17/11/2023 - 17:11

Tin tức thế giới 17-11 

Hàn - Mỹ ký thỏa thuận ưu tiên cung cấp hàng hóa quốc phòng

Ngày 17-11, Cơ quan mua sắm vũ khí của Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ đã ký kết một thỏa thuận nhằm ưu tiên cung cấp nguyên liệu và hàng hóa liên quan đến quốc phòng cho nhau. Đây là một trong các động thái nhằm tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng an ninh giữa hai nước.

Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) và Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký Thỏa thuận Cung ứng an ninh (SOSA), cho phép hai bên yêu cầu nhau ưu tiên giao hàng cho các đơn đặt hàng hàng hóa liên quan đến quốc phòng. DAPA cho biết Hàn Quốc sẽ nhận được các nguồn lực quốc phòng của Mỹ theo diện ưu tiên giúp đẩy nhanh tốc độ triển khai và vận hành kịp thời các hệ thống vũ khí trong nước.

Thỏa thuận này được ký trong bối cảnh Seoul đang nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng trong khi Washington đang tìm cách đảm bảo chuỗi cung ứng quốc phòng trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine và tại Trung Đông chưa thấy hồi kết.

Việc ký kết thỏa thuận cung ứng an ninh diễn ra sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý tăng cường quan hệ đối tác trong chuỗi cung ứng quốc phòng trong hội nghị thượng đỉnh ở Seoul vào tháng 5-2022.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ William LaPlante ký Thỏa thuận Cung ứng an ninh ngày 17-11. Ảnh: Yonhap

Jordan hủy thỏa thuận đổi điện lấy nước với Israel

Ngày 16-11, Jordan thông báo sẽ không ký thỏa thuận cung cấp năng lượng Mặt Trời cho Israel để lấy nước sạch khử muối dù thỏa thuận đã được lên kế hoạch phê chuẩn vào tháng trước.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al Jazeera có trụ sở ở Qatar, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho biết: "Thỏa thuận đổi năng lượng lấy nước nhẽ ra đã được hoàn tất vào tháng 10 song chúng tôi sẽ không ký kết". Quan chức này cho biết cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel và việc Israel triển khai các chiến dịch vây ráp tại Dải Gaza là lý do khiến Jordan đưa ra quyết định trên.

Đầu tháng này, Jordan đã thông báo rút đại sứ khỏi Israel để bày tỏ sự phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza. Thổ Nhĩ Kỳ, Bahrain  và một số quốc gia khác cũng có động thái tương tự.

Hồi tháng 11-2021, Jordan và Israel ký kết một bản ghi nhớ ban đầu về việc Jordan sẽ cung cấp điện Mặt trời cho Israel để đổi lấy nước khử muối. Việc ký kết diễn ra tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Đây là một phần của thỏa thuận hòa bình mang tên Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa các nước Hồi giáo Vùng Vịnh với Israel.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi. Ảnh: Reuters

Nợ công toàn cầu cao kỷ lục 

Nợ công toàn cầu trong quý III-2023 đã lên mức cao kỷ lục 307.400 tỉ USD, trong đó tỷ lệ nợ công tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nền kinh tế đang nổi cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Báo cáo ngày 16-11 của Viện Tài chính quốc tế (IIF) ước tính nợ toàn cầu đến cuối năm nay sẽ lên tới 310.000 tỉ USD, tăng 25% trong 5 năm. IIF cho biết nợ chính phủ trong quý III có mức tăng lớn nhất, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức cao hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19. Khoảng 65% số nợ tăng trong quý vừa qua tập trung ở các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh. Các thị trường mới nổi Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico cũng ghi nhận mức tăng mạnh.

IIF cảnh báo rằng gánh nặng nợ nần đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn đang gia tăng ở các nền kinh tế lớn, trong đó có cả Trung Quốc và Mỹ, gây nhiều tác động tiêu cực đến nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến bầu cử và chuyển đổi năng lượng sạch.

Ảnh: Telegraph

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết