10/05/2024 - 11:32

Triển vọng từ công nghệ thu giữ carbon 

Từ một khái niệm có vẻ siêu thực, công nghệ thu giữ CO2 từ khí quyển để lưu trữ dưới lòng đất đang đem đến nhiều hy vọng về giảm khí thải, đóng góp vào quá trình chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Hiện công nghệ giúp tăng 10 lần công suất thu giữ CO2 đang trong quá trình thử nghiệm.

Nhà máy Mammoth công nghệ thu khí carbon trực tiếp đã đi vào hoạt động tại Iceland.

Trong khi việc thu hồi và tái sử dụng carbon của ngành dầu khí đã có từ những năm 1970, việc thu hồi trực tiếp từ không khí là công nghệ mới được phát triển gần đây do chưa hiệu quả về kinh tế. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), chi phí của các công nghệ này ước tính từ 600 đến 1.000 USD cho mỗi tấn CO2 thu được, nhưng có thể giảm từ 100 đến 300 USD trong những năm tới. IPCC hiện đã coi công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon là một trong những giải pháp loại bỏ CO2

Để thu giữ carbon, các hệ thống sẽ sử dụng quạt lớn để hút các phân tử CO2, tiếp đó lượng không khí này sẽ được bộ lọc chất lỏng hấp thụ hoặc đọng lại trên bộ lọc rắn. Khi các bộ lọc đã đầy, các quạt sẽ đóng lại và các bộ lọc được làm nóng ở nhiệt độ cao lên tới 120 độ C đối với các bộ lọc rắn và 900 độ C đối với các bộ lọc lỏng để giải phóng CO2 tinh khiết. Quá trình đun nóng đòi hỏi phải sử dụng nhiều năng lượng và sự phát triển của các công nghệ này trên quy mô lớn phụ thuộc vào nguồn điện sẵn có hoặc nhiệt lượng từ năng lượng tái tạo.

Mặc dù các hợp chất hóa học có thể được tái sử dụng nhưng tác động môi trường của việc sản xuất quy mô lớn vẫn chưa được nghiên cứu. CO2, ở dạng khí nén hoặc hòa tan trong một lượng nước lớn, sau đó được vận chuyển và bơm vào đá xốp nằm sâu hàng trăm mét dưới lòng đất.

Hiện có 3 cơ sở thu giữ carbon thương mại đang hoạt động, nhưng chỉ có Orca ở Iceland lưu trữ CO2 thay vì tái sử dụng làm thành phần trong nhiên liệu tổng hợp, vật liệu xây dựng hoặc nước giải khát. Kể từ năm 2021, Orca đã thu hồi 4.000 tấn CO2/năm - tương đương lượng khí thải toàn cầu thải ra trong vài giây. Trong khi đó, cơ sở Mammoth do công ty khởi nghiệp Climeworks (Thụy Sĩ) với các đối tác Iceland phát triển và mới ra mắt sẽ thu hồi tới 36.000 tấn CO2/năm.

Đây là những con số tích cực nếu so sánh với việc loại bỏ 2 tỉ tấn CO2/năm, chủ yếu thông qua việc trồng lại và bảo vệ rừng, trong khi mức khí thải trên toàn thế giới vào năm ngoái là 40 tỉ tấn CO2.   

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), gần 30 dự án đã được triển khai tại Mỹ, Anh, Iceland, các quốc gia vùng Vịnh và Kenya với khả năng lưu trữ đến năm 2030 là gần 10 triệu tấn CO2. Tuy nhiên, ngay cả khi công suất thu giữ CO2 đạt 2 tỉ tấn vào năm 2050, so với chỉ 10.000 tấn hiện nay, như những dự đoán lạc quan trong báo cáo của Đại học Oxford, các chuyên gia vẫn cho rằng trước tiên phải giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển và chỉ xem xét việc thu hồi và lưu trữ carbon đối với lượng khí thải không thể loại bỏ được. Bên cạnh đó, mục đích của việc thu hồi carbon đang bị hoài nghi, khi việc tái sử dụng thay vì lưu trữ CO2 có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các công ty dầu mỏ lớn.

ĐẶNG ÁNH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết