01/04/2013 - 20:50

Tắc đầu ra, hành tím lại rớt giá

Một bên là những đống hành củ to, màu sắc tím rịm cho thấy sự trúng mùa và chất lượng cao, một bên là gương mặt đầy lo lắng của doanh nghiệp xuất khẩu hành và nỗi buồn của người trồng hành. Hai hình ảnh trái ngược nhau đó chính là hệ quả của một vụ hành trúng mùa, nhưng thất giá vì bí đầu ra.

Hành tím chất đầy kho doanh nghiệp và hai bên lề đường, do khó khăn đầu ra. 

Chỉ còn thu hoạch trên dưới 400ha nữa là mùa hành tím chính vụ ở Vĩnh Châu kết thúc với năng suất bình quân ước đạt gần 19 tấn/ha. Như vậy, đã có gần 100.000 tấn hành được thu hoạch và còn khoảng 8.000 tấn nữa là kết thúc vụ hành tím thương phẩm 2013 ở Vĩnh Châu. Thế nhưng, từ đầu vụ đến nay hầu như chưa có doanh nghiệp xuất khẩu nào có được hợp đồng vượt quá 200 tấn. Anh Trịnh Đức Vinh, Giám đốc DNTN Đức Vinh, đứng ngồi không yên vì lượng hành nhập kho hiện tại đã gần 800 tấn. Nhưng đến cuối tháng 3 chỉ có thể xuất được khoảng 6 container (28-29 tấn/container) sang Indonesia. Anh Vinh sốt ruột nói: "Phía Indonesia chỉ cấp hạn ngạch nhập hành một cách nhỏ giọt, nên lượng tiêu thụ rất chậm, khiến giá hành trong nước cũng giảm mạnh".

Do đầu ra nhỏ giọt, nên hiện tại, tại các kho của doanh nghiệp, đại lý, nhà dân và cả hai bên đường vùng trồng hành Vĩnh Châu đều đầy ắp hành. Đi đâu cũng thấy hành, cùng những lời than vãn của doanh nghiệp và người trồng hành về một vụ hành trúng mùa, nhưng khó tiêu thụ. Anh Trịnh Đức Vinh, Giám đốc DNTN Đức Vinh, than: "Đầu vụ đến giờ cứ mua vô một hai ngày là lỗ, vì giá hành cứ vài ba bữa là rớt vài ngàn đồng, nhưng cái đáng lo nhất là không biết có tiêu thụ hết được lượng hành đã mua hay không". Nỗi lo của nông dân trồng hành cũng không kém gì doanh nghiệp, khi bước vào thu hoạch hành chính vụ, giá hành còn ở mức 8.000 đồng/kg, nhiều nông dân còn tự tin chưa bán mà trữ lại chờ giá lên thêm, vì ở vụ hành sớm trước đó giá hành lên đến 18.000 đồng/kg.

Càng trữ, càng thấy lỗ, đến lúc bung ra bán thì gặp ngay lúc thu hoạch rộ, xuất khẩu khó, nên giá càng giảm. Hiện tại, hành loại tốt cũng chỉ được giá 6.000-6.300 đồng/kg, còn phổ biến chỉ ở mức 5.500 đồng/kg. Với mức giá trên, nếu đạt năng suất từ 20 tấn/ha trở lên và tiết giảm được chi phí thì có thể thủ hòa hoặc có lời chút ít, còn nếu không là cầm chắc lỗ vốn, vì chi phí sản xuất năm nay từ 100-120 triệu đồng/ha. Anh Lý Linh, ở phường Vĩnh Phước, cho biết: "Giá hành giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, công tưới cái gì cũng tăng hết, nhưng giá hành thì cứ giảm hoài, nên vụ hành này coi như thua nữa rồi. Không phải hộ làm bình thường mới lỗ đâu, hộ làm theo GlobalGAP cũng hổng có lời bao nhiêu hết". Vào đầu vụ, phía Indonesia ra thông báo chỉ có hành đạt chuẩn GlobalGAP mới được phép nhập vào nước này. Sau khi nhận được thông báo trên, khoảng 10 doanh nghiệp xuất khẩu hành trong nước đều hối hả thuê tư vấn xuống Vĩnh Châu thực hiện tiêu chuẩn này, vì Indonesia vốn là thị trường chủ lực tiêu thụ hành tím của Vĩnh Châu. Mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra từ 300-400 triệu đồng để thuê tư vấn hướng dẫn và được cấp chứng nhận GlobalGAP. Tiền tỉ đã được đầu tư, nhưng tất cả đều vỡ mộng khi hành đạt chuẩn GlobalGAP vẫn phải bị ách lại bởi chỉ tiêu hạn ngạch và giá bán vẫn không cao.

Hiện nay, phần lớn lượng hành được tiêu thụ chủ yếu là thị trường trong nước, thông qua các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, còn xuất khẩu thì rất ít. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước chưa phải là cao và việc mở thị trường mới cũng không ít khó khăn. Anh Trịnh Đức Vinh, Giám đốc DNTN Đức Vinh, chia sẻ: "Tôi cũng đã liên hệ một số đối tác ở Malaysia, nhưng cũng chỉ xuất được vài container rồi hết. Trung Đông là thị trường rất lớn, nhưng chúng ta không thể cạnh tranh được với Ấn Độ về giá thành do họ gần thị trường, chi phí vận chuyển thấp. Một số nước khác cũng có tiêu thụ hành, nhưng số lượng không nhiều, nên chi phí cũng sẽ rất cao". Theo các doanh nghiệp xuất khẩu hành, việc Indonesia đưa ra tiêu chuẩn GlobalGAP và hạn ngạch chỉ là chiêu bài để bảo hộ hàng sản xuất trong nước. Vì vậy, để tháo gỡ nút thắt này chỉ có thông qua con đường ngoại giao cấp Chính phủ, chứ bản thân doanh nghiệp là rất khó thực hiện được.

Năm nay, diện tích hành đã giảm hơn 1.000ha, nhưng giá hành vẫn cứ rớt dài dài và điệp khúc thua lỗ lại có dịp cất lên. Đã đến lúc các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần có sự phối hợp với nhau để có những chính sách cụ thể giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông sản có giá trị này, vì cứ mỗi năm thua lỗ, nông dân sẽ lại nghèo đi, tạo thêm gánh nặng về an sinh xã hội.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết