23/12/2008 - 20:58

Làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội?

Tiếp xúc cử tri (TXCT) là một trong những hoạt động của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), qua đó tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ánh với các cơ quan chức năng giải quyết; đồng thời giúp Quốc hội, Chính phủ đề ra những quyết sách đảm bảo an dân, phát triển kinh tế- xã hội. Mới đây, Ban Dân nguyện thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã khảo sát hoạt động TXCT của ĐBQH ở TP Cần Thơ. Các đại biểu đã đánh giá, kiến nghị một số vấn đề để hoạt động TXCT của ĐBQH được hiệu quả hơn thời gian tới.

Kết nối thông tin

Kết quả khảo sát của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố cho thấy: Từ năm 2005 đến nay, các ĐBQH đơn vị thành phố Cần Thơ đã thực hiện 200 cuộc TXCT với hơn 19.800 lượt cử tri tham dự. Trong đó, có 124 cuộc TXCT định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, 22 cuộc TXCT nơi cư trú, 9 cuộc TXCT nơi làm việc, 24 cuộc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực và 21 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri tại các tổ dân phố, khu dân cư. Các ĐBQH đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của cử tri đối với nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Hoạt động TXCT của các ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ từng bước đi vào nề nếp, trở thành một sinh hoạt chính trị rộng khắp, có tác dụng tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến các quyết sách quan trọng của Quốc hội, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Đoàn ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ, do đa số ĐBQH đều hoạt động kiêm nhiệm nên đôi khi hoạt động TXCT chưa thường xuyên, chưa TXCT rộng rãi nhiều đối tượng, chưa tổ chức nhiều cuộc TXCT nơi cư trú và theo vấn đề, lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm và cử tri bức xúc.

 Các đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ gặp gỡ cử tri trong chuyến giám sát
tiến độ thực hiện tiểu dự án Ô Môn – Xà No trên địa bàn quận Ô Môn.

Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết được các ĐBQH quan tâm thực hiện tốt. Ông Nguyễn Trung Nhân, ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ, cho biết: “Đối với TP Cần Thơ, khi các ĐBQH TXCT thường mời đại diện chính quyền địa phương có liên quan cùng dự. Do đó, ngoài các vấn đề mà ĐBQH tuyên truyền, tiếp thu ý kiến đóng góp, giải thích các kiến nghị của cử tri, các vấn đề bức xúc của cử tri có liên quan đến địa phương đa phần được giải đáp thấu đáo. Nhờ vậy, hoạt động TXCT của ĐBQH càng tăng thêm giá trị, được người dân đồng tình hưởng ứng”. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, tổ chức chậm xem xét, giải quyết kiến nghị của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, từ đó gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của ĐBQH, Đoàn ĐBQH. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong hoạt động TXCT của ĐBQH và các cơ quan chức năng thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đến nay, Đoàn ĐBQH vẫn chưa xây dựng được quy chế phối hợp hoạt động với các cơ quan hữu quan.

Ngoài việc trực tiếp gặp gỡ cử tri, các đại biểu còn có những kênh thông tin khác để thu thập thông tin. Bà Nguyễn Thanh Giang, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố, cho biết: “Thời gian qua, giữa các ĐBQH và HĐND thành phố có sự gắn kết với nhau rất chặt chẽ. Nhằm giảm phiền hà cho người dân trong việc phải thường xuyên dự các cuộc TXCT, các cuộc TXCT của ĐBQH và HĐND thành phố được tính toán sao cho không trùng lắp về địa điểm, sau đó kết quả tiếp thu ý kiến được phân loại từng lĩnh vực, vấn đề thuộc thẩm quyền của đơn vị nào thì đơn vị đó có trách nhiệm giải quyết. Việc Thường trực HĐND thành phố phân công các ban, đại biểu HĐND theo dõi lĩnh vực, các vấn đề bức xúc của cử tri và “theo đuổi” để phản ánh, yêu cầu các cơ quan chức năng phải giải quyết là một cố gắng lớn để cử tri tin tưởng vào đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của họ”. Ông Phạm Gạch, cử tri phường Ba Láng, quận Cái Răng, cho rằng: “Thời gian qua, các ĐBQH, HĐND đã nghiêm túc TXCT, lắng nghe và phản ánh ý kiến, phản ánh của cử tri đến các cơ quan chức năng trả lời, giải tỏa nhiều bức xúc của cử tri”. Tuy nhiên, ông Phạm Gạch cũng cho rằng, các đại biểu phải gần dân, thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân và thúc đẩy các cơ quan chức năng giải quyết. Chứ chỉ hứa suông thì việc TXCT sẽ không có ý nghĩa gì...

Làm thế nào để nâng chất hoạt động TXCT?

