07/10/2024 - 10:21

Thi học sinh giỏi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Kết nối các bậc học 

Khi tham gia thi học sinh giỏi theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ngoài phần bắt buộc với kiến thức liên môn, thí sinh còn được chọn một trong các mạch kiến thức để làm bài. Ðiều này tạo được sự liền mạch trong việc chuyển tiếp học sinh giỏi cấp THCS và THPT cũng như tuyển sinh vào trường chuyên. Hiện nay, ngành giáo dục, các trường học ở một số địa phương đang chuẩn bị công tác này để việc giảng dạy, bồi dưỡng học sinh đạt hiệu quả.

Các em học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng trong đội tuyển học sinh giỏi THPT TP Cần Thơ dự thi cấp quốc gia năm học 2023-2024. Ảnh: B.NG 

Liền mạch kiến thức

Năm học 2024-2025, Chương trình GDPT 2018 được triển khai đến 3 lớp cuối cấp (lớp 5, 9 và 12), đánh dấu cột mốc tất cả các khối lớp đều thực hiện chương trình mới. Một trong những vấn đề được quan tâm của ngành giáo dục, thầy trò các trường là việc thi học sinh giỏi môn tích hợp ở lớp 9 và tuyển sinh lớp 10 trường chuyên. Với sự thay đổi về môn học trong Chương trình GDPT 2018, việc tổ chức thi học sinh giỏi lớp 9 và thi tuyển sinh lớp 10 THPT sẽ có sự khác biệt so với trước đây. Ðiển hình như ở các môn mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Ðịa lý, ngoài phần bắt buộc với kiến thức liên môn, thí sinh chọn một trong các mạch kiến thức để làm bài. Ðiều này tạo được sự liền mạch trong việc chuyển tiếp học sinh giỏi cấp THCS và THPT, thuận lợi cho các trường THCS và học sinh trong lựa chọn và hình thành các đội tuyển cho kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng như chuẩn bị nguồn lực cho các trường THPT chuyên…

Theo dự kiến, môn thi học sinh giỏi sẽ thay đổi, cấp THCS 7 môn, cấp THPT 10 môn. Nội dung thi và cấu trúc đề thi môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Ðịa lý có 2 phần: phần chung (20% điểm số) dành cho tất cả thí sinh dự thi và phần tự chọn (80% điểm số), thí sinh tự chọn 1 trong 3 phần (đối với môn Khoa học tự nhiên) và 1 trong 2 phần (đối với môn Lịch sử và Ðịa lý)…

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ, Sở đã có dự thảo nội dung bài thi chuyên từ năm 2025. Theo đó, lớp chuyên Toán thực hiện môn thi/bài thi chuyên Toán; lớp chuyên Vật lý: môn thi/bài thi chuyên KHTN1; lớp chuyên Hóa học: môn thi/bài thi KHTN2; lớp chuyên Sinh học: môn thi/bài thi KHTN3; lớp chuyên Tin học: môn thi/bài thi Tin học; lớp chuyên Ngữ văn: môn thi/bài thi Ngữ văn; lớp chuyên Lịch sử: môn thi/bài thi Lịch sử và Ðịa lý 1; lớp chuyên Ðịa lý: môn thi/bài thi Lịch sử và Ðịa lý 2; lớp chuyên Tiếng Anh: môn thi/bài thi là Tiếng Anh; lớp chuyên Tiếng Pháp: môn thi/bài thi Tiếng Pháp.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa thông tin rằng dự thảo nội dung bài thi chuyên, các lớp chuyên Toán, Tin học, Ngữ văn, Tiếng Anh, tiếng Pháp có nội dung toàn cấp học trong Chương trình GDPT 2018, chủ yếu là lớp 9 của môn học tương ứng. Các lớp chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học nội dung thi gồm hai phần: phần chung của 3 bài thi (chiếm 20% tổng điểm bài thi) gồm kiến thức phần chung của môn Khoa học tự nhiên; phần riêng (chiếm 80% tổng điểm bài thi) gồm bài thi KHTN 1 có nội dung liên quan đến kiến thức Vật lý, bài thi KHTN 2 có nội dung liên quan đến kiến thức Hóa học, bài thi KHTN 3 có nội dung liên quan đến kiến thức Sinh học. Ðối với các lớp chuyên Lịch sử, Ðịa lý thì nội dung thi gồm hai phần. Phần chung của hai bài thi (chiếm 20% tổng điểm bài thi), nội dung của một số chủ đề mang tính tích hợp. Phần riêng (chiếm 80% tổng điểm bài thi) gồm: bài thi Lịch sử và Ðịa lý 1 (nội dung của phần Lịch sử); bài thi Lịch sử và Ðịa lí 2 (nội dung của phần Ðịa lý)…

Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Huy Tùng, giáo viên Trường THPT Tân Long (tỉnh Hậu Giang), có 17 năm đứng trên bục giảng và hơn 10 năm ôn luyện học sinh giỏi cấp tỉnh, cho rằng: Ðể đảm bảo hiệu quả của dạy bồi dưỡng học sinh giỏi theo Chương trình GDPT 2018, phải hướng tới mục tiêu tích hợp để giúp học sinh làm chủ các kiến thức và giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đặt ra. Chủ đề liên môn là những chủ đề có nội dung kiến thức liên quan đến 2 hay nhiều môn học, thể hiện ở sự ứng dụng trong cùng một hiện tượng, quá trình xảy ra trong tự nhiên hay xã hội. Từ đó, giúp học sinh giỏi phát triển năng lực chuyên sâu toàn diện, điều kiện thuận lợi cho các em chọn các môn học vào trường THPT, THPT chuyên hoặc tiếp tục có cơ hội vào học bồi dưỡng học sinh giỏi cấp THPT hay chuyên sâu vào cao đẳng, đại học sau này.

Xu thế tất yếu

Dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi theo Chương trình GDPT 2018 hướng tới mục tiêu tích hợp là xu thế tất yếu. Dù vậy, theo Thạc sĩ Huy Tùng, nhiều giáo viên dạy học sinh giỏi có thể gặp khó khăn bởi mỗi người hầu như chỉ được đào tạo một chuyên ngành, có một thế mạnh, dạy một bộ môn đã nhiều năm. Giờ đây phải giảng dạy môn học mà có đến 1, 2 phân môn thì khó có thể đủ kiến thức sâu để dạy bồi dưỡng học sinh giỏi. Giáo viên làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cần phải luôn nỗ lực, nhất là với những lớp học cao hơn, như từ lớp 8 trở lên, nhiều vì chương trình đòi hỏi chuyên môn sâu…

Thạc sĩ Huy Tùng cho biết thêm: Thông qua sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong nhà trường, mỗi giáo viên dạy học sinh giỏi cần phải tích cực tham gia xây dựng các chủ đề dạy học phù hợp với yêu cầu kỳ thi đặt ra. Ðó là xác định những năng lực có thể phát triển cho học sinh giỏi trong mỗi chủ đề; biên soạn các câu hỏi, bài tập, đề thi để đánh giá năng lực của học sinh giỏi trong dạy học; thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học của học sinh; tổ chức dạy học để nhờ giáo viên có kinh nghiệm dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm... Qua các hoạt động chuyên môn đó, năng lực chuyên môn của mỗi giáo viên trong dạy học sinh giỏi từng bước được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục, trong đó dạy học tích hợp, liên môn vốn là xu hướng tất yếu hiện nay.

Theo đại diện Sở GD&ÐT tỉnh Bến Tre, để tổ chức thực hiện kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 và tuyển sinh lớp 10 THPT đạt hiệu quả, phù hợp quy định, Sở vừa tổ chức hội nghị định hướng bồi dưỡng học sinh giỏi, thi tuyển sinh lớp 10 từ năm học 2025-2026 để lấy ý kiến, trao đổi những phương án dự kiến thực hiện.

Theo ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Bến Tre, với mục tiêu nâng cao chất lượng GD&ÐT tỉnh và hướng đến người học, Sở tiếp thu các ý kiến từ giáo viên và sẽ lắng nghe phản hồi từ các trường để sớm xây dựng dự thảo đề cương về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024-2025. Sau khi xây dựng dự thảo phương án, ngành GD&ÐT trình UBND tỉnh xin ý kiến phê duyệt để thống nhất phương án triển khai trong thời gian tới.

NGỌC NGỮ

Chia sẻ bài viết