01/11/2010 - 21:41

10 NĂM THỰC HIỆN SẮP XẾP, ĐỔI MỚI DNNN Ở TP CẦN THƠ

Vẫn còn những vấn đề cần giải quyết

Theo Thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp (DN) TP Cần Thơ, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn thành phố có trên 80 DN nhà nước (DNNN), đơn vị trực thuộc DNNN… được chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty TNHH, hoặc chuyển giao, giải thể… Với kết quả này, TP Cần Thơ cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới DNNN trên địa bàn thành phố. Theo nhận định của ngành hữu quan, phần lớn các DNNN sau khi được sắp xếp, đổi mới hoạt động có hiệu quả hơn, thu nhập của người lao động được nâng lên… Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước; bố trí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất… tại các DN này vẫn còn nhiều vấn đề tiếp tục được đặt ra cần phải giải quyết.

* Một chặng đường

Năm 2001, tỉnh Cần Thơ (cũ) có 56 DN 100% vốn nhà nước (không bao gồm các DN thuộc hệ Đảng) đang hoạt động (48 DNNN sản xuất kinh doanh, 8 DNNN hoạt động công ích). Thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-4-1998 về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới DNNN, đến giữa năm 2001, tỉnh Cần Thơ đã chuyển được 9 đơn vị thành công ty cổ phần (5 DNNN và 4 đơn vị trực thuộc DNNN) đưa Cần Thơ dẫn đầu ĐBSCL và là một trong những điển hình của cả nước về sắp xếp DNNN. Theo Thường trực Ban Đổi mới DN TP Cần Thơ, đây là một kết quả đáng khích lệ. Bởi từ năm 2001 trở về trước, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các DNNN rất khó khăn, thường xuyên gặp phải những vướng mắc trong nhận thức của lãnh đạo, các cơ quan, ban ngành, cũng như của lãnh đạo DNNN và cả người lao động. Đây cũng là lý do UBND tỉnh Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận sâu rộng trong nhân dân về chủ trương sắp xếp, CPH DNNN trong những năm về sau. Đồng thời, Cần Thơ cũng tiến hành xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2002-2005 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 13-1-2003. Đến năm 2004, tỉnh Cần Thơ đã thực hiện cổ phần hóa (CPH) 11 đơn vị (7 DNNN và 4 đơn vị trực thuộc DNNN).

Phần lớn các DNNN sau khi được sắp xếp đổi mới đều hoạt động có hiệu quả, thu nhập của người lao động tăng cao… Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang. Ảnh: nam hương 

Giữa năm 2004, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Trong đó, nêu rõ: “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực DNNN, trọng tâm là CPH mạnh hơn nữa”. Cũng trong năm 2004, tỉnh Cần Thơ được chia tách thành TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Vì thế, ngoài việc chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung hơn nữa công tác sắp xếp DNNN, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo xây dựng lại phương án sắp xếp DNNN trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Đến ngày 14-4-2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 78/2005/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới DNNN vừa nêu. Những năm tiếp theo, quán triệt Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành nhiệm vụ kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2006-2010. Đến ngày 17-7-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 939/QĐ- TTg phê duyệt kế hoạch sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước giai đoạn 2008-2009 của UBND TP Cần Thơ...

10 năm qua, TP Cần Thơ đã thực hiện việc chuyển đổi, CPH, giải thể, sáp nhập... cho trên 80 đơn vị (DNNN, đơn vị trực thuộc DNNN). Với kết quả này, TP Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, chuyển đổi DNNN trên địa bàn thành phố.

* Được gì từ việc sắp xếp, chuyển đổi?

Về kết quả của việc sắp xếp, đổi mới DNNN, theo Ban Đổi mới DN TP Cần Thơ, số lượng các DN tăng đáng kể so với kế hoạch chung qua từng thời kỳ do các DN tách một số đơn vị trực thuộc để CPH. Trong quá trình CPH, việc đánh giá lại tài sản của DN được đảm bảo sự khách quan, đúng luật và sát với giá trị thực tế. Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp, thành phố đã quan tâm chỉ đạo sắp xếp lao động dôi dư đúng chính sách quy định, đảm bảo các quyền lợi của người lao động. Số lượng cổ phần bán ưu đãi cho người lao động được xây dựng thành phương án và đưa vào cơ cấu vốn điều lệ chung của toàn DN trình UBND thành phố phê duyệt và thực hiện bán cổ phần cho người lao động đúng với phương án này.

Theo đánh giá của Ban đổi mới DN TP Cần Thơ, đa số các DNNN sau khi được sắp xếp hiệu quả kinh doanh được nâng lên, một số chỉ tiêu như sử dụng lao động, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng so với trước khi thực hiện sắp xếp... Cụ thể như: Năm 2001, tổng doanh thu của 56 DNNN trên địa bàn TP Cần Thơ đạt 4.519 tỉ đồng; vốn điều lệ bình quân đạt 17,4 tỉ đồng/DN. Trong đó, có 48 DN hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận đạt 112 tỉ đồng; 8 DN hoạt động thua lỗ... Theo báo cáo tổng hợp 38 DN đã thực hiện sắp xếp của Ban đổi mới DN TP Cần Thơ, đến thời điểm 30-6-2009, vốn điều lệ bình quân mỗi DN là 29,5 tỉ đồng. Ngoài ra, sau khi sắp xếp, doanh thu của các DN này tăng 91%; lợi nhuận sau thuế bình quân tăng 366,8%; nộp ngân sách tăng 3,3 lần; giải quyết việc làm cho lao động tăng 16,5%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 59,46%...

