04/08/2024 - 20:57

Nhức nhối nạn buôn người ở châu Phi 

Theo DW, ít nhất 7 triệu người châu Phi đang sống dưới nhiều hình thức nô lệ thời hiện đại. Trong đó, người di cư là đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Họ thường đến một thành phố nước ngoài với tư cách là người trông trẻ hoặc tin tưởng những kẻ buôn người trong hành trình tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Các nạn nhân chỉ nhận ra họ đã rơi vào tay tội phạm buôn người sau một thời gian hoặc trong hành trình di cư.

Di dân châu Phi xếp hàng tại một trại di cư ở Sudan.

Gần đây, phần lớn sự chú ý về hoạt động di cư đều đổ về khu vực Tây Phi. Ngày càng có nhiều người dân từ Nigeria, Mali, Niger hoặc Senegal thực hiện những chuyến đi đầy nguy hiểm, với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu hoặc nước khác. Nhưng nhiều người đã rơi vào tay những kẻ buôn người trước khi đến được sa mạc Sahara hoặc bờ biển Địa Trung Hải, nơi mà họ hy vọng có thể từ đó đến được châu Âu.

Ước tính có gần 50 triệu người trên toàn cầu đang bị mắc kẹt trong chế độ nô lệ thời hiện đại. Trong số đó, cứ 4 nạn nhân thì có 1 người là trẻ em. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, nạn buôn người tạo ra 150 tỉ USD lợi nhuận mỗi năm.

Elvis Adjetey Sowah, nhà nghiên cứu về hoạt động di cư tại Đại học Ghana, cho biết động lực thúc đẩy nạn buôn người ở châu Phi là tình hình chính trị - xã hội khó khăn. Ngoài ra,  việc thiếu các biện pháp truy tố hình sự cũng tạo điều kiện cho nhiều kẻ buôn người tiếp tục dụ dỗ các nạn nhân, bằng cách hứa hẹn đưa họ đến một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu. Nhưng thực tế là nhiều người đã bỏ mạng trên đường đi.

Theo báo cáo công bố hồi tháng 3 từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), ít nhất 8.565 người đã chết trên các tuyến đường di cư quốc tế vào năm 2023, bao gồm hơn 3.100 người chết đuối ở Địa Trung Hải và 1.900 người khác bỏ mạng khi vẫn còn ở châu Phi, với nhiều người chết trên sa mạc Sahara. Những con số đó khiến 2023 trở thành năm chết chóc nhất đối với người di cư kể từ khi IOM bắt đầu ghi chép số liệu này. 

Trong khi đó, chuyên gia Leonie Jantzer từ tổ chức nhân quyền Medico International cho biết phụ nữ và trẻ em gái đặc biệt có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người. Những kẻ trung gian hứa sẽ đưa họ đến châu Âu hoặc ít nhất là các quốc gia khu vực Maghreb (gồm Algeria, Libya, Mauritania, Morocco và Tunisia). Nhưng họ lại bị rơi vào tay bọn buôn người, buộc phải bán thân và tham gia vào hoạt động mại dâm. Và khả năng thoát khỏi tình huống đó rất khó khăn.

Mặc dù vậy, vẫn có một số câu chuyện giải cứu nạn nhân buôn người thành công đáng chú ý. Như năm ngoái, cảnh sát từ 54 quốc gia châu Phi đã tham gia vào “Chiến dịch Flash-Weka” - chiến dịch chung đầu tiên chống lại những kẻ buôn người. Các cuộc đột kích phối hợp từ chiến dịch này đã dẫn đến hơn 1.000 vụ bắt giữ và giải cứu hàng ngàn nạn nhân của các mạng lưới tội phạm buôn người.

Tuy nhiên, các biện pháp chống nạn buôn người vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, mà một phần là do đa số hoạt đông buôn người đang bị che giấu. Tội phạm buôn người ngày càng chuyển sang các công nghệ truyền thông hiện đại để tìm nạn nhân của chúng theo nhiều cách, như từ tuyển dụng người di cư đến tống tiền họ bằng những bức ảnh và video nhạy cảm được chụp ngoài ý muốn. Một số mạng lưới buôn người công nghệ như vậy đã bị phát hiện trong những năm gần đây ở Burkina Faso, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Ghana, Guinea và Mali.

Tổ chức phi chính phủ Walk Free đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ hợp tác chặt chẽ hơn, không hình sự hóa người di cư mà thay vào đó thực hiện các luật hiện hành chống buôn người một cách nhất quán hơn, qua đó đưa những kẻ phạm tội buôn người ra trước công lý.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết