02/02/2016 - 09:46

Sốt xuất huyết tăng cao ở quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy

Tính đến ngày 29-1-2016, toàn TP Cần Thơ ghi nhận 74 ca sốt xuất huyết (SXH), so với cùng kỳ năm 2015 tăng 26 ca; trong đó 4/9 quận, huyện có số ca SXH tăng so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, dù đang mùa nắng nhưng quận Bình Thủy và quận Ninh Kiều có số ca mắc SXH tăng cao so với cùng kỳ...

Ngày 28-1-2016, đoàn cán bộ Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ đột xuất kiểm tra công tác triển khai chiến dịch phòng, chống dịch chủ động, trong đó trọng tâm là phòng, chống dịch bệnh SXH. Đoàn đến kiểm tra phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Đây là đơn vị có số ca SXH tăng cao. Tính từ đầu năm 2016 đến 29-1-2016, quận Ninh Kiều có 31 ca SXH, riêng phường Xuân Khánh ghi nhận 6 ca mắc SXH, 2 ổ dịch SXH. Số ca SXH tập trung ở khu vực 4 và 5. Theo đại diện lãnh đạo khu vực 5, toàn khu vực (kể cả tạm trú) có 512 hộ dân. Sáng 28-1, chính quyền khu vực huy động các ban, ngành, đoàn thể, cộng tác viên..., chia 2 nhóm đi vãng gia tuyên truyền, kiểm tra lăng quăng các dụng cụ chứa nước, vật phế thải... Trạm y tế phường phân công cán bộ giám sát các khu vực. Trước tình hình SXH diễn biến phức tạp, ngày 27-1, phường tiến hành phun thuốc diệt muỗi khu vực 5. Chị Triệu Khánh Dung, người dân sống ở hẻm 1, đường Mậu Thân, cho biết: "Cán bộ khu vực, y tế... đến kiểm tra và nhắc nhở thường xuyên việc diệt lăng quăng, diệt muỗi... để phòng bệnh SXH". Qua kiểm tra, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, nhắc nhở phường Xuân Khánh: "Ngày ra quân chiến dịch chưa đồng loạt ở các khu vực. Kiểm tra thực tế tại nhà dân, ít có lăng quăng nhưng vẫn còn muỗi dù mới phun thuốc diệt muỗi ngày 27-1. Qua đó chứng tỏ việc phun thuốc chưa phát huy hết hiệu quả, có nhà vẫn chưa được phun thuốc, còn muỗi trú ngụ". Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa nhắc nhở địa bàn phường Xuân Khánh rất đông dân thuê trọ. Vì thế, công tác vãng gia, phun thuốc phải chọn thời điểm thích hợp khi người dân có ở nhà và phải quay lại lần thứ hai nếu chủ nhà không có ở nhà. Trước khi phun thuốc, cần diệt lăng quăng, địa phương phát loa thông báo rộng rãi để vận động người dân mở cửa, mới có thể diệt sạch muỗi, mầm bệnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước nhà dân ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều.

Cũng ngày 28-1, đoàn đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh SXH phường An Thới, quận Bình Thủy. Tính từ đầu năm 2016 đến ngày 29-1, toàn quận có 21 ca SXH, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2015 có 2 ca). Riêng phường An Thới (tính đến 31-1) có 4 ca. Qua kiểm tra, phường tổ chức triển khai chiến dịch và ra quân thực hiện vãng gia đồng loạt các khu vực. Ở các khu vực, chính quyền cũng huy động lực lượng, chia nhóm đi vãng gia. Qua kiểm tra, đoàn lưu ý phường An Thới khẩn trương dập dịch ở khu vực 3. Từ đầu năm 2016 đến nay, khu vực 3 có 3 ca bệnh SXH, qua vãng gia, khu vực có nhiều lăng quăng, nguy cơ bùng phát dịch. Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa đề nghị trạm y tế khẩn trương tăng cường cộng tác viên (phụ trách chương trình y tế) về khu vực 3 để hỗ trợ vãng gia tuyên truyền, diệt lăng quăng. Sau khi vãng gia, kiểm tra, nếu chỉ số breteau (dụng cụ chứa nước có lăng quăng) còn 10 thì tiến hành phun thuốc diện rộng. Sau đó, 5 ngày tiếp tục triển khai đợt 2 để dập dịch. Theo kinh nghiệm khi dịch mới có thì phải dập ngay, không để lan rộng, rất khó khống chế. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố sẽ hỗ trợ phường An Thới phun thuốc diệt muỗi. Đại diện UBND phường An Thới cho biết: Để dập dịch ở khu vực 3, sáng ngày 29-1, phường huy động lực lượng vãng gia, tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng... Đồng thời, tiến hành phun thuốc diệt muỗi để diệt mầm bệnh trong ngày 30-1 .

Chiến dịch phòng, chống dịch chủ động diễn ra toàn thành phố từ ngày 28-1 đến 30-1-2016 với các mục tiêu cụ thể: giảm 10% số ca mắc SXH so với tháng trước; sau chiến dịch, chỉ số breteau đạt dưới hoặc bằng 10... Thành phố hỗ trợ kinh phí 25 xã, phường trọng điểm ở 8 quận, huyện (trừ huyện Vĩnh Thạnh do chưa có ca SXH nào). Sở Y tế đề nghị UBND các địa phương hỗ trợ kinh phí thực hiện ở các xã, phường còn lại. Sau đợt chiến dịch, thành phố và các quận, huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh phòng, chống bệnh SXH, chiến dịch được tổ chức để vận động người dân chủ động phòng, chống các bệnh (tay chân miệng, bệnh cúm A (H5N1, H7N9) và các bệnh lây truyền qua đường ăn uống)... Trong chiến dịch, trạm y tế kết hợp chính quyền ấp, khu vực, ban, ngành, đoàn thể, cộng tác viên chia nhóm vãng gia vận động người dân các nội dung như: Phòng các bệnh truyền qua muỗi đốt (SXH, viêm não Nhật Bản, sốt rét) bằng cách diệt lăng quăng; triệt bỏ nơi muỗi sinh sản và trú ẩn; xua diệt muỗi, phòng, chống muỗi đốt... Phòng các bệnh lây truyền qua đường ăn uống bằng cách ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thường xuyên diệt côn trùng như ruồi, gián... Khi phát hiện gia cầm bệnh hoặc chết, người dân phải báo cáo chính quyền địa phương; không tiếp xúc, làm thịt hay ăn gia cầm nghi mắc bệnh; không vứt xác gia cầm ra đường hoặc xuống sông...

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết