Theo con nước từ thượng nguồn Mekong, hằng năm từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, miền Tây vào mùa nước nổi. Mùa nước nổi trở thành một phần của văn hóa sông nước gắn liền với đời sống của người dân miền Tây. Do đó, khám phá mùa nước nổi miền Tây cũng là trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn.
Du khách khám phá mùa nước nổi tại rừng tràm Trà Sư.
Một trong những địa điểm thường được du khách lựa chọn tham quan mùa nước nổi là rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Khi con nước về, rừng tràm Trà Sư khoác lên mình vẻ đẹp tràn đầy sức sống với thảm xanh ngút ngàn. Rừng tràm Trà Sư có diện tích 845ha vùng lõi và 643ha vùng đệm, là một trong số ít rừng nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan từ năm 2005. Rừng có 4 kiểu quần thể thực vật: thân gỗ ngập nước chua phèn (cây tràm), chiếm 85% diện tích và phân bố đều khắp khu vực; thân gỗ trên bờ kênh, rạch; thủy sinh trên kênh, rạch; cây thân thảo ngập nước trên đất chua.
Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư khá đa dạng với 140 loài, trong đó nổi bật nhất là cây tràm và thảm bèo giăng kín mặt nước. Hệ động vật ở rừng tràm Trà Sư rất đa dạng với hơn 70 loài chim, trong đó có hai loài chim được ghi trong sách Ðỏ Việt Nam: cò lạo Ấn Ðộ (Giang sen) và cổ rắn (điên điển). Ngoài ra, rừng còn có 140 loài cá. Với sự đa dạng và phong phú về tài nguyên, rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với những người yêu thích khám phá thiên nhiên hoang dã. Trà Sư được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam” vào năm 2020.
Rừng ràm Trà Sư đẹp nhất là vào mùa nước nổi, tựa như tấm thảm xanh với lớp bèo cám, bèo tây phủ xanh bề mặt nước. Ðể khám phá rừng tràm, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng tắc ráng, xuồng chèo, hoặc đạp xe, đi bộ xuyên rừng. Mỗi trải nghiệm sẽ mang đến cho du khách cảm giác thú vị riêng bởi các cung đường khám phá khác nhau. Rừng tràm Trà Sư vẫn giữ nguyên nét đặc trưng của rừng ngập nước miền Tây Nam Bộ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về mùa nước nổi miền Tây, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập nước độc đáo, hay thưởng thức ẩm thực đồng quê dân dã đậm chất bản địa.
Tương tự, khám phá Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp) cũng là một hành trình không thể thiếu khi tìm hiểu về mùa nước nổi miền Tây. Với diện tích hơn 7.300ha, hơn 130 loài thực vật khác nhau và hơn 231 loài chim nước sống theo mùa, Tràm Chim có hệ sinh thái mang đầy đủ sự phong phú của vùng đất ngập nước. Nổi bật, Vườn quốc gia Tràm Chim có nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới: sếu đầu đỏ, ngang cánh trắng, te vàng…
Mùa nước nổi cũng là mùa tạo cơ hội để du khách khám phá trọn vẹn nét đẹp độc đáo của Vườn quốc gia Tràm Chim. Nơi đây không chỉ có những thảm thực vật xanh mà còn được phủ sắc màu đa dạng của các loài hoa: sen, súng, nhĩ cán… Ðặc biệt là nhĩ cán, một loài rong có hoa sống ở vùng nước chua phèn, là thực vật đặc hữu của Vườn quốc gia Tràm Chim. Hoa nhĩ cán có đủ sắc màu: tím, vàng, trắng, khi nở sẽ tạo từng thảm hoa trên mặt nước rất thơ mộng.
Ðể tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim, du khách phải di chuyển bằng xuồng kéo với nhiều lộ trình để khám phá: tuyến Năng ống, tuyến Cà na, tuyến Rong ly… tùy theo thời gian và sở thích mà du khách có thể lựa chọn phù hợp. Xuồng đi dọc theo các tuyến kênh, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm khung cảnh ngập nước với những cánh đồng điểm xuyết sắc hồng của hoa sen, hoa súng, rong ly tím hay sắc vàng của hoa nhĩ cán vàng. Ngoài ra, du khách có thể tham gia các hoạt động chèo xuồng ba lá, săn chuột đồng, tham gia thu hoạch lúa trời…
Vùng Mộc Hóa (tỉnh Long An) cũng là điểm đến thu hút nhiều du khách muốn trải nghiệm mùa nước nổi miền Tây. Nổi bật trong đó là khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa). Với tổng diện tích 500ha, trong đó 135ha đã được phát triển thành khu vực tham quan. Nước trắng trời mênh mông đồng nước là những gì du khách có thể cảm nhận khi đặt chân đến Làng nổi Tân Lập. Tại đây có nhiều khu vực để du khách trải nghiệm, trong đó nổi bật là đi xuồng cáp kéo trên sông, hoặc đi vỏ lãi dọc theo rạch Rừng hay đi bộ xuyên rừng để khám phá hệ sinh thái rừng nơi đây, tham quan đảo thuần dưỡng chim…
Cũng tại Mộc Hóa, khu du lịch Cánh đồng bất tận (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) cũng là điểm đến được quan tâm. Nơi đây từng là bối cảnh chính của phim “Cánh đồng bất tận” (2010), dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư; đồng thời thuộc sở hữu của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Ðồng Tháp Mười. Tại đây có hơn 1.000ha rừng tràm gió nguyên sinh, cũng là điểm sinh trưởng và bảo tồn hơn 80 gien của những loại thảo dược quý hiếm. Ðến khu du lịch Cánh đồng bất tận, du khách sẽ có những trải nghiệm đặc trưng mùa nước nổi, khám phá thảm thực vật phong phú của rừng nguyên sinh, tìm hiểu rừng thuốc độc đáo. Theo đó, du khách còn có thể tham quan, tự tay chưng cất tinh dầu tại nhà máy sản xuất dược liệu Mộc Hoa Tràm - nơi chuyên sản xuất các loại tinh dầu nguyên chất, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây tràm và các loại thảo dược khác.
Vùng đất U Minh của Cà Mau cũng là điểm đến thú vị trong hành trình khám phá mùa nước nổi miền Tây. Mùa nước về rừng mang theo biết bao sản vật thiên nhiên, đời sống của người dân vùng U Minh cũng theo con nước trở nên sinh động hơn, làm nên nét văn hóa đặc thù của vùng đất này mùa nước nổi. Theo đó, đặt lọp, đặt lờ, đặt dớn... bắt cá, đặt trúm bắt lươn, hay bơi xuồng giăng lưới, hái bông súng, nhổ rau chóc, hẹ nước, bồn bồn, năng bộp… trở thành những trải nghiệm mà du khách sẽ khó quên khi khám phá mùa nước nổi nơi đây.
Thực ra, không chỉ Cà Mau, An Giang, Ðồng Tháp, Long An mà bất kỳ vùng đất nào của miền Tây, vào mùa nước nổi cũng sẽ có những trải nghiệm mang đặc trưng văn hóa sông nước. Tại đây, con người thích ứng với thiên nhiên, có những lối sống đặc thù, tùy theo con nước, đặc trưng mỗi vùng đất mà có những trải nghiệm riêng biệt. Một chuyến đi về ÐBSCL vào mùa nước nổi không chỉ đơn thuần là du lịch, trải nghiệm mà còn là hành trình đi tìm những giá trị văn hóa, tập quán sinh hoạt gắn liền với dòng sông, con nước của người miền Tây.
Bài, ảnh: ÁI LAM