21/04/2018 - 17:51

Vì sao cần chú trọng sức khỏe tiền thụ thai? 

Loạt nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Y khoa The Lancet cho biết không chỉ phụ nữ cần chú trọng sức khỏe tiền thụ thai mà cả nam giới cũng nên quan tâm đặc biệt đến khía cạnh này, bởi nó quyết định đáng kể đến sức khỏe của đứa con tương lai.

Cả vợ lẫn chồng đều cần chú trọng sức khỏe tiền thụ thai nhằm bảo vệ sức khỏe đứa con tương lai. Ảnh: March of Dimes
Cả vợ lẫn chồng đều cần chú trọng sức khỏe tiền thụ thai nhằm bảo vệ sức khỏe đứa con tương lai. Ảnh: March of Dimes

 

Theo đó, 3 nghiên cứu mới – kết hợp phân tích tài liệu nghiên cứu trước kia và mới đây – làm rõ những cách thức mà lối sống và sức khỏe của cả cha lẫn mẹ trước khi thụ thai có thể ảnh hưởng sâu rộng tới sức khỏe của con họ, chẳng hạn như cân nặng khi sinh, sự phát triển của não bộ, cũng như nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, bệnh miễn dịch và tiểu đường về sau.

Cụ thể trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà khoa học giải thích khi nào giai đoạn tiền thụ thai bắt đầu và kết thúc nhằm nâng cao hiểu biết cho các ông bố bà mẹ tương lai. Theo họ, giai đoạn tiền thụ thai được xác định theo 3 khía cạnh: sức khỏe sinh học, sức khỏe cá nhân và sức khỏe cộng đồng. Về khía cạnh sức khỏe sinh học, giai đoạn tiền thụ thai là khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần trước khi phôi thai hình thành, nhưng ở khía cạnh sức khỏe cá nhân, giai đoạn tiền thụ thai bắt đầu ngay khi một cặp vợ chồng có ý định sinh con, thông thường là khoảng vài tuần đến vào tháng trước khi “cấn bầu”. Cuối cùng là khía cạnh sức khỏe cộng đồng, giai đoạn tiền thụ thai sẽ kéo dài từ vài tháng đến vài năm, khoảng thời gian cần thiết để kiểm soát các yếu tố nguy cơ trước khi thụ thai liên quan đến chế độ ăn uống, lối sống và bệnh mãn tính như béo phì hoặc tiểu đường.

Trong khi đó, nghiên cứu thứ 2 chỉ ra rằng chế độ ăn uống và cân nặng của người cha cũng ảnh hưởng đến thế hệ con cái. Đúc kết từ nhiều nghiên cứu trên động vật, Giáo sư nhi khoa Milton Kotelchuck ở Đại học Harvard (Mỹ) cho biết, sức khỏe tiền thụ thai của phái nam ảnh hưởng tới sức khỏe của bào thai còn nhiều hơn chất lượng tinh trùng. Tiếp tục phân tích các nghiên cứu khác ở người và động vật, nhóm của Giáo sư Kotelchuck phát hiện không chỉ sức khỏe người mẹ mà sức khỏe của người cha, gồm các yếu tố như thể trạng, khả năng chuyển hóa và chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn tiền thụ thai, có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh mãn tính ở đứa con tương lai.

Cuối cùng, nghiên cứu thứ 3 chỉ ra những chiến lược cải thiện phương pháp chăm sóc sức khỏe tiền thụ thai nhằm nâng cao thể trạng của những người sắp làm bố mẹ. Trong đó, các chiến lược được giới thiệu bao gồm giúp phụ nữ bị suy dinh dưỡng bồi bổ thông qua chế độ ăn uống hoặc tăng cường thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng trước và trong thời kỳ mang thai; các cơ quan y tế thì cần đầu tư tuyên truyền cải thiện sức khỏe tiền thụ thai trong cộng đồng và khuyến khích mọi người loại bỏ các thói quen không lành mạnh như uống rượu, hút thuốc, thức khuya...

Những nghiên cứu mới công bố còn đưa ra một thông tin đáng chú ý là phần lớn phụ nữ không chuẩn bị dinh dưỡng đầy đủ trước khi chuẩn bị mang thai. Cụ thể, có tới 96% phụ nữ dung nạp chất sắt và axít folic (hay folate) - cần thiết để thai nhi phát triển tốt - dưới mức khuyến nghị: 14,8 miligram sắt và 400 microgram folate mỗi ngày, trong khi việc điều chỉnh chế độ ăn uống sau khi có thai thường không đủ tốt.

AN NHIÊN (Theo CNN, AFP)

Chia sẻ bài viết