20/07/2018 - 22:16

Những chuyện khó nói về sức khỏe phái mạnh
Bài 1: Nỗi niềm “gió heo may đã về”(*) 

Theo các bác sĩ nam khoa, phái mạnh đôi khi gặp những trục trặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh lý, nhất là giai đoạn tuổi trung niên. Trong khi đó, các địa chỉ tin cậy chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phái mạnh trên địa bàn thành phố Cần Thơ vẫn còn khá hiếm hoi.

Bệnh bủa vây

Theo các tài liệu y khoa, độ tuổi từ 45- 50 trở lên được xem là “vùng lầy” của quý ông khi có sự xuống dốc về tất cả các yếu tố thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt về sức khỏe, đây là giai đoạn nhiều bệnh mãn tính xuất hiện và sẽ dính chặt như hình với bóng, nếu quý ông không có bước chuẩn bị phòng và chống để đẩy lùi “những vị khách không mời mà tới”, như: mỡ trong máu, bệnh cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, các bệnh cơ xương khớp…

Bước vào tuổi trung niên, bệnh mãn tính càng nhiều kéo theo sự suy giảm “sức khỏe của quý ông”. Trong ảnh: Bác sĩ nam khoa Võ Hoàng Tâm, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ tư vấn cho người bệnh. Ảnh: THU SƯƠNG
Bước vào tuổi trung niên, bệnh mãn tính càng nhiều kéo theo sự suy giảm “sức khỏe của quý ông”. Trong ảnh: Bác sĩ nam khoa Võ Hoàng Tâm, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ tư vấn cho người bệnh. Ảnh: THU SƯƠNG

Đối với những người thường xuyên uống rượu bia, ít vận động, áp lực công việc nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn. Người hút thuốc lá phải đối mặt với nhiều bệnh nghiêm trọng về gan, phổi, đường tiết niệu, nhất là nguy cơ ung thư rất cao. Ngoài ra, người ít tập thể dục thể thao, ít vận động, cũng đang tiếp tay “mở cửa” cho các bệnh mãn tính xâm nhập cơ thể. Theo thống kê của các cơ quan y tế Mỹ, có đến 70% quý ông rối loạn cương dương không có thói quen tập thể dục.

Phó Giáo sư Tiến sĩ- bác sĩ Đàm Văn Cương, giảng viên cao cấp chuyên ngành tiết niệu sinh dục, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nam khoa Việt Nam, khẳng định, tuổi càng cao thì bệnh mãn tính xuất hiện càng nhiều, kéo theo các bệnh lý nam khoa, nhất là rối loạn cương, một bệnh thường gặp ở quý ông tuổi trung niên. Rối loạn cương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là sau 35- 40 tuổi và hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa.

So với phương Tây, văn hóa Á Đông còn ngại ngần, khép kín chuyện phòng the, nên người bệnh thường giấu bệnh, sợ bị cười chê hoặc muốn chữa bệnh mà không biết đi đâu để chữa.

Thiếu địa chỉ điều trị

  Tuổi cao cùng với áp lực từ cuộc sống, chế độ dinh dưỡng, vận động chưa hợp lý khiến các bệnh mãn tính trở thành bạn đồng hành của quý ông. Sức khỏe tổng thể suy giảm, gây ảnh hưởng tâm sinh lý...

Anh L.C.S. (32 tuổi, ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) kết hôn đã hơn 3 năm nay, có với nhau 2 mặt con, nhưng vợ chồng anh chưa thực sự mặn nồng chuyện “gối chăn”. Gần đây, khi đưa người thân đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị, thấy có bảng giới thiệu về dịch vụ điều trị các bệnh lý nam khoa của BV, nên anh đăng ký khám bệnh. Anh L.C.S. kể bệnh sử với bác sĩ: “Từ hồi dậy thì, tui biết mình gặp vấn đề về sinh lý. Đến khi lập gia đình, tình trạng vẫn không cải thiện. Tôi thương vợ lắm, muốn trị bệnh mà không biết trị ở đâu...”. Tìm được địa chỉ tin cậy, anh S. kiên trì điều trị và tình trạng đã được cải thiện đáng kể.

Thành phố Cần Thơ được xem như trung tâm y tế của vùng ĐBSCL với rất nhiều BV công lập và tư nhân từ tuyến thành phố đến trung ương, từ BV đa khoa đến chuyên khoa. Riêng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng khá đa dạng. Tuy nhiên, sức khỏe chị em được quan tâm hơn, với rất nhiều BV chuyên khoa sản quy mô lớn, có thương hiệu, cùng nhiều BV đa khoa có chuyên khoa sản. Trong khi đó, đối với sức khỏe quý ông, chỉ có một vài địa chỉ, như: BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, BV Quốc tế Phương Châu.

Thạc sĩ- bác sĩ Nguyễn Thành Lập, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế thành phố thừa nhận, lĩnh vực nam khoa của thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung còn bỏ ngỏ, chưa phát triển đúng mức so với nhu cầu hiện nay. Hầu hết các BV đều ghép lĩnh vực nam khoa vào ngoại tiết niệu chứ ít có phòng khám nam khoa hay khoa riêng và thường thiên về phẫu thuật các bất thường ngoại khoa. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng hạn hẹp, cả về số lượng lẫn trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm. Phần đông bác sĩ nam khoa là bác sĩ ngoại niệu, chỉ được đào tạo sơ bộ, kinh nghiệm nghề dạy nghề. Y tế tuyến thành phố về lĩnh vực này còn thiếu và yếu thì nói chi đến y tế cơ sở. Trong khi đó, theo Thạc sĩ- bác sĩ Nguyễn Thành Lập, lĩnh vực nam khoa rất rộng lớn, nhất là các vấn đề liên quan đến tâm lý, cần được sự tư vấn, đồng hành của chuyên gia nam học trong quá trình trị liệu.

Chia sẻ thông tin về vấn đề này, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ cho biết, tuy đơn vị là Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản của thành phố nhưng phần lớn các dịch vụ ở đây dành cho chị em. Trung tâm cũng có khoa nam học và hỗ trợ sinh sản, nhưng còn rất hạn chế về điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Các bác sĩ chủ yếu thực hiện công tác tư vấn, hướng dẫn; còn các xét nghiệm cơ bản, phải đưa đến BV khác làm rồi mang kết quả trở lại Trung tâm để kiểm tra, hỗ trợ tư vấn... Vì vậy, phần lớn trường hợp đến khám, xác định được bệnh, Trung tâm đều chuyển sang các BV có chuyên khoa nam khoa.

Từ góc nhìn khác, việc các BV phụ sản không điều trị lĩnh vực nam khoa cũng gây khó khăn cho quá trình điều trị, hỗ trợ sinh sản của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Bởi lẽ, trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng muộn con, rất nhiều nguyên nhân xuất phát từ quý ông. “Đó cũng là lý do vì sao tháng 11-2016, BV Quốc tế Phương Châu triển khai lĩnh vực nam khoa, ngoài điều trị các bệnh lý về nam khoa, mục đích chính là hoàn thiện quy trình khép kín điều trị vô sinh”, bác sĩ Hồ Thanh Út, Trưởng khoa ngoại niệu - nam khoa BV Quốc tế Phương Châu cho biết. BV Phụ sản TP Cần Thơ cũng định hướng phát triển lĩnh vực nam khoa, nhưng do nguồn nhân lực còn thiếu cũng như các vướng mắc về quy định nên chưa triển khai được.

THU SƯƠNG

(*) Gió heo may đã về: tên một quyển sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Bài 2: Rắc rối khó tỏ bày

Chia sẻ bài viết