10/07/2024 - 22:42

Châu Âu tái nhập cuộc đua vũ trụ 

Sáng 10-7, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã lần đầu tiên phóng thành công tên lửa Ariane 6, đưa các vệ tinh lên quỹ đạo và khôi phục khả năng tiếp cận không gian độc lập của lục địa già.

Tên lửa Ariane 6 mang theo các vệ tinh lao thẳng lên không gian vào sáng 10-7. Ảnh: Getty Images

Vụ phóng tên lửa mạnh nhất của ESA đã diễn ra suôn sẻ trong điều kiện thời tiết đẹp từ sân bay vũ trụ của châu Âu ở vùng hải ngoại Guyane thuộc Pháp. Ariane 6 đi vào quỹ đạo hơn 18 phút sau khi cất cánh và khoảng một giờ sau, phương tiện này triển khai một loạt vệ tinh nhỏ.

Bước nhảy vọt khổng lồ

Mặc dù tên lửa gặp trục trặc động cơ ở giai đoạn cuối của chuyến bay, Giám đốc ESA Josef Aschbacher tuyên bố đây là một ngày lịch sử đối với châu Âu, trong khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hoan nghênh “bước nhảy vọt khổng lồ” của ESA. Ông Aschbacher nhấn mạnh: “Ðây là thời điểm rất quan trọng đối với châu Âu. Chúng tôi đang tái lập quyền tiếp cận không gian độc lập cho châu Âu”.

Ngành công nghiệp phóng vệ tinh của châu Âu đã gặp khó khăn trong những năm gần đây. Tên lửa Ariane 6 dự định được phóng vào năm 2020, nhưng đại dịch COVID-19 và nhiều vấn đề kỹ thuật đã trì hoãn kế hoạch. Trong khi đó, phiên bản tiền nhiệm Ariane 5 đã “nghỉ hưu” sau chuyến bay cuối cùng hồi năm ngoái. Vega-C, tên lửa nhỏ hơn của châu Âu được thiết kế để đưa các vệ tinh lên quỹ đạo, cũng đã ngừng hoạt động kể từ vụ phóng thất bại vào tháng 12-2022. Do vậy, Liên minh châu Âu (EU) không có phương tiện độc lập để tự đưa các vệ tinh vào không gian - nơi các quốc gia đang cạnh tranh để chiếm lợi thế chiến lược và kinh tế.

Ðể làm việc đó, châu Âu đã phải dựa vào các đối thủ như hãng SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk. SpaceX đã giúp châu Âu phóng 4 vệ tinh quan trọng, bao gồm 2 vệ tinh dành cho hệ thống định vị Galileo và sẽ hỗ trợ phóng thêm 4 vệ tinh vào cuối năm nay.

Ariane 6 được chế tạo bởi công ty hàng không vũ trụ ArianeGroup của Pháp với mục đích cạnh tranh với SpaceX. Ðây là mẫu tên lửa mới nhất trong “gia đình tên lửa” vốn được sử dụng từ thập niên 1970. Ariane 6 có thể đặt các vệ tinh vào quỹ đạo địa tĩnh (cách Trái đất 36.000km) cũng như các chòm sao vệ tinh cách Ðịa cầu vài trăm km.

Sau vài tháng phân tích vụ phóng mở màn của Ariane 6, chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng tên lửa này dự kiến ​​diễn ra trước cuối năm nay. ESA lên kế hoạch thực hiện 6 vụ phóng vào năm tới và 8 vụ trong năm 2026.

Năm ngoái, 13 quốc gia thành viên ESA giúp tài trợ cho Ariane 6 đã đồng ý trợ cấp 1 tỉ euro trong 3 năm, bên cạnh chi phí phát triển chương trình Ariane ước tính 4 tỉ euro. Nhiều khách hàng đã đặt trước tên lửa Ariane 6 cho 29 lần phóng đến giữa năm 2028, trong đó 18 lần phóng chùm vệ tinh băng thông rộng Project Kuiper của gã khổng lồ công nghệ Amazon vào năm tới.

Khó thách thức thế thống trị của SpaceX

Ðã có những hoài nghi về năng lực cạnh tranh của Ariane 6 với tên lửa Falcon 9 hoặc Starship lớn hơn cũng của tỉ phú Musk. Khác với Falcon 9, tên lửa của chương trình Ariane 6 không thể tái sử dụng. Tái sử dụng tên lửa là yếu tố chính giúp giảm chi phí bay bằng Falcon 9 và thúc đẩy khả năng cạnh tranh của SpaceX.

Tên lửa Ariane 6 tốn khoảng 4 tỉ euro để phát triển và phía châu Âu hy vọng chi phí cho mỗi lần phóng sẽ dưới 92 triệu euro. Ðể so sánh, Falcon 9 có giá chỉ 62 triệu euro và mang trọng tải lớn hơn vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp vốn cách hành tinh chúng ta chưa đến 1.000km. Khả năng mang trọng tải của Falcon 9 là gần 23 tấn, so với tối đa 21 tấn của tên lửa Ariane 6.

Tuy nhiên, công ty ArianeGroup và bên cung cấp dịch vụ phóng Arianespace hy vọng rằng tính linh hoạt của tên lửa Ariane 6 sẽ giúp nó vượt mặt SpaceX.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết