22/06/2018 - 09:10

“Cha mẹ trực thăng” làm trẻ chậm phát triển cảm xúc 

Nghiên cứu của Viện Phát triển Trẻ em Đại học Minnesota (Mỹ) mới đây cảnh báo, việc cha mẹ giám sát, bảo bọc con cái một cách thái quá có thể làm chậm sự phát triển cảm xúc của trẻ.

Động viên và khen ngợi đúng lúc sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Ảnh: Mommyedition

Các chuyên gia đã theo dõi 422 trẻ em từ 2-10 tuổi ở Mỹ thuộc các gia đình có thành phần kinh tế xã hội khác nhau trong khoảng thời gian 8 năm. Họ quan sát sự tương tác giữa các cặp mẹ con cũng như phân tích các báo cáo từ giáo viên và bản thân các em lúc lên 10 tuổi. Kết quả cho thấy, sự giám sát và bảo bọc quá mức của người mẹ khi trẻ lên 2 khiến cho đứa con có khả năng kiểm soát hành vi và cảm xúc kém lúc 5 tuổi. Phương pháp nuôi dạy này tiếp tục làm tăng nguy cơ đối mặt các vấn đề về cảm xúc. Trái lại, các chuyên gia cho biết việc kiểm soát tốt cảm xúc lúc lên 5 giúp trẻ ít gặp các vấn đề về cảm xúc khi lên 10, từ đó kiềm chế tính bốc đồng, vận dụng kỹ năng xã hội và học hành tốt hơn.

Từ kết quả trên, trưởng nhóm nghiên cứu Nicole Perry khuyến nghị “cha mẹ trực thăng” nên bớt giám sát nhất cử nhất động của con cái, tạo điều kiện cho trẻ học cách tự kiểm soát hành vi, cảm xúc và tự tin khi không có cha mẹ bên cạnh.  

Làm gì để giúp trẻ tự tin hơn?

Sự tự tin là nền tảng dẫn đến thành công trong cuộc sống, trong nhiều lĩnh vực như xã hội, giáo dục, thể thao và nghề nghiệp. Đối với trẻ em, tự tin và khỏe mạnh có thể giúp bảo vệ chúng khỏi sự cám dỗ của các chất gây nghiện và bia rượu, các mối quan hệ không lành mạnh và cả những hành vi phạm pháp khi trưởng thành. Dưới đây là một số cách hiệu quả giúp con bạn trở nên hạnh phúc, tự tin và thành công:

Động viên và khen ngợi chân thành. Mặc dù trẻ cần sự khuyến khích, nhưng nếu nghe quá nhiều những lời khen có cánh như “con giỏi lắm” có khi không mang lại tác dụng. Theo các chuyên gia, đừng khen ngợi trẻ nếu bé làm những việc cần làm như đi đổ rác hoặc để quần áo bẩn đúng chỗ, thay vào đó, bạn chỉ cần “cảm ơn” bé. Tuy nhiên, khi con bạn hoàn thành xuất sắc một điều gì đó như giành một giải thưởng khoa học chẳng hạn, hãy cho con một lời khen thật chân thành.

Chỉ ra cách giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Nếu con bạn gặp thất bại, hãy giúp trẻ lạc quan hơn bằng cách khuyến khích suy nghĩ về những cách cụ thể để cải thiện tình hình và tiến gần hơn tới mục tiêu đã định. Ví dụ, nếu con suy sụp vì không có tên trong đội bóng của trường, hãy giúp trẻ lên kế hoạch để gia tăng cơ hội vào lần ứng tuyển sau.

Nuôi dưỡng những sở thích đặc biệt. Hãy cho con tham gia nhiều hoạt động khác nhau và khuyến khích trẻ làm những điều thực sự yêu thích, bởi khi có đam mê, trẻ sẽ có động lực phát triển và dễ đạt được thành công về sau. Giới chuyên gia cho rằng sở thích đặc biệt hữu ích cho trẻ trong việc kết nối với bạn bè. Chẳng hạn, nếu con trai của bạn thích vẽ trong khi hầu hết các bé trai trong lớp lại thích thể thao, hãy khuyến khích con vẽ về đề tài thể thao.

Tạo điều kiện cho trẻ giúp đỡ người khác. Khi trẻ cảm thấy mình hữu ích, chúng sẽ cảm thấy tự tin hơn. Do đó, ngoài việc dạy con có trách nhiệm với gia đình, bạn cũng nên dạy trẻ giúp đỡ người khác. Vì vậy, hãy khuyến khích con làm những công việc tình nguyện trong khả năng như mang bánh đến cho các cụ trong nhà dưỡng lão hoặc nhặt rác làm sạch trường học.

Khuyến khích tự giải quyết vấn đề. Trẻ sẽ tự tin hơn khi có thể vượt qua những thách thức mà bản thân đối mặt bằng giải pháp của riêng mình. Nhưng điều quan trọng là bạn cần cho trẻ biết giải pháp nào là tốt nhất. Chẳng hạn, nếu con “méc” bị bạn khác lấy mất quả bóng của mình, hãy thử hỏi bé xem làm sao để lấy lại quả bóng một cách tốt nhất. Nếu con có ý định dùng vũ lực, hãy hỏi chúng hậu quả có thể là gì, sau đó giúp con nghĩ ra cách khác mà không cần đánh nhau với bạn. l

 TRÍ VĂN (Theo Marianas Variety, HealthDay News)

Chia sẻ bài viết