10/10/2024 - 09:12

Xử lý nghiêm vi phạm hành chính, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội 

Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) ở quận Thốt Nốt đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nhận thức của cá nhân, tổ chức đối với việc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Ðoàn công tác của UBND TP Cần Thơ kiểm tra, khảo sát công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật và quản lý XLVPHC năm 2024, tại quận Thốt Nốt. 

Đầu năm 2024, bà H.T.N ngụ phường Trung Kiên, tự ý trồng cây lâu năm trên đất trồng lúa. Vụ việc đã được UBND phường lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt 3,5 triệu đồng. UBND phường còn buộc bà N giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm và phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Chấp hành quyết định xử phạt, bà N nói: “Được cán bộ tuyên truyền, tôi biết được hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất của mình là sai. Vì vậy, tôi đã chấp hành quyết định xử phạt và thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật”. Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND phường Trung Kiên ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc áp dụng pháp luật về XLVPHC của các lực lượng chức năng có thẩm quyền đều tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Thời gian qua, UBND quận Thốt Nốt luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bố trí đầy đủ nguồn nhân lực phụ trách công tác quản lý XLVPHC thuộc lĩnh vực phụ trách; cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác XLVPHC do Sở Tư pháp tổ chức. Đồng thời, tạo điều kiện đảm bảo việc thi hành XLVPHC thuận lợi, hiệu quả… Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND quận ban hành 58 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt 936 triệu đồng. Trong đó, 39/58 quyết định đã thực hiện xong, đạt tỷ lệ 67,24%, số tiền nộp phạt hơn 410 triệu đồng…

Theo bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội và kỷ cương trên các lĩnh vực, phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, một số cá nhân vi phạm còn chậm hoặc không quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nguyên nhân do người dân khó khăn về kinh tế, đi lao động ở ngoài địa phương, mức phạt tiền trong lĩnh vực vi phạm cao nên không có khả năng nộp phạt. Một số quy định pháp luật liên quan đến thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả chưa phù hợp. Cụ thể, một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong vòng 30 ngày để xin phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng nhưng hồ sơ của người dân có liên quan đến thủ tục thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất thì không thể thực hiện kịp. Việc thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định còn gặp nhiều khó khăn, do điều kiện kinh tế của một số trường hợp vi phạm rất khó khăn, không có nơi ở khác hoặc không có mặt ở địa phương…

Thực tế ở địa phương cho thấy các quy định pháp luật về XLVPHC vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, cần được sửa đổi, bổ sung, quy định chặt chẽ, để quá trình thực hiện công tác này được thuận lợi, đồng thời thể hiện sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần thường xuyên mở lớp tập huấn, triển khai các văn bản có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ XLVPHC giúp cán bộ, công chức cấp cơ sở nắm rõ các quy trình, thủ tục, biểu mẫu XLVPHC, để thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

 

Chia sẻ bài viết