20/05/2024 - 21:14

Nhật mở rộng săn bắt cá voi 

Cơ quan Thủy sản Nhật Bản gần đây đã khơi mào cuộc tranh luận về ngành săn bắt cá voi của nước này khi công bố kế hoạch bổ sung cá voi vây, loài động vật lớn thứ hai trên Trái đất, vào danh sách săn bắt vì mục đích thương mại.

Máy bán thịt cá voi tại Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AP

Cơ quan trên sẽ tiếp nhận ý kiến ​​của công chúng cho đến ngày 6-6 và dự kiến​​ đưa ra quyết định vào tháng 7, nhưng “quy trình này chỉ mang tính chiếu lệ, không có nghi ngờ gì về quyết định cuối cùng”, theo Patrick Ramage, Giám đốc cấp cao của Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Ðộng vật (IFAW). IFAW kêu gọi Nhật Bản không cho phép săn bắt cá voi vây vì mục đích thương mại. Ông Ramage cho rằng việc mở rộng săn bắt cá voi trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng đang giảm nhanh chóng là vô nghĩa.

Trước những chỉ trích trên, Ken Kato, một doanh nhân 54 tuổi đến từ thủ đô Tokyo, khẳng định săn cá voi là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa ẩm thực của Nhật và phải tiếp tục bất chấp sự phản đối từ các quốc gia khác. “Ðối với nhiều người, vấn đề không phải là thức ăn. Tôi không nghĩ nhiều người Nhật thích ăn cá voi, nhưng họ chỉ không thích bị sai bảo phải làm gì. Nếu nhượng bộ vấn đề này, thì trong tương lai chúng ta sẽ được thông báo rằng chúng ta không được ăn sushi nữa”, ông Kato nói.

Izumi Tsuji, nhà xã hội học và Giáo sư tại Ðại học Chuo ở Tokyo, cho biết cuộc tranh luận về thịt cá voi phần lớn bị chia rẽ theo các thế hệ tại Nhật. Trong khi người lớn tuổi có thể có “hoài niệm” nhất định về hương vị cá voi thì “người trẻ không biết gì về thịt cá này và cũng không mấy hứng thú”.

Thịt cá voi là nguồn cung cấp prôtêin hợp lý cho người nghèo Nhật Bản trong những năm sau Thế chiến thứ Hai, với mức tiêu thụ hàng năm từng đạt đỉnh điểm 233.000 tấn vào năm 1962. Nhưng mức tiêu thụ này đã giảm xuống còn 3.000 tấn hoặc ít hơn trong những năm gần đây, do thịt cá voi bị thay thế bởi những loại thịt khác.

Trong nhiều thập kỷ khi Nhật Bản còn là thành viên của Ủy ban săn bắt cá voi quốc tế (IWC), quốc gia Ðông Bắc Á đã khai thác lỗ hổng trong các quy định để tiếp tục săn bắt loài động vật có vú này phục vụ cho cái gọi là “nghiên cứu khoa học”. Nhật rời IWC vào cuối năm 2018 và ngay sau đó quay trở lại hoạt động săn bắt thương mại.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết