23/10/2015 - 15:07

Nỗ lực số hóa và đưa mẫu vật trong bảo tàng lên mạng

Tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin (Đức), các nhà sinh vật học đang xúc tiến một dự án lớn: số hóa và xuất bản trực tuyến tất cả các bộ sưu tập côn trùng của bảo tàng. Không riêng gì họ, nhiều bảo tàng trên khắp thế giới cũng đang chi hàng triệu USD và khai thác sức mạnh của công nghệ số để đưa những bộ sưu tập vốn nằm im lìm trên các kệ và ngăn tủ bụi bặm đến gần công chúng và phục vụ giới nghiên cứu.

Từ nhiều năm qua, các tổ chức khoa học đã tiến hành quét hình ảnh của các mẫu vật hoặc cá thể trong bộ sưu tập của họ. Nhưng tiến bộ kỹ thuật mang đến nhiều cơ hội mới để tạo ra những hình ảnh và dữ liệu cực kỳ chi tiết có thể giúp giải đáp những câu hỏi lớn nhất về sinh học bảo tồn. Chẳng hạn, bằng cách nhìn vào sự phân bố lịch sử của một loài có trong bộ sưu tập, các nhà khoa học có thể xác định hệ sinh thái của một khu vực đã thay đổi như thế nào bởi quá trình công nghiệp hóa, sự di cư của con người hoặc biến đổi khí hậu. Những bộ sưu tập cũ cung cấp cái nhìn sâu hơn về những thay đổi trong đa dạng gien, có thể cứu sống một sinh vật, hỗ trợ quy hoạch đô thị hoặc bảo vệ các nguồn thức ăn quan trọng trong tương lai.

Ảnh mẫu vật hai loài bọ Eucorysses iris và Leucopholis irrorata của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin.

Nỗ lực số hóa cũng giúp các nhà khoa học tạo ra hồ sơ vĩnh cửu của thế giới tự nhiên trong thời kỳ tuyệt chủng nhanh, cũng như tiết lộ "manh mối cần thiết để tái dựng lịch sử tiến hóa, để biết được chúng ta và các loài sinh vật khác đến từ đâu" – theo Quentin Wheeler, một nhà côn trùng học tại Đại học bang New York (Mỹ). Một ưu điểm lớn của việc số hóa mẫu vật là hạn chế nguy cơ tổn hại mẫu vật khi các nhà khoa học nghiên cứu chúng. Katja Seltmann, một nhà sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York (Mỹ), cho biết mỗi mẫu vật đều quý giá "như bức họa Mona Lisa". "Nếu một chiếc râu hoặc chân mẫu vật đột nhiên bị gãy, một phần thông tin quan trọng về sinh vật đó coi như biến mất" – bà Seltmann ví dụ.

Hiện tại ở Úc, một sáng kiến quốc gia gọi là Atlas of Living Australia đang huy động sự đóng góp của mọi cá nhân để tạo ra danh mục những loài sống tại lục địa này. Trong khi đó tại Mỹ, The Encyclopedia of Life – sản phẩm trí tuệ của nhà sinh vật học nổi tiếng EO Wilson – đã công bố hơn 1,2 triệu trang thông tin với 3,2 triệu hình ảnh của muôn loài.

Nhìn chung, mọi dự án số hóa đều lưu lại ảnh chụp 4 mặt của mẫu vật, nhưng dự án của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin là đặc biệt hơn cả. Theo đó, các nhà nghiên cứu chụp ảnh mẫu vật ở nhiều góc độ bằng ống kính macro, sau đó sử dụng phần mềm máy tính để ráp các ảnh lại với nhau thành một bức ảnh 3D hoàn chỉnh, mà bất cứ ai cũng có thể tải về máy và xem ở 100 góc độ. Cho đến nay, nhà sinh vật học Alexander Kroupa và 14 đồng nghiệp đã chụp ảnh khoảng 10.000 ngăn kéo, trong số hơn 35.000 ngăn kéo lưu giữ khoảng 15 triệu mẫu vật riêng biệt. Một số mẫu vật được chọn để quét ảnh với độ nét cao, cho phép các nhà khoa học trên khắp thế giới xem những sinh vật đầy màu sắc này một cách chi tiết, thậm chí xoay trở chúng trên màn hình để quan sát thật kỹ. "Chúng tôi muốn mọi người đều nhìn thấy chúng, cả công chúng lẫn các nhà nghiên cứu" – Bernhard Schurian, một chuyên gia hình ảnh tại bảo tàng, cho biết.

Nhóm nghiên cứu của bảo tàng Berlin hiện tập trung vào các loài côn trùng, trong khi các tổ chức khác thì đang số hóa các bộ sưu tập về thực vật, động vật có vú và cá. Một trong những nỗ lực lớn nhất của Mỹ là dự án iDigBio đang tiến hành tại Đại học Florida. Được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia, iDigBio đã tập hợp 283 tổ chức ở 50 bang (chủ yếu là các viện bảo tàng và trường đại học) để tạo ra cách diễn đạt và quy trình chung cho việc số hóa hình ảnh các loài.

Hiện nay, cổng tìm kiếm thông tin iDigBio chứa 45 triệu hồ sơ mẫu vật và khoảng 12 triệu hình ảnh. Tiến sĩ Larry Page, giám đốc iDigBio đồng thời là người phụ trách các loài cá tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida, ước tính nước Mỹ có khoảng nửa tỉ mẫu vật. Theo ông, dự án này khi hoàn tất sẽ là nguồn thông tin vô giá đối với các nhà khoa học. Chẳng hạn trong vài năm nữa, một nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu có thể thu thập thông tin từ cơ sở dữ liệu iDigBio về phạm vi di chuyển của côn trùng, qua đó đưa ra dự đoán về xu hướng tương lai.

HOÀNG ĐIỂU (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết