26/02/2019 - 16:06

Xử trí và phòng ngừa dị vật đường ăn 

Mắc xương, viên thuốc còn vỏ, răng giả, các loại hạt, nuốt phải miếng thức ăn lớn, có khi nuốt phải đồng xu, que sắt, tăm xỉa răng, viên pin, nút áo… là  những tai nạn thường gặp, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu dị vật không được lấy ra.

Hóc cả viên pin

Giữa tháng 1-2019, các thầy thuốc ở Bệnh viện Tai Mũi Họng (BVTMH) TP Cần Thơ đã nội soi thực quản lấy dị vật cho bé trai 39 tháng tuổi. Dị vật là viên pin đồ chơi có kích thước bằng cái nút áo bị mắc kẹt lại trong thực quản. Theo các bác sĩ, đây cũng là trường hợp dị vật ít gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm vì chất a-xít trong viên pin thoát ra ngoài sẽ làm cháy, bỏng niêm mạc nơi mà nó kẹt lại, có thể gây thủng thực quản nếu không được lấy ra sớm. Khi người nhà phát hiện, lập tức đưa bé vào BV Nhi đồng Cần Thơ, sau khi chụp x-quang, phát hiện viên pin kẹt lại bên trong thực quản và chuyển bé đến BVTMH. Ngay lập tức, bé dược làm các xét nghiệm tổng quát, gây mê soi thực quản lấy dị vật. Sau khi viên pin được lấy ra ngoài, các bác sĩ  kiểm tra thấy niêm mạc thực quản phù nề, sung huyết, loét niêm mạc nhẹ. Khi tình trạng bé ổn định,  các bác sĩ chuyển bé lên BV Nhi Đồng I điều trị tiếp tình trạng bỏng thực quản.

Nội soi họng gắp dị vật tại BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Hàng tháng, BV tiếp nhập khoảng 90 - 100 ca dị vật đường ăn. Theo các bác sĩ, một số người do không nhai kỹ, không đủ răng nên không phát hiện được dị vật trước khi nuốt, hoặc do ăn vội, cười nói  không tập trung trong lúc ăn. Vị trí dị vật hay mắc kẹt lại là ở họng, hạ họng và những chỗ hẹp tự nhiên của thực quản.

Dị vật ở họng: thường là các dị vật nhỏ, nhọn sắc, hay gặp nhất là xương cá. Di vật thường cấm vào amygdales hoặc kẹt lại ở rãnh lưỡi - thanh thiệt. Do đặc điểm vùng họng, hạ họng có amygdale và những khe, hốc nhỏ dị vật dễ vướng lại ở những khe này.

Bệnh nhân có các biểu hiện như nuốt đau, nuốt khó, nuốt vướng. Bệnh nhân vẫn còn ăn uống được, nhưng mỗi lần nuốt đều làm bệnh nhân đau. Một số trường hợp dị vật lớn không xuống được thực quản sẽ vướng lại vùng hạ họng - thanh quản làm bệnh nhân đau họng nhiều, nuốt nghẹn, ăn uống khó, tăng tiết nước bọt ở miệng, buồn nôn và nôn ói, bệnh nhân có thể khó thở nếu dị vật to chèn vào thanh quản.

 Dị vật thực quản, ở người bình thường, cấu trúc thực quản có những đoạn hẹp tự nhiên, dị vật thường mắc lại ở những đoạn hẹp này. Bác sĩ Võ Duy Tân, BVTMH TP Cần Thơ cho biết, ngay khi nuốt phải dị vật người bệnh sẽ có cảm giác nuốt vướng, cảm giác bị mắc nghẹn trong cổ và nuốt ngày càng đau ở vùng cổ, vùng hỏm ức làm người bệnh không ăn uống thêm được nữa. Khi dị vật xuống tới đoạn thực quản ngực, người bệnh có thể có cảm giác nghẹn, đau tức sau xương ức, đau lan ra sau lưng và lan lên bả vai. Nếu dị vật kẹt lại trong thực quản trên 24 giờ sẽ gây viêm thực quản, các triệu chứng nuốt đau ngày càng tăng. Sau 48 giờ, là giai đoạn biến chứng, dị vật có thể đâm thủng thành thực quản làm cho ổ viêm nhiễm lan ra xung quanh cổ. Bệnh nhân sốt cao, thể trạng nhiễm khuẩn rõ rệt, toàn thân suy sụp, đau cổ nhiều, quay cổ khó khăn, cổ sưng đỏ lên, ấn vào rất đau không ăn uống được, chảy nhiều nước dãi, hơi thở hôi. Nếu không được xử trí kịp thời, viêm nhiễm và ổ mủ sẽ lan xuống trung thất là nơi chứa các cấu trúc quan trọng như tim, phổi và các mạch máu lớn... sau cùng bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết và chết trong tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc.

Cẩn thận khi ăn uống

Khi bị dị vật đường ăn, người dân nên đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để lấy dị vật ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt. Với dị vật ở họng, theo bác sĩ Võ Duy Tân, việc lấy dị vật ở vị trí này khá đơn giản, với các dụng cụ chuyên dụng như đèn Clar, thanh đè lưỡi, bác sĩ có thể phát hiện và lấy dị vật nhanh chóng. Trong các trường hợp dị vật ở sâu trong họng đèn clar không soi tới được, lúc này bác sĩ sẽ dùng máy nội soi họng để tìm và lấy dị vật ra ngoài.

Với dị vật ở thực quản, bác sĩ sẽ nội soi bằng ống nội soi cứng hoặc ống nội soi mềm để tìm dị vật và gắp ra ngoài. Bệnh nhân cần được giảm đau bằng gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân.

Phòng tránh dị vật đường ăn: Nên ăn chậm, nhai kỹ và chỉ nuốt khi nào không thấy xương trong miệng. Đối với trẻ nhỏ, khi cho ăn thịt, ăn cá phải gỡ hết xương. Không nên cho trẻ em chơi hoặc để gần tay trẻ những vật có thể nuốt được như đồng xu, huy hiệu, kim băng…

Theo bác sĩ Võ Duy Tân, khi bị mắc dị vật đường ăn, không dùng tay móc họng vì có thể vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc làm dị vật đâm sâu vào thành họng càng khó lấy ra.  Ngoài ra, không dùng các phương pháp dân gian: đi thầy phán, nhờ người vuốt...

H.Hoa

Chia sẻ bài viết