08/04/2014 - 21:10

Ấn tượng Sông Đốc

Vừa đặt chân đến thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), điều làm tôi choáng ngộp trước hết là tàu thuyền đánh bắt hải sản neo đậu dày đặc cả một khúc sông. Hình như sinh hoạt ở đây lúc nào cũng rộn ràng, tất bật, khiến cho không khí trở nên sôi động khác thường, nhất là vào những ngày tàu cặp bến.

Ông Phạm Văn Tâm, một ngư dân bám biển bám làng, có trên 40 năm gắn bó với nghề đánh bắt, nhớ lại: Thời xa xưa, Sông Đốc là nơi "Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua". Cách nay hơn nửa thế kỷ, cửa biển này vẫn còn là vùng đất hoang vu, vắng lặng. Dọc theo bãi biển chỉ có vài chục mái nhà của ngư dân, hầu hết đều sống bằng nghề ra khơi đánh bắt, cuộc sống vất vả trăm bề. Lần hồi bà con kéo về đông hơn, vui hơn, nhất là từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà cửa bắt đầu mọc lên san sát, phố xá sum vầy, bãi biển tàu ghe suốt ngày tấp nập.

Một góc thị trấn Sông Đốc - Tàu thuyền đánh cá đang neo đậu trên sông.

Hiện nay, thị trấn Sông Đốc có 4 điểm tập trung mua bán hải sản. Dọc theo hai bên bờ sông Đốc và cảng cá đã được quy hoạch và xây dựng quy mô thành những điểm thu mua, suốt ngày nhộn nhịp khiến cho diện mạo Sông Đốc đã hoàn toàn thay đổi. Kinh tế biển Sông Đốc gắn liền với nguồn lợi hải sản, công nghiệp chế biến và thương mại dịch vụ. Nhờ vậy mà nhà cửa, cơ quan, điện - đường - trường - trạm và đời sống văn hóa của bà con ngày càng nâng cao, rất xứng tầm là một đô thị loại 4 từ năm 2012.

Đa số cư dân Sông Đốc đều sống bằng nghề đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần. Ngoài ra còn kéo thêm ngành công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu thuyền. Toàn thị trấn có hơn 100 xí nghiệp và cơ sở chế biến thủy hải sản, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú, đủ sức cạnh tranh với nhiều cửa biển khác trong khu vực. Hướng tới, chính quyền địa phương sẽ nâng các làng nghề thành hợp tác xã, tạo cơ hội cho hàng vạn lao động có công ăn việc làm ổn định.

Là cửa biển sầm uất và sôi động nhất tại miền Tây, ngành công nghiệp khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản ở Sông Đốc hiện đứng đầu ở Cà Mau. Cho tới nay, chưa có một thị trấn biển nào có đội tàu thuyền đánh bắt đông đảo như ở Sông Đốc với hơn 1.200 phương tiện đánh bắt xa bờ và 22 ngàn ngư dân thường xuyên ra khơi, mỗi năm khai thác hàng trăm ngàn tấn hải sản các loại.

Ngoài cá tươi, mực tươi cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, Sông Đốc còn là nơi sản xuất khô nổi tiếng gồm nhiều loại từ cá thu, cá lạt, cá rún đến cá hố, cá ngát, cá mối... Nếu như Cửa biển Cái Tàu có đặc sản tôm khô; Cái Đôi Vàm có khô cá khoai thì Sông Đốc có khô mực, một loại khô thịt mềm, thơm ngon và ngọt đậm đà. Thị trấn Sông Đốc có trên 500 tàu khai thác mực, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn mực khô.

Phơi khô - các loại khô từ cá biển Sông Đốc.

Cuộc sống của ngư dân vùng biển tuy vất vả nhưng tính tình họ rất phóng khoáng, trọng tình trọng nghĩa. Một lần ghé qua Lăng Ông Nam Hải, mặc dù là người từ xa mới đến nhưng chúng tôi vẫn được đón tiếp một các chân tình và niềm nở.

Đặc biệt về đời sống tâm linh, bà con ở thị trấn Sông Đốc rất tin tưởng và tôn thờ cá ông, coi cá ông như một vị phúc thần, một "Nam Hải Đại Tướng Quân" đã từng cứu hộ ngư dân vượt qua phong ba bão tố. Chính vì vậy mà hàng năm vào ngày 14-15-16 tháng 2 âl, bà con ngư dân và nhân dân đều long trọng tổ chức lễ hội Nghinh Ông, một lễ hội hoành tráng nhất ở Cà Mau, quy tụ hàng vạn người và hàng mấy trăm ghe thuyền cặp bến nghênh Ông ra khơi.

Điều phấn khởi nhất là tỷ lệ hộ khá và giàu ở Sông Đốc đã lên tới 80%. Với lợi thế về thiên thời, địa lợi, một bên là sông Đốc, một bên là biển Tây, nơi tập trung nhiều tàu thuyền đánh bắt, đặc biệt là tình yêu biển cả và kinh nghiệm dạn dày của ngư dân, chắc chắn rằng trong một tương lai không xa thị trấn Sông Đốc sẽ trở thành một đô thị biển năng động và giàu đẹp đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt, chính quyền địa phương và nhân dân Sông Đốc đang tích cực phát huy những thành tựu đã gặt hái, tiếp tục phấn đấu xây dựng Sông Đốc trở thành đô thị loại 3, đồng thời xây dựng thành khu kinh tế biển, kết hợp với du lịch, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt trong tương lai.

Bài, ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết