25/11/2018 - 16:42

Thay đổi tập quán sản xuất lúa 

Vụ đông xuân 2018-2019, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã triển khai xây dựng 4 mô hình trình diễn - đánh giá các cách xuống giống khác nhau và các tiêu chuẩn của kỹ thuật canh tác mới “1 phải, 5 giảm” ở huyện Cờ Đỏ. Mô hình mẫu này sẽ giúp nông dân trên địa bàn thành phố sản xuất lúa hàng hóa ngày càng hiệu quả hơn.


Áp dụng phương thức cấy lúa bằng máy cấy tại mô hình sản xuất của nông dân Tạ Hữu Danh. Ảnh: ANH KHOA

Trong vụ đông xuân 2017-2018, Dự án VnSAT, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai xây dựng mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại huyện Vĩnh Thạnh; chọn 4 hộ nông dân của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Huỳnh Phúc (xã Thạnh Lợi) và HTX Nông nghiệp Hiếu Bình (xã Thạnh An) tham gia. Mỗi hộ tham gia với diện tích 1ha để so sánh hiệu quả việc áp dụng cơ giới hóa trong gieo sạ; gồm các phương pháp gieo sạ như: sạ bằng máy sạ hàng và dụng cụ sạ hàng (100kg/ha), sạ bằng máy phun hạt (130 kg/ha), cấy bằng máy (40 kg/ha) và sạ lan bằng tay (150 kg/ha). Ngoài ra, kết hợp với mô hình ứng dụng cơ giới hóa giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại huyện Vĩnh Thạnh, ngành nông nghiệp thành phố cũng triển khai thực hiện mô hình ứng dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất lúa (trong khuôn khổ Dự án VnSAT) tại đây.

Sau khi thu hoạch, hiệu quả kinh tế cụ thể của 4 phương pháp sạ và mật độ sạ là: ruộng cấy máy (40 kg/ha) tổng chi phí đầu tư 20,33 triệu đồng/ha, năng suất rất cao 11,2 tấn, với giá lúa tươi 6.200 đồng/kg cho thu nhập 69,44 triệu đồng, lợi nhuận đạt 49,1 triệu đồng/ha. Ruộng sạ hàng (100 kg/ha) tổng chi phí đầu tư hơn 15,21 triệu đồng/ha, năng suất 10,32 tấn, với giá lúa tươi 6.200 đồng/kg cho thu nhập 63,98 triệu đồng, lợi nhuận đạt 48,67 triệu đồng/ha. Ruộng sử dụng máy phun hạt (130 kg/ha) tổng chi phí đầu tư hơn 14,52 triệu đồng/ha, năng suất 8,95 tấn, với giá lúa tươi 5.700 đồng/kg cho thu nhập 51,01 triệu đồng, lợi nhuận đạt 36,48 triệu đồng/ha. Ruộng sạ tay (150 kg/ha) tổng chi phí đầu tư hơn 18,06 triệu đồng/ha, năng suất 8,93 tấn, với giá lúa tươi 5.700 đồng/kg cho thu nhập 50,9 triệu đồng, lợi nhuận đạt 32,84 triệu đồng/ha.

Đến vụ đông xuân năm nay (đông xuân 2018-2019), Dự án VnSAT, ngành nông nghiệp thành phố đang tiếp tục triển khai xây dựng 4 mô hình trình diễn - đánh giá các cách xuống giống khác nhau và các tiêu chuẩn của kỹ thuật canh tác mới “1 phải, 5 giảm” ở huyện Cờ Đỏ. Mỗi một mô hình gồm có 4 nghiệm thức (4 lô đất, mỗi lô là 0,5ha): sạ hàng với mật độ sạ 100 kg/ha, sạ tay mật độ 100 kg/ha, sạ bằng máy phun hạt mật độ 100 kg/ha và cấy bằng máy cấy mật độ 60 kg/ha. Bốn mô hình thực hiện tại ruộng của 4 nông dân gồm: Tạ Hữu Danh, Trương Văn Nhiên, Lê Văn Út (cùng ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ) và nông dân Nguyễn Đức Tân (xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ).

Những mô hình này nhằm xác định các cách xuống giống tốt nhất trong cánh đồng thông qua việc đánh giá và phân tích so sánh các thực hành xuống giống khác nhau như: dùng cụ sạ hàng, sạ tay, sử dụng máy gieo hạt và máy cấy, qua đó đề xuất công nghệ thích hợp cho vùng ĐBSCL. Đồng thời, sử dụng Công cụ đánh giá vòng đời để phân tích lợi ích chi phí, hiệu quả năng lượng và ô nhiễm môi trường. Đánh giá và chứng minh lợi ích của việc áp dụng tất cả cách thực hành nông nghiệp tốt nhất, bao gồm tiêu chuẩn “1 phải, 5 giảm” của Dự án VnSAT như tưới ngập khô xen kẽ và các hoạt động giảm thất thoát sau thu hoạch. Ngoài hướng dẫn nông dân thực hiện thí nghiệm, Dự án VnSAT còn tổ chức hội thảo đầu bờ và báo cáo kết quả các thử nghiệm vào cuối vụ.

Ông Tạ Hữu Danh- nông dân tham gia mô hình cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây ông chỉ còn sạ với mật độ khoảng 15 kg/công. Thông qua các lớp tập huấn “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” do ngành nông nghiệp và Dự án VnSAT tổ chức, ông cũng nắm bắt được và ứng dụng các kỹ thuật canh tác mới này vào sản xuất lúa. Những năm gần đây, lúa giống của ông Danh sản xuất chủ yếu bán cho các doanh nghiệp, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất lúa thường. Làm lúa giống phải sạ thưa để đảm bảo lúa chắc hạt, tham gia mô hình của Dự án VnSAT lần này ông cũng rất an tâm, không lo sạ thưa năng suất thấp. Mô hình này cũng giúp ông kiểm nghiệm xem phương pháp sạ nào là tối ưu nhất để áp dụng trong sản xuất lúa thời gian tới. 

Còn nông dân Trương Văn Nhiên cho biết: Tham gia mô hình ngoài được hỗ trợ lúa giống, hỗ trợ cấy, nông dân còn được cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp hướng dẫn quy trình canh tác mới, sản xuất lúa đạt hiệu quả hơn. Trước đây, ông đã tham gia học 3 lớp “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” và về áp dụng sạ thưa với mật độ 15 kg/công tầm lớn, bón phân cân đối và hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật (40 ngày đầu không phun thuốc…). Vì vậy, qua tham gia mô hình lần này, ông mong muốn sẽ nắm bắt kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm” tốt hơn, giúp ông giảm chi phí và tăng lợi nhuận hơn nữa trong sản xuất lúa.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết