04/08/2009 - 21:56

Niên vụ mía 2009-2010 ở đồng bằng sông Cửu Long

Thương thảo giá sàn và đảm bảo nông dân có lời

Giữa tháng 9-2009, các nhà máy đường vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bước vào vụ sản xuất 2009-2010. Tại Hội nghị sản xuất và tiêu thụ mía đường vụ 2009-2010 khu vực ĐBSCL ngày 3-8-2009, các doanh nghiệp cùng với lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã thống nhất giá sàn thu mua mía cho nông dân trong niên vụ mới ở mức 600 đồng/kg (mía 10 chữ đường), đồng thời thu mua theo giá thị trường. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định, thời gian tới sẽ xem xét, tính toán lại mức đầu tư vùng nguyên liệu mía nhằm cung ứng cho nhà máy chế biến, đảm bảo sự phát triển bền vững.

* THỐNG NHẤT GIÁ SÀN VÀ THỜI ĐIỂM VÀO VỤ

Theo Bộ NN&PTNT, vụ sản xuất mía đường 2008-2009, sản lượng mía và đường của cả nước đều giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và giá đường trong nước đứng ở mức cao, Chính phủ phải nhập khẩu bổ sung thêm 40.000 tấn đường. Trước niên vụ 2009-2010, nhằm hạn chế tình trạng tranh mua tranh bán của các nhà máy khi giá đường đang ở mức cao, nhiều ý kiến cho rằng, cần căn cứ vào diện tích trồng mía cả vùng để quyết định thời gian vào vụ. Với đặc thù vùng mía nguyên liệu liên thông nhau ở khu vực ĐBSCL, các nhà máy đường trong khu vực thường vào vụ sản xuất đồng loạt và chỉ chênh lệch nhau khoảng 10 ngày; đồng thời làm hạn chế thiệt hại về kinh tế cho cả nhà máy và nông dân trồng mía. Bởi mía chưa đủ chữ đường nếu đưa vào ép sớm chất lượng đường không cao và nông dân thiệt thòi về giá bán.

Tại tỉnh Hậu Giang, Công ty cổ phần Mía đường cồn Long Mỹ Phát đã quy hoạch vùng mía nguyên liệu khoảng 2.692 ha tại huyện Phụng Hiệp và toàn bộ diện tích mía này đều phải thu hoạch chạy lũ. Theo bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Công ty, do mưa lũ năm nay bất thường, công ty dự kiến sẽ vào vụ sản xuất sớm hơn năm rồi khoảng 20 ngày (từ 15 đến 20-8-2009). Dự kiến sẽ chọn 30.000 tấn mía trên 8 chữ đường và mua tại ruộng với giá 500 đồng/kg, ... Còn ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, cho biết: “Công ty vừa khảo sát vùng mía ở Phụng Hiệp và Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang, hiện chữ đường còn quá thấp, chỉ đạt trung bình 5,1 chữ đường do mía mới 7,5-8 tháng tuổi và đa số trồng giống dài ngày. Giai đoạn hiện nay mía đang sinh trưởng và tích lũy đường, nên nếu thu hoạch sớm hơn 1 tháng sẽ thiệt hại khoảng 150 tỉ đồng đối với khu vực này”. Ông Sơn cho rằng, các nhà máy đường trong khu vực không nên vì giá đường cao mà nóng vội vào vụ sớm. Nếu bắt đầu ép mía từ 15-9-2009 trở về sau là hiệu quả nhất...

Thu hoạch mía lưu vụ ở Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.  Ảnh: THANH LONG 

Tại Hội nghị sản xuất và tiêu thụ mía đường vụ 2009-2010 khu vực ĐBSCL, nhiều công ty mía đường đã đạt được thỏa thuận chung là thống nhất thời gian vào vụ phù hợp. Theo đó, 2 nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ vào vụ trước từ ngày 15-9-2009, còn các nhà máy đường khác trong khu vực bắt đầu vụ sản xuất vào đầu tháng 10-2009. Còn trong trường hợp năm nay lũ về sớm và vùng trồng mía ở Hậu Giang bị ảnh hưởng, nếu nhà máy đường ở Hậu Giang thu mua không kịp thì các nhà máy đường trong khu vực sẽ sẵn sàng giúp tiêu thụ mía, nên không cần phải vào sản xuất sớm...

Theo ông Trịnh Minh Châu, Trưởng Tiểu vùng ĐBSCL Hiệp hội Mía đường Việt Nam, toàn vùng ĐBSCL hiện có tổng diện tích trồng mía là 52.500 ha, tăng 10% so với vụ trước, với sản lượng thu hoạch ước khoảng 3,8 triệu tấn. Thời gian thu hoạch mía của các địa phương trong vùng bắt đầu từ tháng 9-2009, đây là thời điểm các nhà máy đường trong khu vực vào vụ sản xuất tốt nhất, vì mía đã đạt 8 chữ đường trở lên. Với công suất ép mía hiện tại của các nhà máy đường trong khu vực, thời gian sản xuất sẽ kéo dài 5,5- 6 tháng. Ông Trịnh Minh Châu, cho biết thêm: “Do diện tích trồng mía của vùng phân bổ không đều và phụ thuộc vào tính thời vụ của từng nơi, nên vụ mía 2009-2010 còn xảy ra tình trạng thừa, thiếu mía cục bộ. Giá thành sản xuất vụ mía 2009-2010 trung bình 320- 400 đồng/kg, giá đường hiện dao động ở mức 10.000 đồng/kg (chưa thuế VAT) thì khung giá mua mía tại ruộng ở mức 600 đồng/kg cho loại mía 10 chữ đường (mức tăng giảm áp dụng cho 1 chữ đường là 50 đồng/kg) là phù hợp, đảm bảo nông dân có lời...”. Ông Châu cho rằng, để từng bước ổn định vùng mía nguyên liệu cho nhà máy, có thể phân chia thành 3 vùng sản xuất, đồng thời nhà máy cần có hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với nông dân. Cụ thể, vùng trồng mía ở Long An và Bến Tre là phạm vi hoạt động của nhà máy đường Hiệp Hòa, NIVL và Bến Tre; vùng mía Trà Vinh, Hậu Giang cùng Sóc Trăng thuộc nhà máy Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ và Long Mỹ Phát; vùng mía Cà Mau, Kiên Giang cung cấp cho 2 nhà máy tại địa phương.

* HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT BỀN VỮNG

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg về rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu tại các địa phương, đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất và hạn chế tranh mua nguyên liệu, mỗi nhà máy phải chủ động xây dựng được vùng nguyên liệu cho riêng mình. Theo Bộ NN&PTNT, đến nay chỉ mới có tỉnh Sóc Trăng thực hiện xong chủ trương này, các tỉnh khác vẫn đang rà soát.

Tỉnh Sóc Trăng đã qui hoạch vùng trồng mía phục vụ cho các nhà máy đường trong khu vực giai đoạn 2009-2015. Theo đó, niên vụ 2009-2010, Sóc Trăng có hơn 11.900 ha trồng mía và phân bổ kế hoạch thu mua dài hạn cho 3 công ty, gồm: Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng hơn 6.600 ha, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ trên 2.400 ha và diện tích còn lại thuộc Công ty cổ phần Mía đường cồn Long Mỹ Phát. Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch diện tích mía tương đối ổn định từ nay đến năm 2015, chỉ giảm nhẹ từ 11.900 ha hiện nay xuống còn 11.300 ha. Vùng cù lao trên sông Hậu và ven sông Hậu rất dễ chuyển qua cây ngắn ngày, nhưng việc chuyển đổi trong thời gian qua không lớn do cây mía vùng này có đầu ra ổn định hơn các loại cây trồng khác... UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ cho 3 công ty mía đường, giúp cho các công ty đầu tư công nghệ cũng như gắn bó hơn với nông dân trồng mía. Mặt khác, Sở NN & PTNT tỉnh liên tục cập nhật các giống mới để nâng cao năng suất”.

Tại tỉnh Hậu Giang, vụ mía 2009-2010, toàn tỉnh có 13.000 ha, giảm hơn vụ trước khoảng 2.000 ha, do giá mía bấp bênh và giá lúa hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, vấn đề cơ cấu giống mới là chính, bởi năng suất bình quân chỉ khoảng 85 tấn/ha, sản lượng mía khoảng 1,1 triệu tấn. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Công suất ép mía của 3 nhà máy đường trong tỉnh Hậu Giang khoảng 8.500 tấn mía/ngày. Với sản lượng 1,1 triệu tấn mía cây năm nay, việc kêu gọi các nhà máy đường ngoài tỉnh đến Hậu Giang thu mua mía sẽ không nhiều như các năm trước. Còn về quy hoạch vùng mía, Hậu Giang giữ ở mức 15.000 ha vào niên vụ 2010-2011”. Theo ông Đồng, để sản xuất bền vững, các địa phương và công ty mía đường trong khu vực ĐBSCL nên sớm xây dựng các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông và thủy lợi, khuyến nông...

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cây mía ở ĐBSCL có đầu ra thuận lợi do trong khu vực có nhiều nhà máy đường. Tuy nhiên, thời gian qua việc đầu tư phát triển cây mía so với một số cây trồng khác còn thấp. Nếu đầu tư đúng mức sẽ có nhiều nông dân ở ĐBSCL trồng mía đạt năng suất 200 tấn/ha, khi đó canh tác mía mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, muốn tồn tại và phát triển phải hướng tới thâm canh, ưu tiên chọn giống năng suất cao và đầu tư đê bao chống lũ... Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Cục Trồng trọt đã làm việc với các tỉnh về vùng mía nguyên liệu cho nhà máy, kết quả đến 60% diện tích trồng là giống cũ, sự độc chiếm lâu dài này làm mất cân đối về giống. Cục sẽ phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam tập trung nghiên cứu sản xuất cây giống, xem xét lại việc thâm canh để năng suất và sản lượng mía cao hơn. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là trong khâu thu hoạch mía”.

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, hiện các nhà máy đường ở vùng ĐBSCL thu mua nguồn nguyên liệu không rạch ròi và còn chồng chéo. Do đó, các nhà máy đường và các địa phương cần ngồi lại để thống nhất về quản lý, khai thác vùng nguyên liệu mía cho hiệu quả.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết