24/10/2013 - 20:32

Những vấn đề cần lưu ý trong điều trị hen phế quản

Ở Việt Nam, bệnh hen phế quản (còn gọi là bệnh suyễn), khá thường gặp, chiếm 4-5% dân số. Một người bị bệnh hen vẫn có được cuộc sống bình thường nếu bệnh được kiểm soát tốt. Trong thực tế khám chữa bệnh tại Phòng khám Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Ths.BS Cao Thị Mỹ Thúy, lưu ý bệnh nhân hen thường mắc các sai lầm sau:

- Nhiều bệnh nhân chỉ dùng thuốc cắt cơn, không dùng thuốc ngừa cơn để dự phòng hoăc dùng thuốc ngừa cơn liên tục. Khi lên cơn khó thở, đa số bệnh nhân sử dụng thuốc cắt cơn nhưng khi hết khó thở, bệnh nhân khỏe, lại không sử dụng thuốc ngừa cơn dù được bác sĩ chỉ định. Cũng có trường hợp sau khi sử dụng một thời gian, bệnh nhân tự ý ngưng sử dụng thuốc ngừa cơn vì cảm thấy khỏe. Mục đích sử dụng thuốc ngừa cơn là để ngăn ngừa cơn hen xảy ra. Thuốc ngừa cơn hen có tác dụng làm giảm tình trạng viêm đường thở, giảm hiện tượng phù nề đường thở. Các trường hợp sau cần sử dụng thuốc ngừa cơn: sử dụng thuốc cắt cơn quá 2 lần trong một tuần, có nhiều cơn hen; bệnh nhân có triệu chứng, khò khè hoặc nặng ngực hơn 2 lần mỗi tuần, thức giấc về đêm vì cơn hen. Bệnh nhân sử dụng thuốc ngừa cơn ngày 2 lần vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ; dùng thuốc ngừa cơn đều đặn, theo chỉ định của bác sĩ, chỉ ngưng dùng khi bệnh đã kiểm soát và được bác sĩ cho phép. Thuốc ngừa cơn không gây nghiện cho dù bệnh nhân sử dụng nhiều năm nên bệnh nhân không cần lo ngại về vấn đề này.

Bác sĩ Cao Thị Mỹ Thúy trình bày những vấn để cần lưu ý trong điều trị bệnh hen tại buổi giao lưu với bệnh nhân hen. Ảnh: H.H 

Sai lầm thứ 2 của bệnh nhân hen là hít thuốc không đúng thao tác. Các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nên sử dụng thuốc ngừa cơn dạng hít vì thuốc vào thẳng đường hô hấp, giảm tác dụng phụ toàn thân bệnh nhân. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân sử dụng không đúng các bước chỉ dẫn nên thuốc không phát huy hiệu quả điều trị. Thêm vào đó, thuốc đọng ở họng, bệnh nhân dễ bị tác dụng phụ tại chỗ như khàn tiếng, nấm họng. Nếu lần đầu sử dụng dạng thuốc này, bệnh nhân nên hỏi kỹ các điều dưỡng, bác sĩ để sử dụng cho đúng. Ở phòng khám, các cô điều dưỡng có dụng cụ để bệnh nhân hít thử.

Một sai lầm thường gặp khác là bệnh nhân lạm dụng thuốc corticoid dạng viên hoặc dạng tiêm dẫn đến tác dụng phụ toàn thân. Ở phòng khám, bác sĩ cũng thường gặp bệnh nhân hen rất nặng, có tác dụng phụ do sử dụng thuốc uống, thuốc tiêm có chứa corticoid (còn gọi là thuốc kháng viêm). Các biểu hiện tác dụng phụ: khuôn mặt tròn, dễ bị đục thủy tinh thể, tích tụ mỡ vùng bụng, lưng, tay chân teo nhỏ, da mỏng, dễ bị bầm tím, vết thương khó lành, có thể bị tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương (dễ bị gãy xương)…Để sử dụng thuốc hiệu quả và tránh được tác dụng phụ, bệnh nhân nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa hô hấp, không tự ý sử dụng thuốc uống, thuốc tiêm kéo dài. Khi tái khám, bệnh nhân mang theo chai thuốc để kiểm tra cách sử dụng có đúng không.

Bệnh nhân nên tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, ngay cả khi sức khỏe bình thường. Bệnh nhân cần đồng hành, giữ mối liên hệ với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân hen nên lưu ý, tránh các yếu tố thúc đẩy cơn hen như lông thú, khói thuốc lá, khói bếp, bụi giường, bụi nhà, chất có mùi nồng, phấn hoa, thay đổi thời tiết, cảm cúm, chơi thể thao, thức ăn… Mỗi bệnh nhân dị ứng với yếu tố khác nhau. Nếu không tránh các yếu tố này, bệnh nhân phải sử dụng thuốc nhiều hơn và bệnh hen không kiểm soát được.

Người bệnh cần lưu ý, khi có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây cần đi bệnh viện cấp cứu ngay: khi bị khó thở mà dùng thuốc cắt cơn không giảm hoặc khó thở nhiều hơn, cơn khó thở làm người bệnh nói chuyện ngắt quãng hoặc không nói nổi, môi và đầu chi tím, cánh mũi phồng khi thở, tim đập rất nhanh, khó thở, làm người bệnh không thể đi lại, da ở vùng cổ và khoang gian sườn bị kéo vào trong khi thở.

H.HOA (lược ghi)

Chia sẻ bài viết