01/07/2011 - 15:20

Viêm amidan - Cần chữa trị kịp thời, đúng cách

Khi thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường là một trong những điều kiện để vi trùng, siêu vi trùng gây viêm amidan hoạt động mạnh. Theo thống kê của Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ bệnh nhân đến cắt amidan tại bệnh viện tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Để bạn đọc hiểu rõ thêm về bệnh lý này, Thạc sĩ, bác sĩ Châu Chiêu Hòa, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP Cần Thơ đưa ra những chỉ dẫn cần thiết để mọi người phòng ngừa và điều trị viêm amidan như sau:

Viêm amidan là một trong những bệnh thường gặp, nhất là đối tượng trẻ em từ 2-15 tuổi (chiếm tỷ lệ khoảng 30-40%). Viêm amidan rất hay tái phát và có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

 Trẻ bị viêm amidan cần được điều trị kịp thời, hạn chế
các biến chứng. Ảnh: HỒNG VÂN

Amidan là một hệ thống tổ chức lympho nằm trong vòm mũi họng (vòng Waldeyer) có vai trò trong hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại quá trình viêm nhiễm trong những năm đầu, chúng phát triển ở giai đoạn trẻ nhỏ và thiếu nhi rồi teo nhỏ dần ở người lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm amidan như: các vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng gây bệnh; sau khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như cảm cúm, sởi, ho gà...vi khuẩn bội nhiễm thường là liên cầu, tụ cầu, đặc biệt nguy hiểm là liên cầu tan huyết (nhóm A); do các yếu tố thuận lợi gây bệnh như: sự thay đổi thời tiết đột ngột, ăn đồ lạnh, do các yếu tố ô nhiễm môi trường (bụi, khói xe, khói thuốc lá);...

Viêm amidan thường biểu hiện qua những triệu chứng như: người mệt mỏi, uể oải, nhức mỏi toàn thân, biếng ăn, có cảm giác ớn lạnh; sốt 38-400C (trường hợp viêm amidan cấp); người bệnh bị đau họng, cảm giác khô, nóng rát họng, đau khi nuốt, đau nhói tai..., nuốt vướng, cảm giác nuốt nghẹn; giọng nói có thể thay đổi: khàn tiếng; thở khò khè, ngủ ngáy; hơi thở hôi; ho về đêm, ho khan kéo dài;... Một số trường hợp bệnh nhân có cảm giác căng ở vùng dưới cằm do viêm hạch dưới hàm và gây đau.

Khác với viêm họng, khi khám viêm amidan thường thấy lớp lót trong họng đỏ. Đặc biệt, amidan hai bên quá phát hoặc xơ teo, mặt amidan nhiều khe hốc chứa đầy chất bã đậu hay lẫn mủ trắng như hạt gạo; trụ trước và sau amidan nề, dầy thành trụ giả; có thể có hạch dưới cằm hay hạch góc hàm to.

Mặc dù gây khó chịu, thậm chí làm mất tiếng nhưng viêm amidan không đe dọa sự sống. Tuy vậy, nếu viêm amidan để lâu ngày không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể gây ra một số biến chứng, như: áp xe quanh amidan, áp xe thành bên họng; gây viêm tai, viêm mũi xoang, viêm họng, viêm cầu thận, viêm khớp...

Viêm amidan thường được điều trị bằng các thuốc điều trị chống nhiễm khuẩn và điều trị triệu chứng đối với trường hợp viêm cấp tính. Cắt amidan là phương pháp điều trị hữu hiệu khi được chỉ định chính xác nhằm loại bỏ tổ chức amidan không còn vai trò miễn dịch và trở thành một ổ viêm chứa đầy các loại vi khuẩn hoặc quá phát, bít tắc hô hấp trên hoặc nghi ngờ phát triển thành u ác tính. Cụ thể nên điều trị cắt amidan trong các trường hợp sau: viêm amidan cấp nhiều đợt trong năm (từ 5 đợt trở lên); viêm amidan quá phát ảnh hưởng đến nuốt, nói, thở; có thể gây biến chứng như: viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh khí phế quản, viêm thận, viêm khớp, viêm hẹp van tim...; hơi thở hôi do viêm amidan gây nên. Đối với bệnh nhân cắt amidan, cần tuân thủ đúng chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Để phòng bệnh viêm amidan, mọi người cần lưu ý: giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ; chế độ ăn uống phải đầy đủ dinh dưỡng, nhất là có nhiều vitamin C để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng; hạn chế dùng nhiều nước đá lạnh; tránh cảm cúm kéo dài; ... Cần lưu ý: khi phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nhiều khói, bụi, cần đeo khẩu trang che kín mũi, miệng để hạn chế bị bụi xâm nhập vào mũi, họng.

HỒNG VÂN (ghi)

Chia sẻ bài viết