13/09/2016 - 21:54

Sản xuất nông nghiệp an toàn

Trong thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang đã đẩy mạnh chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác tưới nhỏ giọt trong nhà màng cho nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh. Đây là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đạt hiệu quả, đáp ứng tốt mục tiêu về canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn và bền vững trong tình hình mới.

Đưa công nghệ vào sản xuất

Công nghệ tưới nhỏ giọt vận hành đơn giản, tăng năng suất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, giảm công lao động, thuận tiện cho việc cơ giới hóa và tự động hóa... Đây cũng là kỹ thuật quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho các loại cây trồng thông qua việc lựa chọn và áp dụng phương pháp, kỹ thuật tưới thích hợp. Bà Vương Thị Mỹ Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang cho biết, tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra từ thiết bị tạo giọt đặt trên mặt đất gần gốc cây. Tưới nhỏ giọt không chỉ cung cấp nước cho cây một cách tiết kiệm và có hiệu quả mà còn cung cấp dinh dưỡng cho cây thông qua hệ thống tưới khi dinh dưỡng được hòa tan vào nước, nhờ đó giảm chi phí trong sản xuất, tiết kiệm thời gian, đảm bảo hiệu quả sử dụng phân bón một cách triệt để và không thất thoát. Hệ thống tưới nhỏ giọt được kết hợp với bón phân, góp phần giảm thiểu tối đa hiện tượng xói mòn, rửa trôi, hạn chế suy thoái và bạc màu đất; đồng thời tiết kiệm phân bón đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của mỗi loại cây trồng.

 Trồng cà chua trong nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt.

Hiệu quả khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp phân bón sẽ làm tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập từ 20-50%, đặc biệt là tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%. Đây là giải pháp khả thi trong việc hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững. Theo bà Vương Thị Mỹ Thanh, ở Việt Nam, phương pháp tưới nhỏ giọt cần được áp dụng đối với những vườn cây ăn trái đặc sản có hiệu quả kinh tế cao ở những vùng thiếu nước. Nhưng đây là phương pháp đòi hỏi kinh phí đầu tư tương đối lớn thì mới có khả năng sử dụng trong sản xuất đại trà. Tuy vậy, mấy năm gần đây cũng có khá nhiều mô hình ứng dụng tưới nhỏ giọt trên một số chủng loại cây trồng như: mô hình trồng cà phê, bưởi, quýt, chôm chôm, xoài, thanh long.

Bên cạnh công nghệ tưới nhỏ giọt thì sản xuất trong nhà màng cũng là một giải pháp kỹ thuật cao trong lĩnh vực trồng trọt. Đây cũng là một biện pháp để đối phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Sản xuất rau an toàn trong nhà màng đạt kết quả đáng tin cậy nhất và có nhiều triển vọng, giảm được tối đa việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh. Bà Vương Thị Mỹ Thanh cho biết thêm: "Mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng khá phổ biến trong nông dân từ nhiều năm qua tại Đà Lạt. Ở miền Nam trong những năm gần đây, số nhà màng đã tăng lên rất nhiều, chủ yếu cung cấp rau cho các thành phố, thị xã nhưng số lượng rau còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên theo dự báo, diện tích nhà màng sẽ ngày càng tăng, không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai mà còn lan tỏa ở nhiều tỉnh ĐBSCL". Ưu điểm của nhà màng là ngăn chặn sự xâm nhập của nhiều loại côn trùng, sâu bọ hại cây trồng và chống lại thời tiết bất lợi như nắng, mưa, gió bão, sương lạnh. Vì vậy có thể tổ chức sản xuất quanh năm, trái vụ theo kế hoạch và nhu cầu của thị trường. Trong nhà màng, cây sinh trưởng và phát triển nhanh, thu hoạch sớm hơn bên ngoài 10-15% thời gian, nhờ chủ động cải tiến nhiều kỹ thuật canh tác nên năng suất tăng hơn 20-30% so với bên ngoài.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh

Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cũng như nhà màng nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Những giải pháp này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe con người, tránh gây ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm một cách đáng kể lượng nước sử dụng cũng như chi phí do phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác nông nghiệp.

Theo bà Vương Thị Mỹ Thanh, bước đầu Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học đã thực hiện thí điểm các mô hình trồng các loại rau như rau ăn quả (dưa lưới) và rau ăn lá (cải xanh, cải ngọt) trong nhà màng có sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Sau 4 vụ trồng dưa lưới và 5 vụ trồng cải, tất cả các mô hình đều cho kết quả tốt, năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng, ít sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Tiềm năng phát triển công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước ở nước ta còn rất lớn cả về phạm vi và quy mô. Tuy nhiên để giải pháp này được áp dụng rộng rãi thì cần có sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành trong việc hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật cho người nông dân đầu tư canh tác trong nông nghiêp… Trung tâm đang thực hiện canh tác rau ăn lá trên giá thể trong nhà màng đã cho một số kết quả tiêu biểu như sau: năng suất đạt 2.000 kg/1.000 m2, lợi nhuận 6,6 triệu đồng/1.000 m2/1 vụ (10 vụ/năm, tương đương khoảng 66 triệu đồng/năm). Đối với canh tác dưa lưới trên giá thể trong nhà màng cho kết quả tính trung bình: năng suất đạt 3.000 - 3.500 kg/1.000 m2, lợi nhuận 27,5 triệu đồng/1.000 m2/1 vụ (4 vụ/ năm, tương đương khoảng 110 triệu đồng/năm).

Bài, ảnh: Khải Ca

Chia sẻ bài viết