Ngoài các vấn đề trên, ông Trương Quốc Trạng, Giám đốc Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ, cho rằng: Sau khi được chuyển đổi từ DNNN thành công ty TNHH (năm 2004), giúp công ty chủ động hơn trong phân cấp quản lý vốn; nâng cao năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu... Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của công ty trong quá trình hoạt động. Về ưu điểm sau khi được sắp xếp, đổi mới, ông La Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (CTC), cho biết thêm: Do bị sức ép lớn về cổ tức nên Ban điều hành công ty phải rất năng động, có nhiều chính sách, chiến lược mới nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khi được CPH, DN dễ huy động nguồn vốn thông qua đại hội cổ đông bằng những phương án tốt, chiến lược kinh doanh tốt...

* Khắc phục những hạn chế: cách nào?

Ông La Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTC, chia sẻ: Cổ phiếu ưu đãi cho công nhân quá ít (mỗi 1 năm công tác tương ứng mua được 1 triệu đồng) nên cổ tức được chia theo từng năm không cao. Chính vì thế, phần lớn người lao động đã bán hết cổ phần. Hệ quả của việc làm này khiến việc sắp xếp, đổi mới DNNN chưa đạt được mục tiêu là tạo điều kiện làm chủ cho người lao động sau khi được sắp xếp. Chính vì thế, người lao động chỉ quan tâm đến vấn đề tiền lương và các phúc lợi xã hội. Trong khi đó, đa số cổ đông, kể cả thành viên Hội đồng quản trị không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, chỉ quan tâm đến cổ tức hằng năm được chia như thế nào và tìm mọi cách, kể cả việc cắt giảm chi phí để nâng cao giá trị cổ tức được chia. Họ ít quan tâm đến đời sống của công nhân, các phúc lợi công nhân được hưởng, công tác đào tạo đội ngũ kế thừa...

Theo ông La Minh Hồng, những điều vừa nêu dẫn đến mâu thuẫn, dù không đối kháng nhưng cũng là bài toán khó cho các DNNN được CPH. Và để giải quyết hài hòa người lao động – tiền lương với cổ đông – cổ tức DN cần có bộ máy quản lý đảm bảo hiệu quả hoạt động cao. Muốn vậy, DN cần xây dựng điều lệ, hệ thống kiểm soát các hoạt động thật chặt chẽ; đặc biệt, cần phải kiểm soát, kiểm tra thường xuyên về các mặt tài chính, các hoạt động mua bán hàng, chi tiêu và kể cả lề lối làm việc... Ngoài ra, giải quyết mâu thuẫn vừa nêu, Chính phủ cần thay đổi quy định về việc bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động theo hướng: cổ phần ưu đãi cho người lao động là cổ phiếu ghi danh, không thu tiền, đồng thời có sự ràng buộc không được quyền chuyển nhượng cổ phần này, trừ trường hợp để lại thừa kế theo quy định của pháp luật.

Theo quy định, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN sau khi CPH được bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trụ sở chính tại Hà Nội. Vấn đề này, theo Ban Đổi mới DN TP Cần Thơ, đã làm cho việc kiểm tra giám sát của địa phương đối với các DN CPH cực kỳ khó khăn. Thành phố ít nhận được thông tin phản hồi cũng như đề xuất của các DN được CPH để có các giải pháp quản lý phù hợp. Mặt khác, theo nhiều DNNN được CPH, khi DN gặp khó khăn rất chậm được hỗ trợ giải quyết về mặt thời gian, cũng như sự quan tâm từ phía cơ quan chủ quản – SCIC. Xuất phát từ vấn đề này, theo thường trực Ban Đổi mới DN TP Cần Thơ và nhiều DNNN được sắp xếp, đổi mới trên địa bàn thành phố kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ cho phép TP Cần Thơ thành lập Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh TP Cần Thơ. Việc thành lập này cũng là nhằm tạo thêm sức mạnh cho thành phố trong việc phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Ngoài các vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, Ban đổi mới DN TP Cần Thơ cần tìm hiểu, nắm vững các chủ trương mới của trung ương, các bộ, ngành hữu quan trong thời kỳ “hậu” sắp xếp, đổi mới DNNN. Từ dó, cần có những giải pháp, đề suất những vấn đề vướng mắc như việc đào tạo nguồn nhân lực, việc sắp xếp, bố trí cán bộ tại các DNNN đã được sắp xếp, đổi mới khi vốn góp nhà nước không còn chiếm ưu thế...

Hà Triều

Chia sẻ bài viết