11/10/2024 - 20:11

Khi nông dân đưa máy bay lên ruộng 

Nhiều năm gần đây, nông dân Kiên Giang dùng drone (máy bay không người lái) để sạ lúa, phun thuốc, bón phân, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo lịch thời vụ. Từ chỗ lạ lẫm, ngại ngần, giờ đây nhiều nông dân chính hiệu không chỉ đầu tư hàng tỉ đồng trang bị drone phục vụ ruộng nhà mà còn làm dịch vụ.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Ông Trương Trọng Tú, ngụ ấp Cạn Ngọn, xã Thạnh Yên (huyện U Minh Thượng) kể: "Năm 2020, khi có người ngỏ lời làm dịch vụ sạ lúa, xịt thuốc cho ruộng tôi bằng máy bay, tôi từ chối vì cho rằng máy bay trên trời mà sao sạ lúa được, sạ kiểu đó chắc lúa giống bay qua ruộng kế bên hết. Còn xịt thuốc thì bình thuốc chứa có mấy chục lít nước thuốc mà lại bay vù vù trên trời, rồi phun thuốc xuống, gió làm thuốc bay đi hết, không ướt được lá lúa làm sao mà trừ sâu, đặc biệt là con rầy nâu, thường thì tôi phải phun thuốc 2 bình máy loại bình 25 lít/công đất mà còn chưa trị được".

Ông Lâm Văn Minh (bên phải) đang làm dịch vụ sạ lúa vụ mùa cho nông dân xã Đông Thái (huyện An Biên).

Là người ham học hỏi, ông Tú tìm hiểu về drone qua báo, đài, đồng thời, lân la trao đổi với một số nông dân đã sử dụng trước đó rồi dần thay đổi suy nghĩ. "Có lần thấy drone đang xịt thuốc cho lúa bị rầy nâu, tôi xem thì con rầy ở dưới lúa nằm sát gốc mà drone ở trên nó liệt con rầy phải bay ra, thuốc từ trên chụp xuống. Tôi kêu ông chủ drone qua xịt cho tôi thử 10 công đất đang bị rầy, xịt rồi tôi ra coi là con rầy té liền, từ đó tôi xịt bằng máy bay luôn" ông Tú nói.

Trước đây, việc sạ lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật cho ruộng lúa chủ yếu sử dụng lao động từ 2-3 người làm việc cật lực trong 3-4 giờ mới xong 1ha lúa. Từ khi đưa drone vào đồng ruộng, nông dân chỉ cần ngồi bờ ruộng điều khiển, chỉ tầm 1 giờ là xong công việc sạ lúa, bón phân xịt thuốc cho 1ha. Việc sạ lúa, bón phân, phun thuốc bằng máy bay vừa nhanh, vừa nhẹ chi phí, giảm công lao động, chủ động trong khâu chăm sóc lúa.

Ông Nguyễn Văn Đại, ngụ ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước (huyện Hòn Đất) nói: "Từ khi sử dụng máy bay, tôi khỏe re. Trước đây mỗi lần phun thuốc trừ sâu, chi phí thuê nhân công là 20.000 đồng/bình thuốc, 4ha đất cần 80 bình, tổng chi phí thuê nhân công là 1,6 triệu đồng và mất 1 ngày mới xong. Đó là chưa kể những khi trời mưa phải bỏ dở việc nửa chừng". Từ ngày thuê dịch vụ drone, 4ha ruộng ông Đại chỉ tốn 640.000 đồng và chỉ cần 1 buổi sáng là hoàn tất. Khi cần phun thuốc gấp, đối với những loại sâu bệnh lây lan nhanh như đạo ôn, rầy nâu vẫn có thể thuê dịch vụ drone xịt thuốc cả ban đêm. Ông Đại khẳng định phun thuốc bằng máy bay đặc biệt hiệu quả trong diệt cỏ dại, bệnh đạo ôn và rầy nâu hại lúa.

Tăng lợi nhuận

Do hiệu quả mang lại được chứng minh trong thực tế, nhiều nông dân tin dùng nên dịch vụ bằng drone phát triển. Anh Mai Hữu Trang, ngụ ấp Cạn Ngọn, xã Thạnh Yên (huyện U Minh Thượng) làm dịch vụ drone được 2 năm. Anh Trang cho biết: "Trước đây tôi cũng làm ruộng sử dụng máy bay để chăm sóc lúa, thấy được hiệu quả nên tôi gom góp tiền bán lúa mấy vụ được 450 triệu đồng mua drone vừa phục vụ ruộng nhà, vừa làm dịch vụ kiếm thêm thu nhập". Công suất mỗi drone sạ lúa 20ha/ngày, phun thuốc 50ha/ngày.

Theo anh Trang, làm dịch vụ bằng drone chỉ cần sau một năm có thể thu hồi vốn nhưng khó khăn, vất vả trong nghề cũng không phải ít. Tùy mật độ sạ mà người điều khiển drone lập trình phù hợp để lúa sạ được đều, tránh chỗ thưa chỗ dày, ít tốn công cấy giặm. Người điều khiển drone cần phải am hiểu từng loại sâu bệnh, từng giai đoạn phát triển của cây lúa để điều chỉnh béc phun thuốc phù hợp. Ngoài ra, tùy theo cường độ gió thổi trên đồng mà chọn cách bay cao hay thấp để lượng thuốc phun cho lúa được phủ đều trên cây lúa, giúp nâng cao hiệu quả phòng trị bệnh. "Khi vào vụ đông ken, ai cũng muốn ruộng mình được xịt thuốc, rải phân sớm nên việc sắp xếp lịch làm sao cho hài hòa lợi ích của bà con cũng là một việc khó. Những lúc như vậy phải bay cả ban đêm mới kịp", anh Trang nói.

Trong 3 năm làm dịch vụ bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh Lâm Văn Minh, ngụ thị trấn Thứ Ba (huyện An Biên) trải qua lắm chuyện vui buồn. "Có đêm mệt mỏi rã rời nhưng vẫn phải cố gắng phục vụ bà con cho kịp thời vụ. Có khi đang bay gặp phải chim cò va chạm với drone làm hư máy. Nhẹ thì mất vài triệu đồng, nặng thì cả chục triệu đồng vì các linh kiện của drone đều là hàng công nghệ cao nên rất đắt tiền. Nhưng cũng có nhiều niềm vui, ngoài thu nhập khá thì niềm vui của nghề là khi nhìn thấy nông dân trúng mùa, được giá. Vì tôi cũng làm ruộng nên hiểu được nỗi cơ cực của nông dân khi làm ra hạt lúa".

Bài, ảnh: ĐẶNG LINH

Chia sẻ bài viết