21/11/2008 - 21:07

Trạm Vũ trụ quốc tế lên 10

Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), phòng nghiên cứu không gian công nghệ cao do con người chế tạo, vừa tròn 10 tuổi vào hôm 20-11, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công cuộc thám hiểm Hệ Mặt trời của nhân loại. ISS là thiết bị kỹ thuật đồ sộ nhất đang hoạt động trên quỹ đạo Trái đất.

ISS quay quanh Trái đất mỗi 90 phút với vận tốc 28.000 km/giờ. Ảnh: ABC 

Lịch sử của ISS khởi nguồn từ sự kiện năm 1993 Nga và Mỹ ký Tuyên bố chung về hợp tác vũ trụ nhằm chế tạo và phóng ISS vào quỹ đạo Trái đất. Năm năm sau, vào ngày 20-11-1998, ISS chính thức được khai sinh khi Nga phóng thành công mô-đun Zarya (do nước này chế tạo) lên quỹ đạo Trái đất ở độ cao 350 km. Sự ra đời của ISS nhằm tiếp nối Trạm Vũ trụ Hòa Bình (MIR) của Nga - về hưu vào năm 2001 sau 15 năm hoạt động trong không gian. Chương trình ISS đánh dấu một giai đoạn hợp tác quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực vũ trụ bất chấp những khác biệt về ngôn ngữ, địa lý và trình độ kỹ thuật. Ngoài 2 đối tác chính là Nga và Mỹ, dự án xây dựng ISS còn có sự góp sức của Nhật Bản, Canada, Brazil và 11 nước thuộc Cơ quan không gian châu Âu (ESA). Theo thống kê của Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA), trong một thập kỷ qua, hơn 100.000 người trên khắp thế giới tham gia vào quá trình thi công ISS.

ISS, được xây dựng với kinh phí khoảng 100 tỉ USD và phần lớn do Mỹ đóng góp, bắt đầu đón phi hành gia lên thường trú từ tháng 11-2000. Đội du hành đầu tiên lên ISS gồm 2 người Nga và 1 người Mỹ, luân phiên đi về giữa ISS và Trái đất sau mỗi 4 hoặc 6 tháng. Từ đó đến nay, ISS luôn có các nhà du hành quốc tế hoạt động và trạm này đã đón tiếp tổng cộng 18 đội bay. Đội bay hiện tại gồm 2 người Mỹ và 1 người Nga, vừa lên tới ISS vào hôm Chủ nhật vừa qua. Đây là cũng đội bay cuối cùng gồm 3 thành viên. Từ năm 2009, đội bay quốc tế hoạt động thường xuyên trên ISS sẽ tăng lên 6 người. Trong 10 năm qua, ISS đã tiếp đón 168 nhà du hành và khách du lịch thuộc 15 nước trên thế giới.

Sau 10 năm được nâng cấp và mở rộng, ISS hiện nặng hơn 300 tấn với phần nội thất tương đương diện tích căn hộ 5 phòng ngủ. Các nhà du hành khi lên làm việc trên ISS đã thực hiện tổng cộng 116 cuộc đi bộ ra ngoài khoảng không vũ trụ và sửa chữa bằng robot, qua đó kéo ISS dài ra 90 m. Hệ thống năng lượng Mặt trời phục vụ ISS có qui mô khá lớn, đủ bao phủ 6 sân bóng rổ. Hiện tại ISS có tổng cộng 19 trang thiết bị nghiên cứu, gồm của NASA, ESA, Nga và Nhật Bản, cho phép phi hành gia thực hiện các thử nghiệm trong lĩnh vực y học, công nghệ sinh học, chế tạo vật liệu, truyền thông và nghiên cứu cách thức cơ thể người phản ứng trong môi trường vi trọng lực - nền tảng cho các sứ mệnh thám hiểm vũ trụ trong tương lai. Ngoài ra, ISS được cho là nơi lý tưởng để thử nghiệm các công nghệ cho phép con người tồn tại trong môi trường tù túng, khắc nghiệt, chẳng hạn như công nghệ tái chế nước tiểu thành nước sinh hoạt.

16 nước tham gia dự án ISS đặt mục tiêu hoàn thiện trạm này vào năm 2010. Khi đó, ISS sẽ nặng hơn 450 tấn với diện tích hơn 9.500 m2. Và từ đây đến đó, NASA dự kiến tàu con thoi – phương tiện duy nhất đủ khả năng chuyên chở trang thiết bị lên ISS – sẽ thực hiện 8 chuyến bay nữa lên ISS, với chuyến cuối cùng ấn định vào ngày 31-5-2010. Theo kế hoạch, đến năm 2014, tàu Orion của Mỹ, hiện còn đang trong giai đoạn chế tạo, sẽ đảm nhận vai trò cầu nối giữa ISS với Trái đất.

Ban đầu, thời gian hoạt động của ISS trên quỹ đạo được dự tính là 15 năm. Tuy nhiên, các nước tham gia ISS đang dự định kéo dài “tuổi thọ” ISS đến năm 2020 và biến nó thành “cảng vũ trụ” để chuẩn bị cho các chuyến nghiên cứu - thám hiểm lên Mặt trăng, sao Hỏa và giữa các hành tinh trong tương lai.

ĐÔNG NGUYÊN (Theo AFP, Space Daily, Chinaview)

ISS tái chế nước thải thành nước uống

Hôm 18-11 vừa qua, các phi hành gia trên ISS đã lắp đặt xong hệ thống tái chế nước (WRS - ảnh) do tàu con thoi Endeavour vừa mang lên. Sau khi được kết nối với toilet mới trị giá 19 triệu USD, WRS sẽ được dùng để chuyển hóa nước tiểu và mồ hôi của các phi hành gia thành nước uống. Toilet được thiết kế có nhiều đường ống dẫn chất lỏng đến WRS, sau đó hệ thống này sẽ đưa chất thải rắn như tóc và sợi vải qua nhiều tầng lọc. Trong quá trình lọc, chất ô nhiễm cũng được loại bỏ triệt để nhờ có phản ứng xúc tác ở nhiệt độ cao, nên nước thành phẩm sẽ hoàn toàn sạch và an toàn cho sức khỏe.

 

Phi hành gia Don Pettit, người vừa quay trở lại ISS, cho biết  WRS là công nghệ bảo đảm quá trình sống và làm việc lâu dài trên không gian – nơi nước uống được xem là xa xí phẩm. WRS dự kiến sẽ được vận hành thử nghiệm trong vài ngày tới và mẻ nước uống đầu tiên thu được sẽ được mang về Trái đất xét nghiệm vào cuối tháng 11 này. Nếu thử nghiệm thành công, WRS sẽ là một phần không thể thiếu, hỗ trợ sự sống của các nhà du hành trong các chuyến thám hiểm kéo dài nhiều năm đến sao Hỏa hoặc Mặt trăng trong tương lai mà NASA đang lên kế hoạch.

Đ.N (Theo ABC)

Chia sẻ bài viết