18/07/2020 - 06:43

Trục lợi từ chứng nhận xét nghiệm COVID-19 “dỏm” 

Giới chức Bangladesh vừa bắt giữ ông Mohammad Shahed (43 tuổi), chủ chuỗi Bệnh viện Regent tại thủ đô Dhaka, vì cáo buộc đã cấp hàng ngàn chứng nhận xét nghiệm COVID-19 mang kết quả âm tính giả để bỏ túi khoảng 350.000 USD từ bệnh nhân.

Mohammad Shahed (giữa) khi bị cảnh sát bắt hôm 15-7. Ảnh: AFP

Cụ thể, giới chức cho biết hai cơ sở y tế do Shahed điều hành đã thực hiện 10.500 xét nghiệm COVID-19, nhưng trong đó chỉ có 4.200 xét nghiệm thật và số còn lại, tức 6.300 xét nghiệm, chưa từng được tiến hành.

Sau khi lẩn trốn được 9 ngày, Shahed bị bắt hôm 15-7 khi đang cố băng qua sông để sang nước láng giềng Ấn Độ. Ngoài việc bị cáo buộc cung cấp kết quả xét nghiệm COVID-19 giả cho bệnh nhân, Shahed còn bị cáo buộc về việc thu phí điều trị và xét nghiệm SARS-CoV-2 mặc dù đã đồng ý với chính phủ rằng sẽ cung cấp các dịch vụ này miễn phí. Đáng chú ý, trước khi bị bắt trong vụ việc nói trên, người đàn ông này từng bị điều tra trong hơn 30 vụ án hình sự khác liên quan đến các hành vi tham nhũng, tham ô và điều hành các công ty phi pháp, cũng như từng ngồi tù 2 năm.

Thật ra, Shahed không phải là người đầu tiên tại Bangladesh bị bắt vì tội gian lận y tế trong đại dịch COVID-19. Tuần trước, chủ sở hữu của một cơ sở xét nghiệm tư nhân khác cũng bị bắt vì cung cấp chứng nhận xét nghiệm COVID-19 giả, trong khi không hề kiểm tra cho người bệnh.

Bangladesh là một trong những nước nghèo nhất châu Á. Hàng triệu công dân nước này ra nước ngoài làm việc và mỗi năm gởi về quê hương hàng tỉ USD, qua đó góp phần xây dựng kinh tế phát triển. Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều lao động phải trở về nước một thời gian ngắn do số lượng việc làm ở hải ngoại cắt giảm, nay họ bắt đầu quay lại công việc và các chủ lao động yêu cầu họ phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh.

Đến nay, Bangladesh - quốc gia có hơn 160 triệu dân - đã ghi nhận gần 200.000 ca nhiễm và gần 2.500 ca tử vong vì COVID-19. Song giữa lúc SARS-CoV-2 đang lan rộng khắp Nam Á và khả năng xét nghiệm còn hạn chế, các chuyên gia y tế cho rằng số ca nhiễm thực sự cao hơn con số thống kê chính thức. Được biết, chính quyền Bangladesh trung bình thực hiện 13.000-17.000 lượt xét nghiệm/ngày kể từ tháng 3.

Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại những đường dây làm giả chứng nhận xét nghiệm COVID-19 có thể khiến người dân không tin tưởng đối với việc xét nghiệm. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Cầu đường Obaidul Quader, việc sử dụng rộng rãi các chứng nhận COVID-19 giả là “một đòn đánh lớn vào hình ảnh của đất nước”.

Trên thực tế, Bangladesh không phải là nước duy nhất đối mặt với những đường dây trục lợi như thế. Hôm 6-7, một bệnh viện tư nhân ở thành phố Meerut, thuộc bang Uttar Pradesh (Ấn Độ), đã bị đình chỉ hoạt động vì cáo buộc cấp kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính giả. Trong đoạn video bị phát tán trên mạng, một nhân viên bệnh viện đã ngã giá 2.500 rupee (khoảng 35 USD) để làm giả kết quả xét nghiệm cho một bệnh nhân.

NGUYỆT CÁT (Theo NYT, CNN)

Chia sẻ bài viết