Ngày càng nhiều du khách tìm đến những nơi đau buồn trên thế giới như địa điểm xảy ra các cuộc tấn công khủng bố, vùng chiến sự cũng như khu vực thảm họa. Giới chuyên gia gọi xu hướng đáng lo ngại này là du lịch tưởng niệm.
Một địa điểm du lịch tưởng niệm tại khu định cư nông nghiệp Nir Oz ở Israel. Ảnh: AAP
Đáng chú ý, người ta còn lập ra trang web riêng và có cả hướng dẫn viên chuyên nghiệp cho loại hình du lịch này. Sở dĩ du khách chọn đến những nơi đau buồn là nhằm để thể hiện lòng tiếc thương, sự tưởng nhớ và tôn vinh những người đã khuất nhưng cũng có những người đến đó chỉ để tìm niềm vui từ nỗi đau của người khác.
Lâu nay, du khách thường đến thăm những nơi như Đài tưởng niệm Auschwitz-Birkenau (Ba Lan), nơi 2 Tòa tháp đôi cao 110 tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York (Mỹ) bị phá hủy trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001, Nhà tù Đảo Robben (Nam Phi) hay nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine). Song, du khách ngày càng chuộng đến thăm các điểm đến liên quan đến các cuộc chiến đang diễn ra.
Kể từ khi các tay súng Hamas kiểm soát Dải Gaza ngày 7-10 năm ngoái bất ngờ tràn vào miền Nam Israel, giết chết khoảng 1.200 người và bắt hơn 250 người làm con tin, những người nổi tiếng và khách du lịch đã ồ ạt đến thăm các địa điểm liên quan, chẳng hạn như lễ hội âm nhạc Nova ở Israel và hay khu định cư nông nghiệp Nir Oz ở Palestine. Khi đến đây, du khách có thể tận mắt chứng kiến khung cảnh hoang tàn sau các vụ tấn công. Đáng chú ý, thành phố Sderot, nơi bị các tay súng Hamas tấn công, còn cung cấp những “chuyến tham quan phục hồi”, cho phép du khách kết nối với những người còn sống sót sau vụ tấn công ngày 7-10.
Những địa điểm tương tự ở Ukraine, chẳng hạn như Donbass, cũng được khách du lịch quan tâm. Khi đến tham quan Donbass, du khách sẽ được cung cấp “cái nhìn trực tiếp về tác động của chiến tranh đối với người dân địa phương”. Trong khi đó, khi đến thăm thủ đô Kiev, họ sẽ được nhìn thấy các thiết bị quân sự bị phá hủy cũng như những gì còn sót lại sau các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Những chuyến tham quan nói trên có nhiều tên gọi khác nhau nhưng một công ty của Israel gọi là “chuyến tham quan đoàn kết” nhằm khơi gợi sự đồng cảm với những người đã khuất hoặc những người không may mắn mất đi người thân yêu. Riêng đối với những người Israel, việc tham quan các khu vực bị tấn công còn mang ý nghĩa nêu cao tinh thần đoàn kết của người dân trong bảo vệ biên giới. Đối với họ, bất kỳ sự vi phạm nào đối với đường biên giới hay bất kỳ cảm giác mất kiểm soát nào cũng đều khơi dậy nỗi kinh hoàng trong quá khứ. Nó làm dấy lên “bóng ma” của Holocaust, cuộc diệt chủng người Do Thái châu Âu do chế độ Đức Quốc xã thực hiện hồi Thế chiến thứ hai, dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người, gồm 3 triệu nam giới, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)