Đó là vấn đề mà các thành viên trong đoàn khảo sát của Ban Dân nguyện quan tâm. Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, UBMTTQ đã làm tốt công tác tổ chức cho các ĐBQH TXCT theo tinh thần của Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UB TƯ.MTTQVN về hướng dẫn việc ĐBQH TXCT. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Ninh Kiều, do nhiều vấn đề có liên quan nên nhiều cử tri vẫn chưa được gặp gỡ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình trước ĐBQH. Bà Bùi Thị Ngọc Yến đề nghị: “Mặc dù quy định không hạn chế đối tượng cử tri, nhưng thời gian qua vì nhiều lý do, hầu hết các địa phương khi tổ chức cho ĐBQH TXCT rất hạn chế về số lượng. Theo tôi, cần mở rộng đối tượng cử tri đến nhiều giới khác nhau, để người dân được phản ánh ý kiến, nguyện vọng của mình, thay vì chỉ “đại diện cử tri” như thời gian qua. Bên cạnh đó, Quốc hội cần có quy định rõ ràng, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng, sao cho các ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được giải quyết”.

 Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội,  cho biết: “Theo quy định, ĐBQH không chuyên trách phải dành ít nhất 1/3 thời gian trong năm cho các hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, trên thực tế do công tác chuyên môn, nên vẫn còn nhiều ĐBQH chưa dành nhiều thời gian cho công tác này. Hoạt động TXCT ở nhiều Đoàn ĐBQH cũng không thống nhất nhau về cách thức, nội dung. Đây là những vấn đề cần được giải quyết trong thời gian tới. Đảng đoàn Quốc hội đã giao do Ban Dân nguyện phối hợp xây dựng đề án “Đổi mới hoạt động TXCT của ĐBQH” nhằm nghiên cứu, ban hành văn bản pháp luật thống nhất và nâng cao chất lượng của hoạt động TXCT của ĐBQH”.

Ông Từ Công Thức, cử tri phường An Hội, quận Ninh Kiều, nói: “Ngoài các cuộc TXCT định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, một năm 2 lần, theo tôi các ĐBQH cần tăng cường các cuộc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực. ĐBQH là do dân bầu, nên cần gần dân hơn để nghe họ phản ánh tâm tư nguyện vọng, kiến nghị các vấn đề bức xúc”. Còn ông Phan Hồng Sa, Phó Chủ tịch UBMTTQVN quận Bình Thủy, cho rằng: “Nhiều cử tri đề nghị trước kỳ họp Quốc hội, ĐBQH đã TXCT ở địa phương nào thì sau kỳ họp nên tổ chức TXCT ở địa phương đó để thông báo kết quả kỳ họp, báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri. Hiện nay, do phải luân phiên TXCT ở nhiều địa phương nên cử tri không biết được các kiến nghị của mình đã được giải quyết đến đâu, nên vẫn có ý kiến băn khoăn. Nhiều cử tri hỏi chúng tôi rằng kiến nghị của họ đã được giải quyết đến đâu, chúng tôi cũng không biết như thế nào mà trả lời”. Liên quan đến vấn đề này, ông Từ Công Thức, cử tri phường An Hội, quận Ninh Kiều, nói: “Nếu vì điều kiện nào đó mà ĐBQH không TXCT sau kỳ họp Quốc hội tại nơi đã TXCT trước kỳ họp, thì nên tóm tắt thành văn bản có hệ thống các vấn đề mà Quốc hội thảo luận, cho ý kiến,... cùng với kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gởi về địa phương để địa phương lồng ghép vào các cuộc họp dân ở khu vực, ấp thông báo lại cho cử tri biết. Theo tôi, cách làm này ít tốn thời gian, kinh phí mà cử tri vẫn biết được các vấn đề quan tâm. Quan trọng nhất là kiến nghị của người dân phải được trả lời thỏa đáng, chứ không chỉ là lời hứa suông”.

Có ý kiến cho rằng, các ĐBQH cần tăng cường hoạt động TXCT giữa hai kỳ họp. Cử tri dự các cuộc TXCT của ĐBQH càng nhiều càng tốt, vì như vậy ngoài việc lắng nghe nhiều ý kiến, còn có cái lợi khác là các cơ quan dân cử có thể thông qua đó thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật. Cùng quan điểm này ông Hồ Văn Mách, cử tri phường An Phú, quận Ninh Kiều, nói: “Nhiều cử tri nói rằng đi họp nghe hứa mà các vấn đề mình bức xúc, đề nghị không thấy được giải quyết nên ít nhiều giảm lòng tin. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số cuộc TXCT có ít cử tri tham dự. Ngoài ra, theo tôi, việc ĐBQH TXCT không nhất thiết chỉ theo định kỳ trước và sau các kỳ họp của Quốc hội, mà cần tăng cường các cuộc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực. Nếu ĐBQH giúp cử tri giải quyết được vấn đề bức xúc thì người dân càng tin tưởng vào các đại biểu dân cử. Tôi đề nghị các ĐBQH nên tổ chức TXCT đến tận xóm ấp, để gặp gỡ nhiều người dân, người dân cũng dễ gặp đại biểu để phản ánh tâm tư, nguyện vọng hơn”.

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đã nhận thấy những mặt còn hạn chế của hoạt động TXCT. Thời gian tới, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBMTTQVN TP Cần Thơ sẽ xây dựng quy chế phối hợp, kế hoạch TXCT cho phù hợp, sao cho các đại biểu dân cử ngày càng được TXCT nhiều hơn. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề giải quyết các kiến nghị của cử tri, nhằm nâng cao chất lượng của các cuộc TXCT”.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết