13/07/2017 - 16:55

Cần thiết tầm soát và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

TTH.VN - Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là loại ung thư đứng hàng thứ hai trong các loại ung thư thường gặp ở phụ nữ. Với sự tiến bộ của khoa học, chị em có thể tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này và khả năng chữa trị lành bệnh rất cao.

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là loại ung thư đứng hàng thứ hai trong các loại ung thư thường gặp ở phụ nữ. Với sự tiến bộ của khoa học, chị em có thể tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này và khả năng chữa trị lành bệnh rất cao. Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Linh, Trưởng khoa phẫu thuật nội soi, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu về cách phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh UTCTC.

* Thưa bác sĩ, UTCTC là gì?

- Ung thư là bệnh lý mà các tế bào trong cơ thể phát triển quá mức và vượt khỏi tầm kiểm soát. Ung thư thường được đặt tên theo bộ phận của cơ thể bắt đầu mắc bệnh, thậm chí sau đó có thể di chuyển đến các cơ quan khác. Khi ung thư bắt nguồn từ cổ tử cung (CTC) thì được gọi là UTCTC. CTC là phần dưới cùng của tử cung, liên quan âm đạo phía dưới và thân tử cung bên trên. Tử cung (hay dạ con) là nơi để thai nhi phát triển khi phụ nữ mang thai. UTCTC là loại ung thư phụ khoa có thể dự phòng dễ dàng nhất bằng các phương pháp tầm soát và theo dõi đều đặn.

* Ai có thể bị UTCTC, thưa bác sĩ?

- Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ UTCTC. Tuy nhiên, thường xảy ra ở phụ nữ trên 30 tuổi. Mỗi năm, khoảng 5.100 phụ nữ tại Việt Nam mắc mới UTCTC.

 

 Kiểm tra mẫu xét nghiệm bằng máy Thinprep tại Bệnh viện Quốc tế
Phương Châu. Ảnh: H.H

Virus HPV (human papillomavirus) là nguyên nhân chính gây ung thư lây truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục. Ít nhất phân nửa số người có quan hệ tình dục sẽ mang HPV vào một thời điểm trong cuộc đời, nhưng chỉ một ít phụ nữ trong số đó bị UTCTC.

* Theo bác sĩ, yếu tố nguy cơ UTCTC là gì?

- Hầu hết những trường hợp UTCTC đều gây ra bởi HPV. HPV là loại virus thường gặp, với hơn 100 phân nhóm khác nhau. Có hơn 30 phân nhóm HPV có thể lây truyền từ người sang người qua đường tình dục. Phụ nữ có thể mang HPV nếu bắt đầu quan hệ tình dục sớm hoặc có nhiều bạn tình. Thường chúng sẽ tự thoái lui, tuy nhiên, sẽ có một vài chủng có thể diễn tiến và gây ra UTCTC.

Đối với phụ nữ có mang HPV, những yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ bị UTCTC gồm: Hút thuốc lá, nhiễm HIV, sử dụng thuốc ngừa thai thời gian kéo dài (trên 5 năm) và sinh nở trên 3 lần.

* Thế nào là tầm soát UTCTC, thưa bác sĩ?

- Tầm soát UTCTC thường được sử dụng nhằm phát hiện những biến đổi trên tế bào CTC có thể dẫn đến ung thư. Những xét nghiệm tầm soát bao gồm: PAP test hoặc HPV test ở phụ nữ trên 30 tuổi hoặc phối hợp cả 2 phương pháp trên. Tế bào học CTC là một xét nghiệm để tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô CTC. Ngoài Pap smear truyền thống, hiện nay còn có phương pháp liquid-based (được biết đến với tên gọi ThinPrep®, SurePath™ hay MonoPrep®) với ưu điểm hơn Pap test có thể thực hiện trên những CTC đang chảy máu hoặc viêm. Liquid - based cũng giúp xác định những bất thường của tế bào biểu mô tuyến tốt hơn Pap truyền thống. HPV test là xét nghiệm tìm HPV, virus có thể gây biến đổi các tế bào CTC thành các tổn thương tiền ung thư và UTCTC.

* Những phụ nữ nào nên tầm soát UTCTC và bao lâu tầm soát một lần?

- Phụ nữ nên bắt đầu tầm soát UTCTC bằng Pap test lúc 21 tuổi. Nếu Pap test bình thường thì khoảng cách với lần tầm soát tiếp theo có thể là 3 năm. HPV test có thể được thực hiện để tầm soát UTCTC cùng với Pap test ở phụ nữ trên 30 tuổi. HPV test cũng có thể được tư vấn cho bệnh nhân trên 21 tuổi khi kết quả Pap test không rõ ràng. Nếu kết quả HPV test và Pap test bình thường, nguy cơ bị UTCTC rất thấp những năm tiếp theo. Vì vậy, khoảng cách của lần tầm soát UTCTC tiếp theo có thể là 5 năm.

* Khi nào ngưng tầm soát UTCTC, theo bác sĩ?

- Người phụ nữ có thể ngưng tầm soát UTCTC khi trên 65 tuổi nếu như: Không có tiền sử bị dị sản CTC mức độ trung bình, nặng hoặc UTCTC, có 3 lần Pap test âm tính hay 2 lần test kết hợp (Pap test và HPV test) âm tính trong vòng 10 năm qua, với lần tầm soát gần nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, phụ nữ đã phẫu thuật toàn phần (cắt tử cung và CTC) vì những bệnh lý lành tính, không cần thiết phải tầm soát UTCTC.

* Phụ nữ chưa từng quan hệ tình dục, có cần tầm soát UTCTC?

- Theo khuyến cáo, những phụ nữ dưới 21 tuổi và chưa có quan hệ tình dục thì không cần thiết tầm soát UTCTC.

* Phòng bệnh UTCTC bằng cách nào, thưa bác sĩ?

- Tiêm ngừa vắc-xin HPV. Vắc-xin này có thể bảo vệ cơ thể chống lại các chủng HPV thường gây UTCTC, ung thư âm đạo và âm hộ. Vắc-xin sẽ được tiêm 3 mũi và khuyến cáo tiêm cho các bé gái từ 11-12 tuổi. Vắc-xin cũng khuyến cáo cho trẻ gái từ 13-26 tuổi mà chưa từng được tiêm hay tiêm vắc-xin ngừa UTCTC chưa đủ (chú ý: có thể bắt đầu tiêm vắc-xin khi bé gái được 9 tuổi). Ngoài ra, vắc-xin này chỉ phòng ngừa một số chủng thường gây bệnh UTCTC, chớ không phải cứ tiêm ngừa là 100% không bị UTCTC. Vì thế, chị em cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát UTCTC theo hướng dẫn của bác sĩ để có thể phát hiện sớm các tổn thương tiền UTCTC, đồng thời không hút thuốc, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, hạn chế có nhiều bạn tình là những biện pháp hữu hiệu phòng bệnh UTCTC.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Q.B (thực hiện)

Chia sẻ bài viết