14/10/2014 - 20:14

Những phát hiện quan trọng về bệnh ung thư vú năm 2014

Tại Mỹ, tháng 10 là tháng nâng cao nhận thức phòng chống bệnh ung thư vú. Tuy chưa chính thức trở thành một sự kiện quốc tế, nhưng tháng 10 đang được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng, trong đó có Việt Nam, nơi có khoảng 7.000 ca bệnh mới mỗi năm với tỷ lệ tử vong lên tới 35%.


Các chuyên gia cho biết, nhờ chẩn đoán bệnh sớm và áp dụng những phương pháp điều trị trực tiếp, số ca tử vong do ung thư vú trong hai thập niên qua đã giảm tới 30%. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng không ngừng nghiên cứu cách phòng chống căn bệnh đang giết chết khoảng 458.000 người mỗi năm, nổi bật là những phát hiện được công bố gần đây, như:

 “Hiệu ứng Angelina”

 

Nữ diễn viên Angelina Jolie đã tạo ra một làn sóng tầm soát ung thư vú kể từ tháng 5-2013, khi cô quyết định phẫu thuật bỏ hai bầu ngực do được chẩn đoán dương tính với BRCA1, một biến thể gien làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư vú. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nghiên cứu Ung thư Vú (Breast Cancer Research) đầu năm nay cho thấy sau khi Jolie công khai biện pháp chữa trị, số phụ nữ yêu cầu xét nghiệm BRCA1 đã tăng gấp đôi tại 12 bệnh viện và 9 trung tâm xét nghiệm di truyền lớn tại Anh.

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo phụ nữ nên bắt đầu tầm soát bệnh khi bước vào độ tuổi 40, thay vì 50 như lời khuyên trước đây. Lý do là tỷ lệ ung thư vú ở phụ nữ dưới 50 hiện chiếm khoảng 20%. Ngoài tự kiểm tra bằng tay khi tắm hoặc thay đồ, chị em cần thường xuyên chụp nhũ ảnh để phát hiện bệnh từ sớm.

 Xét nghiệm máu có thể dự báo sớm nguy cơ ung thư vú

Các nhà khoa học tại Đại học Luân Đôn đang hoàn thiện một phương pháp xét nghiệm máu đơn giản, trong đó xác định kiểu biểu hiện gien đặc biệt thường thấy ở những phụ nữ bị ung thư nhưng không có biến thể gien BRCA1. Kỹ thuật xét nghiệm máu này đã được thử nghiệm lâm sàng hồi tháng 6 với kết quả khả quan là có thể nhận diện nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ không có yếu tố di truyền từ gia đình – theo Giáo sư Martin Widschwendter, trưởng nhóm nghiên cứu.

 Bệnh tiểu đường làm tăng kích cỡ khối u

 

Một nghiên cứu được giới thiệu tại Hội nghị Ung thư Vú châu Âu gần đây cho thấy bệnh nhân tiểu đường típ 2 có khối u phát triển to hơn bình thường khi họ được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư vú. “Chúng tôi nghĩ rằng chứng tăng insulin – lượng insulin lưu thông trong máu gia tăng – có thể kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư bằng cách cung cấp cho chúng một lượng lớn đường glucose” – Tiến sĩ Caterina Fontanella cho biết. Theo bà, kiểm soát chặt đường huyết là cách cần thiết để điều trị cho bệnh nhân ung thư vú kèm theo tiểu đường.

Tăng kích cỡ váy (hoặc quần), tăng nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh

Theo kết quả phân tích sức khỏe của 93.000 phụ nữ đăng trên Tạp chí Y khoa Anh, những người có size váy tăng thêm 1 số trong 10 năm có 33% nguy cơ phát triển ung thư vú và nguy cơ này tăng thêm 77% nếu kích cỡ váy tăng thêm 2 số trong khoảng thời gian trên. Các nhà nghiên cứu cho rằng bởi vì mỡ bụng có mức độ chuyển hóa nhiều hơn mỡ ở các vùng khác của cơ thể nên nó có thể gia tăng nồng độ estrogen, vốn là tác nhân thúc đẩy sự phát triển của các tế bào ung thư vú.

 Giấc ngủ chất lượng có lợi cho bệnh nhân ung thư vú

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) phát hiện “hiệu quả giấc ngủ” (tỷ lệ giấc ngủ thực tế so với tổng thời gian nằm trên giường) có thể giúp dự báo thời gian sống ở bệnh nhân ung thư vú thể nặng. Theo dõi quá trình điều trị của 97 nữ bệnh nhân trong 6 năm, họ nhận thấy những người ngủ ngon sống trung bình 68,9 tháng, trong khi người ngủ kém sống trung bình 33,2 tháng.

Một nghiên cứu khác trên chuột của Đại học Tulane chứng minh rằng hoóc-môn tạo cảm giác buồn ngủ melatonin tác động tích cực đến kết quả điều trị bằng tamoxifen – một loại thuốc chữa ung thư vú phổ biến. Theo các chuyên gia, ánh sáng từ tivi, điện thoại hoặc máy tính làm giảm mức độ sản xuất melatonin trong cơ thể vào ban đêm, nên hạn chế tác dụng của tamoxifen. Do đó, họ khuyến cáo bệnh nhân uống thuốc tamoxifen 1 giờ trước khi ngủ để tận dụng sự gia tăng nồng độ melatonin tự nhiên vào ban đêm và cố gắng tránh xa ánh sáng xanh khoảng 12 giờ mỗi đêm để thuốc phát huy công dụng tốt nhất.

 Hàm lượng vitamin D dự báo khả năng sống sót của bệnh nhân

Bệnh nhân có hàm lượng vitamin D cao có gấp đôi cơ hội sống sót so với người có hàm lượng sinh tố này thấp – theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nghiên cứu về Chống ung thư (Anticancer Research). Các chuyên gia tại Đại học California phân tích 5 nghiên cứu đối với 4.443 bệnh nhân ung thư vú và ghi nhận những người có nồng độ vitamin D trung bình 30 nanogram/ml có cơ hội sống sót cao hơn đối tượng có hàm lượng vitamin D trung bình 17 nanogram/ml. Cách bổ sung vitamin D đơn giản nhất là phơi nắng sáng.

 Thay đổi lối sống không lúc nào là muộn

Hai nghiên cứu từ Trung tâm Ung thư Đại học Yale cho thấy những người sống sót sau điều trị ung thư vú tích cực tập thể dục và ăn uống lành mạnh có thể giảm nguy cơ tái phát bệnh và tử vong, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Cả hai nghiên cứu tập trung vào đối tượng phụ nữ thừa cân hoặc béo phì. Nghiên cứu thứ nhất phát hiện những người giảm được cân nặng cũng giảm prôtêin phản ứng C, có liên quan đến nguy cơ cao tái phát bệnh. Nghiên cứu thứ hai cho thấy so với những người không tập luyện, nhóm tập các môn giúp tăng nhịp tim và hô hấp (như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe) trung bình 2,5 giờ/tuần cũng giảm đáng kể prôtêin phản ứng C, đồng thời giảm cân nặng và mỡ thừa trong cơ thể.

HẠNH NHÂN (Theo Arozona Daily Star)

Chia sẻ bài viết