17/10/2024 - 19:38

Ukraine hy vọng gì với “Kế hoạch chiến thắng”? 

Trong tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày bản “kế hoạch chiến thắng” trước quốc hội, mục đích là tìm kiếm hòa bình công bằng cho cuộc xung đột với Nga thông qua sự đảm bảo an ninh cũng như viện trợ từ các đồng minh.

Tổng thống Zelensky phát biểu trước Quốc hội Ukraine. Ảnh: Washington Post

Kế hoạch được công khai giữa thời điểm các bên ủng hộ Ukraine đang chạy đua để chấm dứt chiến tranh theo những điều khoản có lợi cho Kiev khi xung đột với Nga bước vào giai đoạn quan trọng. Hiện các lực lượng Nga có những tiến triển chậm nhưng chắc chắn trên tiền tuyến, trong khi dòng chảy viện trợ từ phương Tây cho Ukraine đứng trước nguy cơ đứt quãng sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Zelensky trước quốc hội khẳng định “kế hoạch chiến thắng” sẽ giúp củng cố nhà nước cũng như vị thế quốc gia Ukraine. Ông Zelensky dự kiến mang “kế hoạch chiến thắng” tới Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Trong một bình luận, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cho biết bản thân hiểu rõ mọi yếu tố của “kế hoạch chiến thắng” và khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đang liên lạc chặt chẽ với các đồng minh để cân nhắc xem có thể thực hiện các bước tiếp theo như thế nào. Tại cuộc họp sắp tới, 32 thành viên NATO dự kiến thảo luận chi tiết để đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng ông Rutte cảnh báo việc thông qua sẽ gặp nhiều khó khăn.

Có gì trong kế hoạch của Ukraine?

Vốn dĩ, cái gọi là “kế hoạch chiến thắng” do Kiev vạch ra đã được Tổng thống Zelensky trao đổi với các nhà lãnh đạo Mỹ và đồng minh chủ chốt ở châu Âu trong nhiều tuần. Song đến nay, phản ứng của các bên vẫn còn khá im ắng. Dẫn lời giới chức Mỹ, tờ Wall Street Journal cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại kế hoạch này thiếu chiến lược toàn diện và nó chẳng khác mấy so với yêu cầu được cung cấp thêm vũ khí và dỡ bỏ hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa tầm xa.

Theo nội dung được tiết lộ, văn kiện bao gồm 5 điểm chính và 3 phần phụ lục mật, chủ yếu đảm bảo cam kết an ninh vững chắc từ các đồng minh cũng như nguồn viện trợ vũ khí giúp Ukraine ngăn Nga tái vũ trang và tấn công trở lại. Một trong những ưu tiên trong kế hoạch là nỗ lực gia nhập NATO với lời kêu gọi để Ukraine tham gia liên minh ngay lập tức và vô điều kiện. Kiev kỳ vọng tư cách thành viên NATO sẽ bảo vệ nước này trước bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai. Ðề mục quan trọng thứ 2 là cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây trong các đợt tấn công sâu vào bên trong Nga, đồng thời duy trì hoạt động bên trong lãnh thổ có chủ quyền của Nga để đảm bảo an ninh các vùng đệm. Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi hoạt động phòng không chung giữa các nước láng giềng, bên cạnh đề xuất triển khai kế hoạch răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện. Mục đích là buộc Nga tham gia tiến trình ngoại giao để chấm dứt chiến tranh một cách công bằng, từ đó loại trừ các mối đe dọa quân sự. Ðổi lại, Ukraine sẽ giúp tăng cường an ninh cho châu Âu trong thời kỳ hậu chiến nhờ vào các đơn vị quân đội dày dạn kinh nghiệm mà ông Zelensky lạc quan tin rằng có thể thay thế một số nhóm quân sự Mỹ đồn trú tại châu Âu.

Ngoài đảm bảo quốc phòng, kế hoạch còn tập trung vào an ninh kinh tế với đề nghị các đối tác như Mỹ và EU ký thỏa thuận đặc biệt về bảo vệ và sử dụng chung các nguồn tài nguyên quan trọng của Ukraine; thúc đẩy hợp tác sản xuất năng lượng trong tương lai. Kiev cũng hy vọng phương Tây đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp vũ khí của Ukraine. Tổng thống Zelensky cho biết các đề xuất trên sẽ củng cố quan hệ đối tác của Ukraine, từ đó góp phần làm suy yếu nền kinh tế và “cỗ máy chiến tranh” của Nga.

Nếu có thể được triển khai từ bây giờ, Tổng thống Zelensky tin tưởng đến năm sau có thể chấm dứt giao tranh với Nga. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này nhiều tuần qua cũng nhấn mạnh kế hoạch có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tác của Ukraine. Trong đó, hãng tin BBC cho biết với quân đội phụ thuộc nhiều vào viện trợ của phương Tây, “kế hoạch chiến thắng” của Ukraine đặc biệt cần sự chấp thuận của tổng thống Mỹ tiếp theo. Về phần mình, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ “kế hoạch hòa bình phù du” và kêu gọi Kiev “tỉnh táo nhận ra những lý do dẫn đến xung đột”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng nước láng giềng nên thừa nhận chính sách của họ là vô ích và cáo buộc lãnh đạo Ukraine “đẩy NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga”.

Mỹ và NATO cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine

Ngày 16-10, Tổng thống Mỹ Biden đã trao đổi với người đồng cấp Ukraine Zelensky về những nỗ lực tăng cường hỗ trợ an ninh cho Kiev thông qua một gói viện trợ quân sự mới trị giá 425 triệu USD. Theo thông báo của Nhà Trắng, gói viện trợ bao gồm các thiết bị phòng không, xe bọc thép, cũng như các loại đạn dược quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Ukraine. Cụ thể, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine hàng trăm tên lửa phòng không, pháo binh, hàng trăm xe bọc thép chở quân và hàng nghìn xe bọc thép bổ sung trong những tháng tới. Dự kiến vào tháng 11, Tổng thống Biden sẽ có cuộc họp trực tuyến với các đồng minh của Ukraine nhằm đẩy mạnh hỗ trợ cho quốc gia Đông Âu này. Kể từ khi xung đột bùng phát, Mỹ đã cung cấp khoảng 175 tỉ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.

Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố các quốc gia thành viên NATO đang tiếp tục thực hiện cam kết viện trợ quân sự 40 tỉ euro cho Ukraine trong năm nay.

MAI QUYÊN (Theo Politico, WP)

Chia sẻ bài viết