30/06/2012 - 08:59

Tái cấu trúc, giải quyết bài toán tăng trưởng

Các DN trên địa bàn TP Cần Thơ đang nỗ lực để vượt qua khó khăn về vốn, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: MINH HUYỀN

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể ở TP Cần Thơ đã tăng 12,72% so cùng kỳ năm 2011, với số vốn đăng ký cũng tăng 1,64 lần so cùng kỳ. Bên cạnh đó, không ít DN đang trong tình trạng thua lỗ. Đây chính là thời điểm DN cần đầu tư, tái cấu trúc để vượt qua sóng gió…

DN hoạt động “cầm hơi”

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, ước đến cuối tháng 6-2012, số lượng DN giải thể trên địa bàn thành phố là 633 DN và 533 đơn vị trực thuộc với tổng vốn đăng ký trên 1.174 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm có 428 DN và 115 đơn vị trực thuộc đăng ký kinh doanh mới, với tổng vốn đăng ký hơn 4.608 tỉ đồng. Đến nay, tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố là 9.297 DN và 2.269 đơn vị trực thuộc, tổng vốn đăng ký trên 33.704 tỉ đồng. Trong số DN còn đang hoạt động kinh doanh nhưng bị thua lỗ theo quyết toán thuế thu nhập DN năm 2011 (do Cục thuế thành phố quản lý) khoảng 220 DN với tổng số lỗ hơn 977,9 tỉ đồng.

Các chính sách tài khóa, tiền tệ đã được áp dụng như: giãn, giảm thuế, hạ lãi suất cho vay... đã được áp dụng, song, các chính sách này đều có độ trễ nhất định, nên DN vẫn chưa được hưởng lợi. Tái cấu trúc lại hoạt động của DN, tận dụng ngách thị trường để phát triển là những khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế đối với DN. Tác động kép từ thị trường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sụt giảm, lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức cao trong thời gian dài khiến DN suy kiệt vốn, hiệu quả kinh doanh không cao, hàng tồn kho lớn.

Theo phản ánh của một số DN trên địa bàn thành phố, mặc dù lãi suất cho vay hiện tại được điều chỉnh giảm, nhưng DN vẫn khó tiếp cận được lãi suất này do hạn mức vay đã hết và chưa đến kỳ đáo hạn nợ, một số DN đang trong tình trạng thua lỗ, nên không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ cũ cho ngân hàng để vay nợ mới. Bên cạnh đó, dù một số ngân hàng thương mại đang thực hiện cơ cấu lại nợ cho DN nhưng cũng không có nghĩa là DN nào cũng được cơ cấu lại nợ và dòng tiền vẫn chưa thể lưu thông nhanh vào nền kinh tế thời điểm này. Nhiều DN phải hoạt động cầm hơi để chờ chính sách tái cơ cấu lại nợ của ngân hàng, tổng cầu của nền kinh tế tăng trở lại, thị trường xuất khẩu khởi sắc.

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, qua khảo sát của NHNN Chi nhánh Cần Thơ đối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố về việc cho vay đối với các DN vừa và nhỏ cho thấy có 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng DN khó vay vốn. Điển hình là: tình hình tài chính của DN thiếu minh bạch, thiếu tài sản thế chấp, phương án kinh doanh không khả thi, thiếu vốn tự có để tham gia dự án khi muốn vay vốn, lãi suất cao. Trong 5 nguyên nhân này thì khó khăn về lãi suất đang được các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tháo gỡ, 4 khó khăn còn lại DN phải tự tháo gỡ.

Tái cấu trúc, giải quyết bài toán tăng trưởng

Tính đến cuối tháng 6-2012, tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế ước đạt 43.200 tỉ đồng, tăng 6,1% so với đầu năm 2012. Tổng huy động vốn đạt 29.900 tỉ đồng, tăng 6,4% so đầu năm và đáp ứng 69,2% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh Cần Thơ, DN đang khó vay vốn thì ngân hàng cũng khó trong việc huy động vốn, trong khi đó, nợ xấu đang tăng, hiện nợ xấu chiếm khoảng 3% trong tổng dư nợ cho vay (đầu năm 2012 nợ xấu chỉ chiếm 1,9%). Đây là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Cần Thơ, tình trạng nợ xấu đang gia tăng cũng khiến hoạt động của hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng.

Vấn đề hiện nay là cần giải pháp khả thi để giải quyết nợ xấu, giúp dòng tiền lưu thông nhanh trong nền kinh tế, gỡ khó cho DN. Tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là vấn đề lớn được đặt ra hiện nay để giải quyết khó khăn của nền kinh tế, vực dậy sản xuất của DN. Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh Cần Thơ, chi nhánh đang rà soát lại các khoản nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn và theo dõi tình hình triển khai cho vay theo mức lãi suất ưu đãi để kịp thời gỡ khó cho DN trong phạm vi mà NHNN có thể làm được. Tại cuộc gặp gỡ và đối thoại với DN trên địa bàn TP Cần Thơ mới đây, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các ngành chức năng, NHNN chi nhánh Cần Thơ tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động của các DN để tháo gỡ khó khăn cho DN, giải quyết an sinh, việc làm cho người lao động.

Hiện đa số các sản phẩm có đóng góp lớn trong GDP và kim ngạch xuất khẩu đều là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, khoáng sản, các sản phẩm công nghiệp sơ chế, dịch vụ phục vụ tiêu dùng thâm dụng nhiều lao động phổ thông. Chế biến nông thủy sản xuất khẩu là thế mạnh của các DN vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có đóng góp rất lớn của DN TP Cần Thơ. Trong nhóm DN khó khăn và cần được giải cứu của thành phố được xác định là DN lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến... Bên cạnh những nỗ lực tự thân của DN để vượt qua khó khăn về vốn, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm thì rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ các ngành chức năng, ngân hàng trong việc cung cấp thông tin chính xác về cung- cầu thị trường, tái cơ cấu lại nợ...

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tại cần sử dụng giải pháp tiền tệ để giải quyết nợ xấu đang gia tăng nhanh trong hệ thống ngân hàng. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng đang giảm, chứng tỏ việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ đang khá tốt, nhưng một số chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng nếu sử dụng không khéo các chính sách tài khóa, tiền tệ thì lạm phát có khả năng quay trở lại. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khẳng định Việt Nam cần cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó quan trọng là quản lý đầu tư công hiệu quả; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh... là một trong những hạt nhân quan trọng cho kinh tế tăng trưởng.

GIA BẢO

Các DN trên địa bàn TP Cần Thơ đang nỗ lực để vượt qua khó khăn về vốn, tìm thị trường tiêu thụ s&#

Chia sẻ bài viết