29/01/2008 - 21:56

Chung quanh những sai phạm của lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Chung quanh dư luận về việc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Ninh Kiều có nhiều sai phạm trong công tác chuyên môn, từ đầu tháng 11-2007, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ đã thành lập Đoàn thanh tra do ông Hồ Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT làm Trưởng đoàn để thanh tra toàn diện đối với đơn vị này. Kết quả thanh tra cho thấy lãnh đạo TTGDTX Ninh Kiều vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tài chính và chuyên môn, xâm hại quyền lợi nhiều học viên (HV)...

Vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính và chuyên môn

Từ nhiều năm qua, Sở GD-ĐT đã quy định ở kỳ thi tốt nghiệp trung học chỉ có thí sinh tự do đóng lệ phí thi, còn HV hệ bổ túc học tại các TTGDTX thì phần lệ phí thi và chi phí ôn thi đã được tính vào học phí. Cụ thể: HV lớp 10 và lớp 11 đóng học phí 40.000 đồng/HV/tháng (360.000 đồng/năm học), HV lớp 12 đóng 45.000 đồng/HV/tháng (405.000 đồng/năm học). Thế nhưng, đối với HV lớp 10 và lớp 11 ngoài phần học phí TTGDTX Ninh Kiều buộc phải đóng 30.000 đồng tiền lệ phí, 5.000 đồng tiền làm thẻ học viên. Đối với lớp 12, HV phải đóng lệ phí ôn thi 150.000 đồng/người. Phần lệ phí thi tốt nghiệp, Sở GD-ĐT quy định thí sinh tự do đóng 20.000 đồng/người, TTGDTX Ninh Kiều thu đến 45.000 đồng/người. Lãnh đạo trung tâm đặt ra các khoản: lệ phí thi 20.000 đồng, phôi bằng tốt nghiệp và làm bằng 10.000 đồng, phí xét duyệt hồ sơ 5.000 đồng, phí ép nhựa bằng tốt nghiệp và sao y bằng tốt nghiệp tạm thời 10.000 đồng.

Năm học 2006-2007, TTGDTX Ninh Kiều có gần 1.300 HV. Trong đó, khối 12 có 629 HV, gồm: 355 người đăng ký học tại TTGDTX Ninh Kiều từ đầu năm học và 274 người từ TTGDTX TP Cần Thơ (gọi tắt là TTGDTX thành phố, ở đường Nguyễn Đình Chiểu) chuyển về vào đầu học kỳ II (do Sở GD-ĐT giải thể TTGDTX thành phố sáp nhập về TTGDTX Ninh Kiều). Những năm học trước TTGDTX thành phố không thu lệ phí thi tốt nghiệp và ôn thi nên năm học này TTGDTX Ninh Kiều bị HV thắc mắc. Ông Huỳnh Minh Triều, Giám đốc TTGDTX Ninh Kiều, đã chỉ đạo miệng cho văn phòng giảm 50.000 đồng/HV lệ phí ôn thi (thu 100.000 đồng/HV). Đến thời điểm trung tâm phát phiếu báo dự thi tốt nghiệp bổ túc trung học (tháng 5), nhiều HV có hoàn cảnh khó khăn chưa đóng tiền ôn thi, không được nhận phiếu báo dự thi đã làm đơn gởi lãnh đạo trung tâm xin được miễn đóng tiền ôn thi. Ông Triều chẳng những không giải quyết mà còn bút ghi vào danh sách “thu vét những HV còn nợ học phí ôn thi và các khoản lệ phí”.

Trên thực tế, các khoản tiền HV đều phải đóng từ đầu năm học, trong khi hồ sơ học bạ của HV trung tâm vào điểm chưa xong. Vì vậy, có nhiều trường hợp HV đóng học phí xong lại phát hiện mình không đạt yêu cầu lên lớp, phải năn nỉ, thậm chí lo lót cho giáo viên bộ môn nâng điểm. (Ngày 6-9-2007, tại một quán cà phê ở quận Ninh Kiều, Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang ông Phạm Quang Hưng, giáo viên môn Toán của trung tâm, đã nhận 800.000 đồng của một HV. HV này được ông Hưng hứa nâng 4 điểm bài thi để được lên lớp). Trường hợp HV bị nhồi lớp, trung tâm chỉ cho rút 50% học phí. Em Trần Xuân Hữu, ở quận Ninh Kiều, HV lớp 11B6 (năm học 2006-2007) khi biết kết quả điểm trung bình không đạt yêu cầu lên lớp 12, đã làm đơn xin trung tâm cho nhận lại phần tiền 405.000 đồng học phí lớp 12. Dù Hữu chưa học ngày nào, nhưng ông Huỳnh Minh Triều, Giám đốc TTGDTX Ninh Kiều, duyệt đơn giải quyết cho Trần Xuân Hữu nhận 50% (202.000 đồng). Khi kể lại việc này, Trần Xuân Hữu vừa khóc vừa nói: “Ở trường phổ thông, các bạn nghèo còn được nhà trường xét miễn học phí. Còn em vì gia đình quá khó khăn, phải nghỉ học để đi làm thuê, mà xin lại tiền học phí đã đóng cũng bị làm khó!”.

 Ông Huỳnh Minh Triều “bút phê” tận thu tiền của học viên.
Ảnh: M.N

Kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học năm học 2006-2007, được tổ chức 2 đợt. Ở đợt thi thứ 2, Sở GD-ĐT quy định không thu lệ phí thi, thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 ở hội đồng thi nào thì được tiếp tục đăng ký dự thi đợt 2 tại nơi đó, không phải làm hồ sơ dự thi. Thế nhưng, ông Triều lại viết giấy tay, chỉ đạo bộ phận văn phòng thông báo: “HV thi hỏng đợt 1 phải khẩn rút hồ sơ, để làm thủ tục đăng ký thi lần 2 và thu lệ phí 40.000 đồng/người”. Tại hội đồng thi TTGDTX Ninh Kiều, kỳ thi đợt 1 có 663 thí sinh đăng ký dự thi (đóng 45.000 đồng/người), đợt 2 có 338 thí sinh dự thi (đóng 40.000 đồng/người). Đồng thời, có 147 thí sinh là HV lớp 12 của trung tâm đã đóng lệ phí thi, nhưng kết quả học tập không đạt yêu cầu thi tốt nghiệp. Thay vì trả phần tiền này vào cuối năm học, khi HV còn tập trung tại trung tâm thì đợi đến khi HV nghỉ hè, ông Huỳnh Minh Triều mới chỉ đạo miệng cho văn phòng thông báo cho 147 HV nhận lại lệ phí thi 40.000 đồng/người (trừ 5.000 đồng tiền bộ hồ sơ). Đến nay, danh sách trả tiền chỉ có 25 người ký nhận.

Theo biên bản thanh tra tài chính của Đoàn thanh tra Sở GD-ĐT, trong năm học 2006-2007, TTGDTX Ninh Kiều đã thu trên 127 triệu đồng lệ phí ôn thi, trên 48,5 triệu đồng tiền lệ phí thi tốt nghiệp bổ túc trung học đợt 1 và 2, trên 38 triệu đồng lệ phí giấy nháp và đề thi kiểm tra, thu gần 160 triệu đồng từ việc cho thuê phòng học, tiền giữ xe và 838 triệu đồng học phí các lớp bổ túc trung học, dạy tiếng Anh, Tin học... Các khoản thu đều do ông Châu Hùng Dũng, thủ quỹ quản lý, không thông qua kế toán. Thủ quỹ thu - chi trước, sau đó mới đưa chứng từ cho kế toán vào sổ.

Bao giờ xử lý?

Đối với các hoạt động chuyên môn, Đoàn thanh tra chỉ kiểm tra theo xác suất, nhưng hễ kiểm tra ở lĩnh vực nào là có sai phạm ở lĩnh vực đó và tỷ lệ sai phạm rất cao. Thí dụ: Kiểm tra về số tiết dạy đối với các môn HV phải thi tốt nghiệp: văn, toán, lý, hóa, sinh vật ở 3 lớp 12A3, 12B1, 12B4 (năm học 2006-2007) thì tất cả đều bị thiếu tiết. Cụ thể: môn văn có 96 tiết chuẩn, nhưng lớp 12A3 chỉ được học có 78 tiết, tương tự môn toán chỉ được học 118 tiết, trên tổng số 160 tiết chuẩn. Kiểm tra học bạ của ba HV lớp 10A3 thì tất cả đều có môn học không đạt, phải thi lại. Nhưng trong học bạ không hề có điểm thi lại, dẫn đến thiếu điểm trung bình chung, song các HV này vẫn được xét lên học lớp 11 (năm học 2007-2008), v.v và v.v. Đoàn thanh tra nhận xét TTGDTX Ninh Kiều có nhiều khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và quy chế dân chủ. Nội dung nhận xét như sau: “Hầu hết sổ sách quản lý chuyên môn chưa hoàn chỉnh: Sổ đăng bộ, sổ đầu bài, học bạ, sổ gọi tên ghi điểm... là sơ hở để giáo viên có thể tiêu cực như “bán điểm”, nhưng trung tâm không tích cực khắc phục. Hầu hết giáo viên đều không có các hồ sơ theo quy định, điều này cho thấy công tác quản lý chuyên môn còn quá lỏng lẻo, gần như khoán trắng cho giáo viên. Không thấy thể hiện việc hội họp, sinh hoạt chuyên môn. Trung tâm thực hiện chưa nghiêm túc quy chế dân chủ, đặc biệt là thực hiện phương châm “giáo viên biết-giáo viên bàn-giáo viên kiểm tra” thì hầu như chỉ mới được một khâu là giáo viên biết”.

Một tháng trước khi Đoàn thanh tra vào cuộc, Sở GD-ĐT đã bổ nhiệm cô Huỳnh Thị Hồng (sinh năm 1970), trình độ đại học Kinh tế, làm kế toán TTGDTX Ninh Kiều thay cho cô Châu Thụy Xuân Hiền, không đạt chuẩn (có trình độ trung cấp). Cô Hồng làm việc tại TTGDTX Ninh Kiều được 20 ngày thì xin nghỉ việc. Trong đơn xin nghỉ việc viết vào ngày 22-10-2007, cô Hồng nêu lý do: “Trong thời gian qua, tôi đã cố gắng làm việc cho trung tâm và có ước nguyện làm việc tại đây lâu dài. Nhưng môi trường làm việc tại đây không phù hợp với tôi, nên khó có khả năng làm tốt công việc được giao. Không thể xây dựng hệ thống kế toán nơi đây hoàn thiện để góp phần giúp Trung tâm phát triển”. Sở dĩ có việc này vì vào ngày 19-10-2007 (nhằm thứ sáu), cô Hồng đã yêu cầu ông Triều, ông Dũng thực hiện đúng nguyên tắc kế toán, nhưng ông Triều, ông Dũng không đồng ý và đã xảy ra tranh cãi, có sự chứng kiến của nhiều nhân viên. Ngay sau đó, (Chủ nhật 21-10-2007), ông Triều đã ký Văn bản số 04/TTr-TTGDTX gởi Sở GD-ĐT báo cáo cô Hồng tự ý bỏ việc.

Ngày 2-11-2007, ông Hồ Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đã ký quyết định bổ sung bà Tô Thị Hồng Ngân, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT) làm thành viên của Đoàn thanh tra. Quá trình thanh tra kéo dài gần hai tháng rưỡi, do các sai phạm về tài chính được phát hiện dần dần. Tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn là những sai phạm nêu trên chưa được xử lý đến nơi, đến chốn thì ông Huỳnh Minh Triều được điều động về làm Phó Giám đốc Trung tâm vi tính trực thuộc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ. Liệu cách xử lý như thế có tác dụng răn đe và phát huy được tinh thần đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục?

Đình Khôi

Chia sẻ bài viết