12/04/2019 - 08:46

Sản xuất theo tiêu chuẩn - bước đệm chinh phục thị trường 

Để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng an toàn, tăng sức cạnh tranh, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã hợp tác với các tổ chức quốc tế xây dựng bộ tiêu chuẩn LocalGAP... Hoạt động này không chỉ gắn kết các khâu trong các chuỗi giá trị mà còn nâng tầm giá trị cho nông sản Việt trong bối cảnh hội nhập.

 Áp dụng các tiêu chuẩn vào quy trình sản xuất để sản phẩm đạt chất lượng cao, chinh phục người tiêu dùng là hướng đi được nhiều doanh nghiệp triển khai.  

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, cho biết: Hiện các nhà bán lẻ trên thế giới kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng hàng hóa nông sản. Vì vậy, nếu muốn xuất khẩu hàng nông sản ra thế giới, đòi hỏi nông dân và doanh nghiệp phải quan tâm đến các chứng nhận quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ thực tế này, Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã liên kết với các tổ chức quốc tế xây dựng tiêu chuẩn LocalGAP áp dụng cho lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Bộ tiêu chuẩn này được chia thành 2 mức: cơ bản và chuyển tiếp với trọng tâm tập trung vào an toàn thực phẩm, có bao gồm truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện dựa trên các đánh giá rủi ro và thiết lập các biện pháp kiểm soát phù hợp. Cùng với đó là các yêu cầu liên quan đến môi trường, sức khỏe và an sinh người lao động,… Tham gia LocalGAP, thông tin của nông hộ sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu của GlobalGAP. Với uy tín toàn cầu của GlobalGAP, tiêu chuẩn LocalGAP sẽ tạo thuận lợi, nâng cao năng lực sản xuất của nông hộ, từng bước hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu.

LocalGAP sẽ tạo thuận lợi cho nông hộ sản xuất nhỏ - chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam có thể tham gia vào thị trường toàn cầu. Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia tiêu chuẩn của Hội Doanh nghiệp HVNCLC, cho biết: Khi bà đi thực tế đánh giá về nhận thức cũng như mức độ sẵn sàng trong việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn LocalGAP thì nhận được phản hồi khá tích cực từ phía nông dân. Đó là: Nếu không làm theo tiêu chuẩn, cứ sử dụng hóa chất thì người chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là người sản xuất, là cộng đồng, xóm làng, sau đó mới đến người tiêu dùng… Theo bà Nguyễn Kim Thanh, Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã và đang phối hợp với các hội khuyến nông, hợp tác xã, hội quán nông dân và doanh nghiệp… ở các địa phương để từng bước đưa LocalGAP vào nông hộ. Thời gian dự kiến đạt tiêu chuẩn LocalGAP từ 3 - 5 năm, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp, nông trại, hợp tác xã nông nghiệp đã được tổ chức sản xuất tốt và chặt chẽ, thì chỉ cần hai năm nâng cấp là có thể hoàn toàn đạt được tiêu chuẩn này. 

Hiện nhiều doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL đã phối hợp cùng với Hội Doanh nghiệp HVNCLC triển khai, hướng dẫn nhà nông sản xuất theo phương pháp hữu cơ và làm theo tiêu chuẩn LocalGAP. Điển hình là Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang đã kết nối với Hội Doanh nghiệp HVNCLC, vận động nông dân tại các vùng nguyên liệu, triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn LocalGAP để vừa tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, vừa giúp nông dân có đầu ra ổn định và bán được giá tốt. Ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, cho rằng: Thị trường ngày càng đòi hỏi sản phẩm đạt chất lượng cao nên việc Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho ra đời bộ tiêu chuẩn LocalGAP dựa trên nền tảng GlobalGAP chính là một bước đệm khá thuận lợi, giúp nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp dễ dàng tiếp cận và đưa ra những sản phẩm nông sản an toàn, chinh phục thị trường thế giới. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng tối ưu, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án "10.000ha vườn dừa Organic cho nông dân". Theo đó, Betrimex đã triển khai chương trình tập huấn cho nông dân trồng dừa tại các vùng nguyên liệu của Betrimex canh tác theo phương pháp hữu cơ, hướng dẫn nông dân từ khâu chọn giống dừa đến quy trình canh tác và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại dừa,… Qua đó, nông dân từng bước đổi mới phương thức, canh tác theo hướng hữu cơ và tăng cường liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đưa sản phẩm dừa an toàn đến tay người tiêu dùng. Không những vậy, để khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, Betrimex còn đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn ISO, Organic Nop, Halal…vào quy trình sản xuất. Hiện, các sản phẩm cơm dừa sấy khô, nước dừa, sữa dừa,… của Betrimex đã xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Canada, châu Âu…

Theo Hội Doanh nghiệp HVNCLC, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính, đòi hỏi phải có giấy chứng nhận quốc tế, bởi đây được xem là giấy thông hành đưa sản phẩm Việt vào các hệ thống phân phối trên thế giới. Do đó, việc Hội Doanh nghiệp HVNCLC triển khai tiêu chuẩn LocalGAP như một nhịp cầu trung chuyển để các nhà sản xuất nông sản có những bước tiến mở đầu vào thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tiêu chuẩn LocalGAP sẽ tạo bước đệm, giúp các doanh nghiệp có thời gian và điều kiện thực hiện thêm nhiều tiêu chí khác, để đủ điều kiện được cấp chứng chỉ GlobalGAP, đảm bảo hàng hóa đạt "chuẩn" và "chất", chinh phục thị trường xuất khẩu.

Bài, ảnh: M.Hoa 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
thị trường