22/03/2013 - 08:59

Trung Quốc đổ tiền giành ảnh hưởng ở Bắc Cực

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc cần rất nhiều khoáng sản và dầu mỏ. Trong những năm qua, quốc gia đông dân nhất hành tinh này đã không ngừng bắt tay hợp tác với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới nhằm phát triển hai lĩnh vực này. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Bắc Bán Cầu.

Trong quá khứ, mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia Bắc Cực không được mặn mà. Kể từ khi Na Uy "làm mặt lạnh" với Trung Quốc cách đây hai năm do một giải thưởng Nobel được trao cho một người bất đồng chính kiến của Trung Quốc, mối quan hệ của hai nước ngày càng tiến gần hơn đến bờ vực thẳm, "tan nhanh" như băng ở Bắc Cực.

   Một tảng băng ngoài khơi bờ biển phía Tây Greenland, nơi Trung Quốc sẽ tiến hành khởi công một dự án khai thác mỏ trị giá gần 2,3 tỉ USD. Ảnh: Getty Images. 

Không vì mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" với Na Uy mà Bắc Kinh "làm ngơ" với khu vực lạnh giá này. Hiện Trung Quốc đang hợp tác với các quốc gia ở Bắc Cực như một phần trong nỗ lực nhằm đảm bảo vị thế "quan sát viên thường trực" của mình tại Hội đồng Bắc Cực, một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 nước Canada, Đan Mạch, Mỹ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga. Ban đầu Na Uy tỏ vẻ không tán thành nhưng quốc gia này đã dần thay đổi quan điểm của mình. Gần đây, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide cho hay ông ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực mà Trung Quốc đưa ra.

Hiện 80% nguồn năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc được chuyển về nước thông qua eo biển Malacca. Tuy nhiên, trong vài năm qua, tình trạng băng tan ở Bắc Cực đã biến khu vực lạnh giá này thành một tuyến đường vận chuyển đầy tính khả thi. Tuyến đường biển mới này sẽ giúp rút gọn khoảng cách giữa Thượng Hải và Bắc Âu khoảng 4.000 dặm và giúp tiết kiệm một số tiền khoảng 260.000 bảng Anh cho mỗi chuyến đi đối với những tàu chở hàng cỡ vừa. 3 năm trước, không có bất kỳ chuyến vận tải nào được thực hiện nhưng vào năm ngoái, con số này lên đến 46 chuyến. Hồi tháng 8-2012, các nhà khoa học Trung Quốc trên chiếc tàu phá băng Xuelong do Ukraina xây dựng đã hoàn thành một chuyến vận tải hàng xuyên Bắc Cực đầu tiên của đất nước từ Thượng Hải đến Iceland. Chính vì vậy, thuyền trưởng Huigen Yang cho biết các công ty vận tải Trung Quốc sẽ có thể thực hiện một chuyến vận tải thương mại cũng bằng con đường tương tự ngay trong mùa hè này.

Để mở rộng ảnh hưởng của mình, trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành phát triển các dự án tại Greenland. Hiện Quốc hội Trung Quốc đang xem xét phê duyệt một dự án khai thác mỏ trị giá 2,3 tỉ USD tại khu vực phía Đông Thủ đô Nuuk. Được biết, dự án được khởi công vào mùa hè này sẽ cần một đội ngũ công nhân Trung Quốc lên đến 3.000 người. Nhiều người lo ngại rằng dự án này sẽ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên nguyên sơ của Greenland, nơi người dân sống chủ yếu dựa vào săn bắn và đánh bắt cá. Trước tình hình này, Thủ tướng Greenland Aleqa Hammond hứa sẽ làm dịu bớt những lo ngại trên bằng cách hạn chế dòng người lao động giá rẻ nước ngoài.

Trước sự bành trướng ngày càng quy mô của Trung Quốc, nhiều nước đã tỏ ra "khó chịu" và thẳng thừng từ chối hợp tác, trong đó có Iceland. Năm ngoái, chính quyền Iceland đã bác bỏ một dự án đầu tư của một triệu phú Trung Quốc nhằm biến phía Bắc khô cằn của đất nước thành một khu du lịch nghỉ mát. Người ta cho rằng việc xây dựng các cảng nước sâu có thể tạo ra nhiều rủi ro an ninh. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gần đây đã thực hiện chuyến công du đến khu vực châu Âu, đồng thời ký kết các thỏa thuận hợp tác với Thủ tướng Iceland nhằm thi công công trình Đại sứ quán Trung Quốc tại Thủ đô Reykjavik của Iceland ước tính trị giá khoảng 250 triệu USD, có sức chứa 500 nhân viên, cao hơn rất nhiều so với con số 70 nhân viên của Đại sứ quán Mỹ trên quốc gia này.

TRÍ VĂN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết