11/11/2011 - 15:18

Phụ nữ cần thiết phải khám phụ khoa định kỳ

Trong tháng 10 vừa qua, chúng tôi cùng đoàn cán bộ y tế của Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ đến khám phụ khoa và cấp phát thuốc miễn phí cho nhiều phụ nữ tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố. Thực tế cho thấy, do điều kiện môi trường sống, ý thức phòng, khám bệnh còn hạn chế... nên tỷ lệ phụ nữ các vùng ngoại thành mắc bệnh phụ khoa khá cao...

* 10 người đi khám, 6 người có bệnh

Chị em phụ nữ nên chủ động đi khám phụ khoa để sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh lý (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). 

“Lần đầu tôi đi khám phụ khoa”, “đi khám ngại lắm” hay “đâu có mắc bệnh đâu mà đi khám” - Đó là những câu trả lời quen thuộc mà chúng tôi ghi nhận được từ nhiều chị em phụ nữ khi đến khám phụ khoa. Cô H.T.B.P. (41 tuổi), ngụ tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai là ví dụ điển hình trong nhiều phụ nữ chưa từng đi khám phụ khoa. Ngại ngùng khi nghe chúng tôi đề cập đến việc khám phụ khoa, cô chỉ trả lời vỏn vẹn có một câu: “Tôi thấy trong người khỏe nên không đi khám”. Tương tự, chị N.T.B. (55 tuổi) ngụ ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, tâm sự: “Cán bộ y tế, phụ nữ xã đã nhiều lần đến nhà vận động nhưng do nhà xa mà tôi lại không biết chạy xe đạp; hơn nữa, tôi cảm thấy ngại nên tôi chưa bao giờ chủ động đi khám phụ khoa. Hôm nay, được các chị vận động nên tôi mới thử đi khám, không ngờ là mình bị mắc bệnh”. Chị N.T.B.L. (20 tuổi), ngụ ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ cũng cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình còn túng thiếu, điều kiện đi lại khó khăn nên đây là lần đầu tiên em đi khám phụ khoa. Sau khi khám, em mới biết mình có bệnh. Các cán bộ y tế không chỉ cho thuốc điều trị, còn nhiệt tình hướng dẫn cho em các cách giữ vệ sinh và nhiều thông tin bổ ích như: nên phơi đồ lót dưới ánh nắng mặt trời,...”.

Chỉ tính riêng trong đợt khám phụ khoa vừa qua trên 3 địa bàn: Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, với tổng số hơn 1.500 phụ nữ đến khám thì đã có hơn 1.300 chị em có bệnh, trong đó chủ yếu là các bệnh viêm nhiễm như: viêm lộ tuyến, viêm cổ tử cung... Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, nhận định: “qua theo dõi các chuyến cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai từ năm 2008 đến nay cho thấy cứ 10 chị đến khám phụ khoa thì đã có hơn 6 chị em bị nhiễm khuẩn đường sinh sản cần phải điều trị”. Con số trên không chỉ cho thấy thực trạng đáng lo ngại về ý thức tự chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ nói chung, phụ nữ vùng ngoại thành nói riêng, mà còn báo động nguy cơ tiềm ẩn bệnh rất cao ở một bộ phận phụ nữ.

* Cần thiết phải khám phụ khoa định kỳ

Theo chị Trần Thị Tuyết Hạnh, cán bộ Trạm Y tế xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, qua nhiều năm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hiện nay, các chị em đã có ý thức hơn việc đi khám bệnh phụ khoa nhưng tỷ lệ mắc bệnh vẫn còn khá cao. Trung bình mỗi đợt khám, có khoảng 800 đến 900 lượt chị em đến khám, trong đó tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 30%. Nguyên nhân là do phần lớn phụ nữ ở ngoại thành đều sống bằng nghề nông, môi trường sống còn nhiều thiếu thốn, cụ thể là thiếu nguồn nước sạch, chủ yếu là sử dụng nguồn nước sông. Bên cạnh đó, nhiều chị em ít có điều kiện tham gia vào các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản; ít sử dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ,... nên tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa vẫn còn cao. Chị Nguyễn Thị Ngọc Như, cộng tác viên dân số của Trạm Y tế xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ chia sẻ: “Do điều kiện đường sá xa xôi lại nhiều kênh rạch... nên việc tuyên truyền vận động về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho chị em còn gặp nhiều khó khăn. Với vai trò là cộng tác viên dân số, tôi phải đến gõ cửa từng nhà hộ dân để tuyên truyền, vận động, phát tờ rơi, tờ bướm,... nhằm giúp chị em có thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. So với những năm về trước thì hiện nay, chị em phụ nữ đã có ý thức và chịu hợp tác hơn trong việc khám phụ khoa, từ đó sức khỏe cũng đảm bảo hơn”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, khám phụ khoa là việc làm cần thiết và quan trọng đối với chị em phụ nữ. Đối tượng có thể mắc bệnh không chỉ riêng những phụ nữ đã lập gia đình mà cả những chị em chưa từng quan hệ tình dục cũng không ngoại lệ. Do cấu tạo đặc biệt của bộ phận sinh dục nữ, trong đó có nhiều phụ nữ đảm nhiệm thiên chức làm mẹ nên nhiễm trùng âm hộ - âm đạo là một bệnh lý rất thường gặp ở phụ nữ. Triệu chứng chủ yếu để nhận biết nhiễm khuẩn âm hộ - âm đạo là ra huyết trắng nhiều, có mùi hôi... tạo cảm giác ngứa ngái, nóng rát ở bộ phận sinh dục và có thể kèm theo sự đau đớn khi giao hợp. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến kinh niên, để lại những di chứng nguy hiểm như ung thư đường sinh sản, tắc vòi trứng... Mặc dù vậy nhưng nhiều chị em vẫn còn chủ quan và chưa chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Những con số “biết nói” trên cho thấy, một bộ phận khá lớn phụ nữ nói chung, phụ nữ vùng ngoại thành, nông thôn nói riêng còn thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đây là đối tượng mà ngành y tế cần quan tâm hơn nữa và tạo điều kiện giúp họ tiếp cận với những thông tin, các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản để chị em có thể tự bảo vệ sức khỏe bản thân.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết