Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ người dân phát triển hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) và nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại khu vực nông thôn. Ðồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Qua đó, giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở người dân và góp phần đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam.
Thu hoạch lúa ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: V.CÔNG
Nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ
Nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững, đảm bảo đủ LTTP, dinh dưỡng và nâng cao đời sống cho người dân, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã và đang tiếp tục quan tâm triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người dân. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 712/QÐ-TTg ngày 12-6-2018 về Ban hành Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025, Quyết định số 90/QÐ-TTg ngày 18-1-2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 300/QÐ-TTg ngày 28-3-2023 về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.
Ðể thực hiện tốt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành Trung ương đã kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn, đồng thời tiến hành xây dựng các kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể. Ðáng chú ý, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư số 04/2022/TT-BNNPTNT ngày 11-7-2022 về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Bộ cũng đã ban hành Quyết định số 2048/QÐ-BNN-KTHT ngày 28-6-2024 về quyết định phê duyệt Sổ tay hướng dẫn xây dựng dự án phát triển hệ thống LTTP đảm bảo đủ dinh dưỡng thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2018-2023, các chương trình trên đã góp phần quan trọng vào việc phát triển và nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại khu vực nông thôn. Góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cả 3 thể ở tất cả các mô hình: thể nhẹ cân giảm trung bình 1,7%, thấp còi giảm 3,3%, gầy còm giảm 8,1%... Trong đó, chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" đã giúp nhiều người thay đổi nhận thức về "đói", đó là không phải đói về LTTP mà là câu chuyện chúng ta đang "đói" về an toàn thực phẩm, về dinh dưỡng thực phẩm để cải thiện chất lượng bữa ăn. Thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong phát triển nông nghiệp bền vững, cân bằng dinh dưỡng…Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cũng đã phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền và tập huấn và hỗ trợ các địa phương triển khai nhiều mô hình, dự án cụ thể để làm mô hình điểm cho nhân rộng.
Tiếp tục phát huy
Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và an ninh LTTP trong những năm qua. Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng của người dân, đặc biệt là trẻ em ở vùng khó khăn vẫn còn ở mức cao so với đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới và còn có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng, miền. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em vẫn còn ở mức trung bình 19,6% (năm 2020), đặc biệt tỷ lệ này còn ở mức cao ở vùng miền núi phía Bắc là 37,4%, vùng Tây Nguyên là 28,8%, ở dân tộc khác (trừ dân tộc Kinh) là 32%. Tỷ lệ nghèo đa chiều là 7,52%; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều trên 1.972.000 hộ (số liệu rà soát năm 2022). Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương ở nước ta cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân trong phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát triển hệ thống LTTP đảm bảo đủ dinh dưỡng và cân bằng dinh dưỡng. Thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Sản xuất lúa gạo tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Theo ông Lê Ðức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tiếp nối chương trình "Không còn nạn đói", Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 300/QÐ-TTg ngày 28-3-2023 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu của Quyết định số 300/QÐ-TTg là đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng được tiếp cận thực phẩm an toàn và dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm bền vững. Ðể hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững và đạt các mục tiêu về an ninh lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng theo Quyết định số 300/QÐ-TTg, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng dự án phát triển hệ thống LTTP đảm bảo đủ dinh dưỡng. Sổ tay giúp nâng cao các hiểu biết chung về hệ thống LTTP và dự án phát triển LTTP đảm bảo đủ dinh dưỡng. Cung cấp các hướng dẫn về xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá dự án... Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân tham khảo áp dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Mới đây, tại TP Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn triển khai thí điểm Sổ tay hướng dẫn xây dựng dự án phát triển hệ thống LTTP đảm bảo đủ dinh dưỡng. Tại tập huấn, nhiều đại biểu cho rằng, việc có sổ tay hướng dẫn cụ thể xây dựng các dự án, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và đảm bảo đủ dinh dưỡng đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ quan chức năng tại các địa phương. Kịp thời ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ và huy động người dân tham gia dự án, nhất là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Theo ông Ðào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để thực hiện tốt việc chuyển đổi, phát triển hệ thống LTTP đảm bảo đủ dinh dưỡng rất cần có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan. Cần lồng ghép, phối hợp tổng hợp giữa các chương trình, cũng như cần có các hướng dẫn về mặt phương pháp, thiết kế các dự án để đảm bảo đạt đa mục tiêu đã được đề ra theo Quyết định số 300/QÐ-TTg…
Theo bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, để xóa đói, giảm nghèo bền vững cần phải có sự gắn kết, phối hợp tốt giữa các chương trình, hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp với việc đảm bảo đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng. Thúc đẩy người dân thực hiện ăn uống cân đối, đa dạng và lành mạnh. Bởi suy dinh dưỡng hay thừa cân, béo phì đều dễ dẫn đến bệnh tật, gây mất thu nhập và đói nghèo.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG