05/06/2017 - 14:33

Báo động bệnh tiểu đường trong giới trẻ Ấn Độ

Khi nhận thấy bản thân đang có dấu hiệu tuột đường huyết, Rohin Sarin - một học sinh lớp 9 ở New Delhi - lặng lẽ lấy bút tiêm insulin trong cặp ra tự tiêm một mũi rồi ăn một mẩu bánh nhỏ. Những thao tác trên của cậu bé 15 tuổi thường xuyên đến nỗi bạn bè cùng lớp không còn thấy tò mò nữa.

Dù chưa có số liệu chính thức về việc có bao nhiêu trẻ em trong 70 triệu ca bệnh tiểu đường ghi nhận tại Ấn Độ, song có khả năng đang có hàng triệu trường hợp chưa được chẩn đoán, xuất phát từ tình trạng thiếu thốn cơ sở y tế công cùng nhận thức còn thấp của cư dân sống ngoài các đô thị lớn. Số liệu từ Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, gần 30% thanh thiếu niên nước này bị béo phì (yếu tố nguy cơ dẫn tới tiểu đường), tức gần gấp đôi so với năm 2010.

Chuộng thức ăn nhanh khiến người trẻ Ấn Độ dễ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh: NYT

Trong khi đó, các chuyên gia y tế cảnh báo số ca tiểu đường tại Ấn Độ sẽ đạt tới 120 triệu (tức gần 10% dân số nước này) trong vòng 8 năm tới. Theo Hiệp hội Tiểu đường Quốc tế, viễn cảnh đó có thể đưa Ấn Độ xếp ngang hàng với Mỹ - nước có 9,3% dân số bị tiểu đường, hoặc Trung Quốc - nơi có 11% dân số mắc bệnh này.

"Hơn 20 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến một sự bùng nổ (số ca tiểu đường)... chủ yếu là do tình trạng béo phì ở trẻ em ngày càng tăng"- Tiến sĩ Monica Arora, chuyên gia của Quỹ Y tế công Ấn Độ, cho biết. Ông nói thêm, nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng người dân xứ sở cà ri có khả năng mắc bệnh tiểu đường cao hơn do họ có khuynh hướng tăng mỡ ở bụng.

Trong khi đó, hãng tin AP cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong hơn 2 thập niên qua đã làm thay đổi lối sống của dân Ấn Độ. Người ta ăn uống bên ngoài thường xuyên hơn, yêu thích các loại thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ của phương Tây hơn là những món ăn truyền thống chế biến từ rau củ. Họ cũng sống tĩnh tại hơn, thường dùng xe hơi và phương tiện giao thông công cộng thay vì đi bộ hay đi xe đạp, trong khi giải trí bằng cách xem ti-vi.

Trên thực tế, Ấn Độ vẫn còn một nhóm dân số có mức độ suy dinh dưỡng thuộc hàng tồi tệ nhất thế giới do thiếu ăn. Được biết, khu vực nông thôn của quốc gia Nam Á này là nơi đóng góp 1/5 tổng số trẻ em bị suy dinh dưỡng trên toàn cầu.

Trong khi đó, đa số bệnh nhân tiểu đường Ấn Độ xuất thân từ những gia đình giàu có hơn và sinh sống tại các khu vực thành thị. Điều giới y tế lo ngại nhất là việc nhóm dân số trẻ tuổi nước này đang phát triển bệnh tiểu đường típ 2, vốn được biết đến như là loại tiểu đường ở người trưởng thành. "Khi bạn cân nhắc đến những chi phí lâu dài của căn bệnh này, thì nó là một viễn cảnh cực kỳ đáng lo ngại" – Tiến sĩ Arora nói.

Trước xu hướng "trẻ hóa" bệnh nhân tiểu đường, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2019 sẽ tầm soát tiểu đường cũng như các bệnh không do lây nhiễm khác cho 500 triệu người từ 30 tuổi trở lên, tiến tới triển khai chương trình sàng lọc cho toàn bộ 1,3 tỉ dân. Bộ trưởng Y tế Jagat Prakash Nadda gần đây cho biết giới chức cũng đang phối hợp với các trường học để nhận diện những trẻ em đang ở giai đoạn tiền tiểu đường.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết