22/02/2021 - 05:56

Thổ Nhĩ Kỳ muốn hòa giải với Mỹ 

Trong một động thái nhún nhường hiếm thấy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (ảnh) tuyên bố lợi ích chung giữa Ankara và Washington vượt xa điểm khác biệt giữa hai nước, đồng thời bày tỏ nguyện vọng muốn cải thiện hợp tác với Mỹ.

Phát biểu trên truyền hình ngày 20-2, Tổng thống Erdogan nói: “Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi tin rằng lợi ích chung của chúng tôi với Mỹ vượt xa sự khác biệt trong quan điểm giữa hai bên”. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh Ankara muốn tăng cường hợp tác lâu dài với Mỹ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và cam kết “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện vai trò của mình phù hợp với mối quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược giữa hai nước”. Nhà lãnh đạo này cũng thừa nhận quan hệ song phương đã bị “thử thách nghiêm trọng” trong vài năm gần đây.

Mối quan hệ giữa hai thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này thời gian qua căng thẳng do nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, theo Reuters. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc mua S-400 là cần thiết vì họ không thể mua hệ thống phòng không từ bất kỳ đồng minh nào trong NATO, kể cả hệ thống Patriot của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ cảnh báo S-400 sẽ đe dọa các chiến đấu cơ tối tân F-35, cũng như hệ thống phòng thủ mở rộng của NATO. Thế nên Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất F-35 trị giá 398 tỉ USD với sự tham gia của 15 nước. Không lực Mỹ đã mua lại 8 chiếc F-35A được chế tạo theo đơn đặt hàng của Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký hợp đồng với hãng luật Mỹ Arnold & Porter nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trong chương trình sản xuất máy bay tiêm - cường kích tàng hình này.

Vấn đề người Kurd cũng gây khó cho bang giao Mỹ - Thổ. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Mỹ ủng hộ Lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria. Trong khi Washington sử dụng YPG để đối phó với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) thì Ankara xem đây là nhóm khủng bố. Việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công YPG hồi năm 2019 đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải thốt lên rằng NATO đang “chết não” vì không có sự hợp tác giữa các thành viên.

Thật ra, trong NATO, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ bất đồng với Mỹ. Cuối năm ngoái, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp trắc trở tới mức Paris đã triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đến để phản đối. Nguyên nhân bắt nguồn từ những bình luận của Tổng thống Macron về tình trạng Hồi giáo cực đoan tại Pháp và sau đó là sự đáp trả của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. “Vấn đề của ông Macron với đạo Hồi và những người theo đạo Hồi là gì? Macron cần điều trị tâm thần”, ông Erdogan thẳng thừng chỉ trích. Theo truyền thông quốc tế, Tổng thống Erdogan lâu nay không giấu tham vọng làm thủ lĩnh thế giới Hồi giáo.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn có tranh chấp lãnh hải gay gắt với một thành viên khác trong NATO là Hy Lạp.

Do vậy, kịch bản NATO không có Thổ Nhĩ Kỳ không phải chưa từng được đặt ra. Nhưng chắc chắn đây là điều liên minh quân sự 72 năm tuổi này chẳng hề mong muốn. Trong số 30 quốc gia thành viên NATO hiện nay thì Thổ Nhĩ Kỳ là nước có quân đội lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ. Đó là chưa kể vị trí địa lý cho phép Ankara “điều tiết” lượng người di cư đổ vào các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết