04/12/2012 - 19:49

Thêm nhiều hy vọng để chữa bệnh suy giảm thính lực

Mặc dù chứng lãng tai hoặc mất thính lực hiện đang ảnh hưởng tới gần 1/3 dân số trong độ tuổi 65-74 và gần 50% số cụ ông cụ bà trên 75 tuổi, nhưng việc thương mại hóa các loại thuốc chữa trị trước nay vẫn còn bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên tin vui là hiện tại, các hãng dược phẩm đã và đang bắt đầu để mắt tới thị trường gần như bị lãng quên trong ngành công nghiệp dược trước tình trạng dân số già đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới.

 Ảnh: actiononhearingloss

Các chuyên gia cho biết, mục tiêu đầu tiên mà những loại thuốc nhắm đến sẽ bao gồm những đối tượng bị khiếm thính do thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc do tác dụng phụ của phương pháp hóa trị trong quá trình chữa bệnh ung thư. Hồi năm 2005, công ty sinh học Auris Medical của Thụy Sĩ được xem là hãng dược tiên phong trong lĩnh vực này khi cho biết họ đã đạt được kết quả tích cực trong quá trình thử nghiệm loại thuốc AM-111 chữa trị tình trạng mất thính giác cấp tính hoặc điếc đột ngột trên 210 bệnh nhân. Kết quả đáng khích lệ mà Auris và công ty đối thủ công nghệ sinh học có được đã gây được sự chú ý cho các công ty dược phẩm lớn.

Theo đó, hãng dược phẩm khổng lồ của Mỹ Pfizer mặc dù vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng nhưng được cho là công ty có những bước tiến bộ nhất khi cho ra đời loại thuốc chữa trị mất thính giác do tuổi già bằng cách phục hồi và cải thiện những tế bào nhận dạng âm thanh khi chúng dần bị mất chức năng theo quá trình lão hóa. Tương tự, một số đối thủ cạnh tranh với Pfizer cũng không hề kém cạnh, chẳng hạn hãng dược phẩm Sanofi (Pháp) hồi năm ngoái đã tiến hành ký kết nghiên cứu hai năm với công ty công nghệ sinh học tư nhân Therapeutics Audition của Hà Lan, trong đó nhắm đến mục tiêu phát triển thuốc dạng phân tử có khả năng cải thiện thính giác. Gần đây nhất, hãng bào chế dược phẩm Roche có trụ sở ở Thụy Sĩ cũng cho biết đã hợp tác với công ty đầu tư Ventures Versant và công nghệ sinh học Inception Sciences hướng tới mục tiêu tìm kiếm các phân tử có khả năng bảo vệ chức năng và tái sản sinh các tế bào đặc biệt vốn đóng vai trò truyền tín hiệu âm thanh đến não trong ốc tai và tai trong. Trước đó, hãng bào chế thuốc Novartis và trung tâm nghiên cứu GenVec của Mỹ từng đạt thành tựu khi khôi phục lại tế bào truyền tải âm thanh bằng phương pháp cấy gien. Ngoài ra, sự gia nhập và phối hợp cùng ngành dược phẩm của các công ty thiết bị điện tử hỗ trợ người khiếm thính có thể thổi làn gió mới về hy vọng phục hồi thính lực cho bệnh nhân.

Đối với những nỗ lực chữa lãng tai hoặc điếc bằng kỹ thuật sinh học, chuyên gia về tai thuộc Trường Đại học Berne (Thụy Sĩ) Pascal Senn nhận xét phương pháp tái tạo tế bào - chẳng hạn như tiêm tế bào gốc vào trong tai hoặc can thiệp bằng hóa chất để biến đổi các gien kiểm soát sự phát triển của tế bào – vẫn còn nhiều hạn chế. Ông cho biết những thí nghiệm trên chuột gần đây hứa hẹn nhiều tín hiệu khả quan nhưng khả năng tái tạo trên người vẫn chưa bảo đảm. Nhưng điều đáng mừng là các phương pháp điều trị bằng thuốc sẽ có thể đáp ứng nhu cầu khôi phục khả năng nghe của hàng triệu bệnh nhân trong vài năm nữa.

VI VI (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết