn có nhiều cơ hội về nguồn nước. Khu vực ảnh hưởng mặn sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc các tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang. Mặn 4g/l đã vào sâu nhất 50-57km. Diện tích sản xuất vụ hè thu tăng làm tăng nhu cầu nước trong vùng có thể làm mặn vào sâu, cần vận hành hợp lý hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để kiểm soát mặn trong vùng…

TP Cần Thơ do vị trí địa lý cách Biển Đông khoảng 80km nên điều kiện về nguồn nước tương đối thuận lợi hơn một số tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, trước tác động, ảnh hưởng ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, của thiên tai, nhân tai, TP Cần Thơ cũng chịu ảnh hưởng của khô hạn, đồng thời có những năm chịu ảnh hưởng của XNM. Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, hiện nay hướng XNM vào thành phố chủ yếu theo sông Hậu (do thủy triều đẩy mặn từ biển vào dọc theo sông Hậu). Địa bàn có thể bị ảnh hưởng trực tiếp là quận Cái Răng. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, TP Cần Thơ ghi nhận có 2 đợt XNM theo đường sông Hậu vào đến cảng Cái Cui thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng (giáp ranh tỉnh Hậu Giang) vào năm 2016 và 2020. Công tác ứng phó được triển khai thực hiện và hạn chế lấy nước sông Hậu phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ngay thời điểm XNM.

Giải pháp ứng phó

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, năm 2024 nguồn nước về ĐBSCL thuộc nhóm năm ít nước, ảnh hưởng của El Niño, mặn xâm nhập ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Trong điều kiện nắng nóng, dòng chảy thượng nguồn về thấp, dự báo mặn, khô hạn, nắng nóng còn diễn ra trong tháng 5 này. Hiện nay tổng diện tích đã xuống giống vụ lúa hè thu tính đến cuối tháng 4 là 769.741ha, tập trung chủ yếu ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Vĩnh Long và Tiền Giang. Bắt đầu có thêm các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu. Chú ý, nửa đầu tháng 5 mặn và hạn còn cao, vì vậy các địa phương, đặc biệt khu vực ven biển nên cân nhắc việc giãn sản xuất một số diện tích vụ hè thu trong năm này để góp phần giảm nhu cầu nước và hạn chế XNM vào sâu vùng cửa sông ven biển. Từ cuối tháng 5 và sang tháng 6 dự báo mưa về, tình trạng thiếu nước ngọt bớt căng thẳng, việc xuống giống sẽ đem lại hiệu quả hơn cho sản xuất nông nghiệp trên toàn đồng bằng. Thêm vào đó, các địa phương cần chủ động các giải pháp ứng phó phòng, chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng.

Để chủ động các giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, XNM mùa khô năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, XNM gây ra, TP Cần Thơ đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong đó, thành phố đã thiết lập các trạm đo mặn phục vụ công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM, đặc biệt các trạm đo mặn cố định và lưu động trên sông Hậu thuộc địa bàn quận Cái Răng hoạt động thường xuyên, cung cấp thông tin kịp thời cho ngành chức năng, chính quyền địa phương; Đài Khí tượng thủy văn Cần Thơ tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo XNM tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng XNM để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất một cách phù hợp nhất. Tổ chức theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM; tổ chức kiểm tra, vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh...

Bên cạnh đó, công tác thủy lợi mùa khô, thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh rạch ứng phó khô hạn, XNM được ngành chức năng TP Cần Thơ tập trung thực hiện. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ quản lý, tập tung khai thác có hiệu quả từ Dự án nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó XNM do BĐKH gây ra, với các trạm quan trắc môi trường, chất lượng nước tại các sông chính trên địa bàn. Kết quả quan trắc, cảnh báo mặn xâm nhập từ các trạm quan trắc này kịp thời cung cấp cho đơn vị chức năng, người dân trên địa bàn ứng phó, điều tiết sử dụng nguồn nước ngọt hiệu quả, tiết kiệm…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Qua 2 đợt XNM cho thấy tác động của biến đổi khí hậu, của thiên tai và cả nhân tai (như vận hành thủy điện, hồ chứa ở thượng nguồn…) ngày càng cực đoan, gay gắt, không theo quy luật đã khiến khô hạn, XNM xuất hiện đến TP Cần Thơ - trung tâm vùng ĐBSCL. Để chủ động phòng chống và thích ứng với hạn mặn, thiếu nước, XNM được dự báo trong năm nay, TP Cần Thơ đã làm tốt công tác dự báo, truyền thông để thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ đến chính quyền các cấp và người dân về nguy cơ hạn hán, XNM. Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức vận hành các công trình thủy lợi hợp lý; xây dựng các kịch bản về ứng phó và thích ứng với hạn hán, thiếu nước, XNM phù hợp với tình hình thực tế của từng quận, huyện… Thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách cho công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai; đa dạng hóa việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, XNM, tìm kiếm cứu nạn; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó khô hạn, biến đổi khí hậu trên địa bàn…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết