18/02/2018 - 21:39

Hành trình chinh phục đỉnh cao y khoa 

Nhìn lại chặng đường phát triển của y tế Cần Thơ, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi chia sẻ: “Ở một số bệnh viện (BV) tại Cần Thơ, bệnh nhân các tỉnh ĐBSCL chiếm trên 50% số ca nhập viện. Nhiều bệnh nhân kinh tế khá giả trước đây lên TP Hồ Chí Minh, giờ chọn BV ở Cần Thơ điều trị”. Năm 2017 khép lại với nhiều tin vui. Những thầy thuốc tại các BV Cần Thơ đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao của y khoa.

Làm chủ kỹ thuật cao

Chiều cuối năm ở BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, chị Trinh – vợ bệnh nhân Huỳnh Ngọc Thuận (ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ) vừa thu dọn đồ đạc cho chồng xuất viện, vừa khoe: “Năm nay nhà em ăn Tết mạnh khỏe rồi”. Chơn chất và đơn giản, đôi vợ chồng ngoài 30 tuổi nhưng trông già hơn 40 bởi cuộc mưu sinh. Anh Thuận bị đột quỵ, nhập viện trong tình trạng “cầu may”, nhưng anh được tái sinh lần nữa nhờ bàn tay vàng của bác sĩ và tấm lòng thơm thảo của các mạnh thường quân.

Năm 2017, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phẫu thuật tim cho gần 100 trường hợp. Ảnh: Đ.L

Năm 2017, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phẫu thuật tim cho gần 100 trường hợp. Ảnh: Đ.L

Bác sĩ Trịnh Thành Tính, Phân khoa Can thiệp mạch não, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, nhớ như in thời khắc cứu sống bệnh nhân. Anh Thuận được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người. Sau khi chụp CT Scan, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu não cấp do tắc hoàn toàn động mạch não giữa bên phải, cần nhanh chóng lấy huyết khối (máu đông) và phải luồn catheler từ đùi lên cổ để hút máu đông trong não. “Một phút chần chừ, thêm hàng tỉ tế bào não của bệnh nhân sẽ chết, khả năng cứu sống và phục hồi rất khó. Ê kíp quyết định làm ngay”- bác sĩ Tính nói. Khi thông báo tình trạng bệnh nhân, vợ anh Thuận nước mắt tuôn dài, cho biết gia đình làm liều chuyển bệnh chứ không còn tiền!

Trong tích tắc tìm hiểu gia cảnh bệnh nhân, Ban Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ quyết định ưu tiên cứu người. “Cả nhà tôi căng thẳng chờ, cửa phòng mổ mở, bác sĩ tươi cười bước ra. Linh tính cho tôi biết là chồng tôi đã sống”- chị Trinh nhớ lại. Bác sĩ Trịnh Thành Tính cho biết, với trường hợp của anh Thuận, do chống chỉ định với  thuốc tiêu sợi huyết nên can thiệp lấy huyết khối là “hy vọng cuối cùng” .

Đây cũng là ca đầu tiên được BV triển khai lấy huyết khối bằng dụng cụ. Để nắm chắc kỹ thuật này, các bác sĩ Trịnh Thành Tính, Trần Công Khánh và ê kíp đã "khăn gói tầm sư" ở BV 115 (TP Hồ Chí Minh) ngót một năm. BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng là BV đầu tiên trong vùng ĐBSCL triển khai 2 kỹ thuật: tiêu sợi huyết và can thiệp mạch não lấy huyết khối. Khi chưa triển khai các kỹ thuật này, BV điều trị nội kết hợp tập vật lý trị liệu chỉ mang tính chất triệu chứng, khả năng cứu sống và phục hồi cho bệnh nhân rất thấp.

Còn tại BV Đa khoa TP Cần Thơ, cuối năm 2016 đã triển khai phẫu thuật tim sau thời gian dài đưa đội ngũ y bác sĩ lên TP Hồ Chí Minh học tập. Năm 2017, BV đã điều trị các khiếm khuyết tim cho 18 bệnh nhân. Bác sĩ Phạm Văn Phương, Trưởng Khoa ngoại lồng ngực–mạch máu –Trưởng ê kíp phẫu thuật tim của BV, chia sẻ: “Bệnh nhân bị bệnh tim phần lớn đều nghèo. Các thầy thuốc vừa lo điều trị, vừa đi vận động mạnh thường quân hỗ trợ chi phí cho bệnh nhân. Có nhiều ca, bác sĩ mổ xong rồi mới nói chuyện viện phí. Bệnh nhân khỏi bệnh là động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn và thách thức”. Ngoài phẫu thuật tim, BV Đa khoa TP Cần Thơ còn triển khai can thiệp tim mạch, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, đặt stent mạch vành giúp người bệnh được chữa trị kịp thời trong thời gian vàng.

Truyền lửa cho tuyến cơ sở

Trong cuộc hành trình chinh phục kỹ thuật cao y khoa còn có sự hiện diện của nhiều BV. BV Phụ sản triển khai xét nghiệm sinh học phân tử, chụp nhũ ảnh, ngân hàng tinh trùng. BV Ung bướu thành lập Khoa Y học hạt nhân, thực hiện một số kỹ thuật mới điều trị ung thư: điều trị Iod phóng xạ 131, máy Spect xạ hình xương và toàn thân, kỹ thuật RFA (đốt nhân tuyến giáp), điều trị u gan...

Người bệnh suy thận được lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa Ô Môn. Ảnh: T. S

Người bệnh suy thận được lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa Ô Môn. Ảnh: T. S

Các BV tuyến thành phố còn tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến cơ sở. Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, năm qua, 19 trạm y tế, 3 Trung tâm Y tế huyện, 2 BV đa khoa quận, huyện được chuyển giao 9 kỹ thuật cơ bản theo từng lĩnh vực như: tầm soát ung thư, tâm thần, động kinh, sản phụ khoa, tim mạch, thận nhân tạo, gây mê hồi sức, ngoại khoa. Đây là bước tiến dài của ngành y tế thành phố.

BV Đa khoa Ô Môn và Thốt Nốt là hai đơn vị y tế cơ sở đầu tiên của thành phố triển khai lọc thận từ chuyển giao của tuyến thành phố. Đồng thời triển khai được hầu hết các phẫu thuật nội soi, như: phẫu thuật ruột thừa, khâu thủng dạ dày, cắt túi mật, nội soi thoát vị bẹn đặt mảnh ghép, nội soi thai ngoài tử cung; cắt tuyến giáp điều trị bướu giáp lấy nhân. Lĩnh vực chấn thương chỉnh hình từng bước được nâng cao độ khó như: phẫu thuật kết hợp xương đòn, bánh chè, xương cẳng tay...

Những thành công của y tế cơ sở giúp bệnh nhân có điều kiện điều trị gần nhà, đỡ tốn chi phí. Cô Võ Kim Phương, 59 tuổi, nhà ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn, đến lọc thận tại BV Đa khoa Ô Môn, nói: “Năm nay, tôi đón Tết vui hơn mọi năm. BV quận lọc thận từ tháng 9-2017 tới giờ. Trước đây, con gái tôi không tìm được việc làm ổn định vì cách ngày phải đưa mẹ đi BV Đa khoa TP Cần Thơ lọc thận. Giờ cháu tìm được việc, có thêm đồng vô đồng ra”.

Bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ- đơn vị chuyển giao kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở, ví von: “Trước đây, nội soi cắt túi mật đều phải lên tuyến tỉnh, thành phố. Bây giờ, BV quận làm được, các bác sĩ từng bước làm chủ kỹ thuật cao, còn vui nào bằng”. BV quận, huyện chủ động triển khai nhiều kỹ thuật cao, để tuyến trên chuyên tâm phát triển chuyên sâu.

Khẳng định vị thế đầu tàu

Hiện nay, TP Cần Thơ có 4 BV vệ tinh của các BV ở TP Hồ Chí Minh: BV Tim mạch, BV Huyết học – Truyền máu, BV Ung bướu và BV Nhi đồng. Thông qua đề án BV Vệ tinh, tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật, các BV vệ tinh triển khai hàng loạt các kỹ thuật mới, góp phần giảm tải cho TP Hồ Chí Minh và xây dựng thương hiệu “y tế Cần Thơ”. Trong năm 2017, khối y tế tư nhân cũng “nở rộ”, với nhiều tên tuổi mới như: BV Đột quỵ - Tim mạch đã khởi công xây dựng, BV đa khoa quốc tế Vinmec đã được sự thống nhất của UBND thành phố; BV Medic – Hòa Hảo, BV Tâm Đức, BV Mắt  Sài Gòn – Cần Thơ đi vào hoạt động… góp phần giảm tải cho các BV công lập trên địa bàn thành phố.

Thông tin vui về sự phát triển của ngành y tế thành phố, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi cho hay: “Để giảm quá tải và nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, thành phố đã triển khai cơ sở II của BV Ung bướu và sửa chữa cơ sở cũ của BV Nhi đồng thành cơ sở hoạt động của BV Tim mạch. Khởi công BV Ung bướu 500 giường; đang xây dựng Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh… Về lâu dài, thành phố chủ trương và lập đề án xây dựng BV Tim mạch 200 giường, thành lập BV Mắt Cần Thơ. Xây dựng y tế chuyên sâu để xứng tầm với vị thế trung tâm của vùng ĐBSCL”.

Khép lại hành trình một năm, nói về những dự định năm mới, bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho hay: “Năm 2018, BV tiếp tục hoàn thiện Trung tâm Tim mạch, hình thành Đơn vị can thiệp đột quỵ, thành lập trung tâm giảm đau, triển khai hồi sức bằng ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể), triển khai ghép tạng…”. Thông tin từ Ban Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, năm 2018, BV sẽ triển khai phẫu thuật tim bẩm sinh ở trẻ em. Đội ngũ thầy thuốc Cần Thơ đang nỗ lực từng ngày để chinh phục đỉnh cao y khoa, tái sinh nhiều bệnh nhân. Và cuộc hành trình của những người thầy thuốc không đơn độc, vì có sự đồng hành của những tấm lòng thơm thảo trong xã hội.

HUỆ HOA - THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết