19/06/2019 - 10:47

Xuất khẩu gạo, cá tra gặp khó! 

Thời gian gần đây, giá một số mặt hàng nông, thủy sản ở ĐBSCL sụt giảm đã làm nông dân thua lỗ, giảm lợi nhuận, ảnh hưởng “khí thế” đầu tư sản xuất, nuôi trồng. Điển hình, lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện được thương lái thu mua với giá chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg, giảm từ 1.300-1.400 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018; giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 cũng giảm khoảng 1.300 đồng/kg, xuống mức giá chỉ còn 5.900 đồng đến 6.000 đồng/kg như hiện nay… Giá lúa, gạo giảm mạnh khiến lợi nhuận của nông dân trồng lúa rất bấp bênh. Mỗi héc-ta trồng lúa nông dân thu được lợi nhuận chỉ khoảng 10 triệu đồng, tức chỉ khoảng 1 triệu đồng/công.

Cá tra được chế biến xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

Còn nông dân nuôi cá tra hiện nay cũng lao đao không kém khi xuất khẩu sụt giảm đã kéo theo giá cá nguyên liệu giảm xuống mức chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/kg, giảm đến khoảng 16.000 đồng/kg so với mức giá kỷ lục được ghi nhận trong năm 2018. Theo bà con nông dân, với mức giá như hiện nay, người nuôi cá tra đang phải chịu lỗ khoảng 2.500 đồng/kg. Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất mà ngành cá tra đang đối mặt sau hai năm (2017-2018) ngành hàng này đạt kết quả rất tốt ở cả khu vực sản xuất và chế biến xuất khẩu.Việc sụt giảm trên là do xuất khẩu sản phẩm lúa gạo và cá tra sang thị trường Trung Quốc - vốn là thị trường tiêu thụ chủ lực của Việt Nam - không thuận lợi đã khiến giá cả các loại mặt hàng này ở thị trường trong nước cũng biến động mạnh.

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5-2019 của cả nước ước đạt 739.000 tấn, với giá trị đạt 314 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,83 triệu tấn và đạt 1,21 tỉ USD, giảm 4% về khối lượng và 20,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, riêng với thị trường Trung Quốc, hằng năm khối lượng xuất khẩu sang thị trường này luôn chiếm khoảng 35-40% thị phần toàn ngành, nhưng trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trên 90% so với cùng kỳ. Trung Quốc cũng không còn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Số liệu được Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố cũng cho thấy, trong quý I-2019, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đạt 812.000 tấn và dự báo cả năm nhập chỉ khoảng 2,1-2,3 triệu tấn, thấp hơn rất nhiều so với kết quả của năm 2018 (khoảng 4,5 triệu tấn). Trong khi đó, mặt hàng cá tra cũng giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong tháng 4-2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 143 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang các thị trường trên được 615 triệu USD, đạt mức tương đương so với cùng kỳ.

Đối với thị trường Trung Quốc, trong tháng 3-2019, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam chỉ đạt 39,47 triệu USD, lũy kế 3 tháng đầu năm 2019 đạt 99,3 triệu USD, giảm 1,8% so cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc càng hạ xuống, đến mức giảm 5,7% so với cùng  kỳ.

Theo nhiều công ty, doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu, việc xuất khẩu sụt giảm, nhất là giá bán giảm mạnh đã khiến thị trường nông, thủy sản nội địa biến động theo chiều hướng giảm rất mạnh. Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu nông sản ở khu vực ĐBSCL, mà chủ yếu là gạo và cá tra, rất cần sự quan tâm của ngành chức năng, ngân hàng trong việc định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, hỗ trợ vốn để nông dân yên tâm sản xuất, doanh nghiệp thuận lợi thu mua sản phẩm, đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam trong thời gian tới…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
gạocá tra