13/12/2023 - 17:50

TIN TỨC THẾ GIỚI 13-12 

ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á

Kinh tế khu vực châu Á dự kiến sẽ đạt tăng trưởng 4,9% trong năm 2023, chủ yếu nhờ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Đây là nhận định mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra ngày 13-12, sau khi nâng dự báo hồi tháng 9 là 4,7% đối với tăng trưởng kinh tế khu vực.

Trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 12-2023, ADB ghi nhận tăng trưởng kinh tế của khu vực gồm 46 nền kinh tế, không bao gồm Nhật Bản, Úc và New Zealand, là nhờ "đòn bẩy" của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa ở các nền kinh tế, sự phục hồi của ngành du lịch và nguồn kiều hồi chuyển về tăng mạnh.

ADB nhận định triển vọng tăng trưởng ở các tiểu vùng không đồng đều. Khu vực Đông Á và Nam Á đều được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, lần lượt ở mức 4,7% và 5,7 % trong năm nay, trong khi khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, đạt 4,3%, thấp hơn so với dự báo trước đó là 4,6%.

Đối với Trung Quốc, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, từ mức 4,9% lên 5,2% trong năm nay. Các hoạt động sản xuất công nghiệp và tiêu dùng nội địa trong tháng 9 đã đảo chiều tăng mạnh, nhờ Chính phủ Trung Quốc áp dụng các chính sách khôi phục và phát triển kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. 

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ ở mức 4,8% vào năm 2024.

Hoạt động tiêu dùng ở Trung Quốc tăng mạnh những tháng gần đây. 

 

Biến đổi khí hậu: Bắc Cực trải qua mùa Hè ấm nhất trong lịch sử

Ngày 12-12, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố báo cáo cho thấy nhiệt độ không khí bề mặt ở Bắc Cực mùa Hè năm 2023 đã lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong báo cáo đánh giá thường niên về khí hậu Bắc Cực, NOAA cho biết nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực từ tháng 7-9 năm nay là 6,4 độ C, mức cao nhất kể từ khi các dữ liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 1900. Nhiệt độ trung bình mùa Hè ở Bắc Cực đã tăng 0,17 độ C mỗi thập niên. Nhìn chung, 2023 là năm ấm thứ 6 được ghi nhận ở Bắc Cực. Diện tích băng biển cũng tiếp tục giảm, trong đó các tháng 9 của 17 năm trở lại đây chứng kiến lượng băng biển thấp kỷ lục.

Báo cáo của NOAA dẫn những dữ liệu về mức tăng kỷ lục của nhiệt độ trung bình bề mặt đại dương và đất liền trên phạm vi toàn cầu trong năm 2023, cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ các hoạt động của con người. Theo NOAA, nhiệt độ toàn cầu gia tăng đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cộng đồng dân cư trên khắp Bắc Cực, khiến khu vực này ngày càng ấm hơn, ít băng giá hơn và hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn.

Cũng theo NOAA, số lượng cá hồi Tây Alaska đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong giai đoạn 2021-2022, với nguyên nhân được cho là do sự thay đổi khí hậu trong hệ sinh thái biển.

Ảnh: Getty Images

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết