22/10/2024 - 21:02

Mỹ khẳng định tầm quan trọng của hệ thống tên lửa ở Philippines 

Trong nỗ lực tăng cường liên minh quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giới chức Mỹ nhấn mạnh việc triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tới miền Bắc Philippines là “vô cùng quan trọng”, cho phép tăng cường huấn luyện năng lực sử dụng vũ khí hạng nặng tiên tiến tại quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh an ninh khu vực diễn biến ngày càng phức tạp.

Chuyên gia Mỹ và Philippines trao đổi về tên lửa tầm trung Typhon. Ảnh: US Army Pacific

Kể từ khi tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông leo ​​thang năm ngoái, Philippines đã nỗ lực củng cố thế trận phòng thủ thông qua phát triển năng lực tự chủ và xây dựng liên minh với các nước cùng chí hướng. Trong đó, quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đặc biệt khăng khít trở lại giữa thời điểm nước này đang ở trong khu vực có tình hình địa chính trị phức tạp nhất thế giới. Dấu hiệu rõ ràng nhất của sự nồng ấm trong quan hệ song phương là việc mở rộng Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA), thúc đẩy mở rộng lực lượng chiến đấu Mỹ tới châu Á. Xu hướng trên vấp phải phản đối kịch liệt từ Trung Quốc, đặc biệt thông tin gần đây cho thấy Lầu Năm Góc chưa có kế hoạch rút hệ thống tên lửa tầm trung triển khai tại Philippines.

Được biết, hệ thống Typhon có thể phóng tên lửa Standard Missile-6 và tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk với tầm bắn hơn 1.600km, được triển khai tới miền Bắc Philippines như một phần của cuộc tập trận chung vào tháng 4. Trong một cảnh báo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng sự hiện diện của tên lửa Mỹ không vì lợi ích các nước, về lâu dài sẽ làm suy yếu hòa bình và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bất chấp phản đối của Bắc Kinh, 3 quan chức chính phủ cấp cao của Philippines cho hay Manila và Washington đã nhất trí duy trì hệ thống tên lửa Typhon ở đây “vô thời hạn” trong bối cảnh hai bên đang thử nghiệm tính khả thi và mức độ sử dụng hiệu quả hệ thống này nhằm tăng cường khả năng răn đe trong trường hợp xảy ra xung đột tại khu vực.

Phát biểu về vấn đề trên, Tư lệnh Sư đoàn Bộ binh số 25 của quân đội Mỹ đóng tại Hawaii, Thiếu tướng Marcus Evans cũng bày tỏ hy vọng triển khai hệ thống tên lửa Typhon dài hạn ở Philippines. Đây là hoạt động rất quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn giữa các đồng minh, đặc biệt là cách thức tích hợp vũ khí đa năng tiên tiến của lực lượng tên lửa của Mỹ trong những hoạt động liên minh để đối phó thách thức trong khu vực. Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã triển khai hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS) với tầm bắn 80km và các hệ thống chống tăng tiên tiến trong cuộc tập trận bắn đạn thật “Salaknib” diễn ra tại căn cứ quân sự lớn nhất của Philippines là Fort Magsaysay. Hiện có mặt tại Manila, Thiếu tướng Evans cho biết Lầu Năm Góc đang khởi động tiến trình đàm phán với quân đội Philippines về việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường niên của lực lượng đồng minh tại quốc gia Đông Nam Á này vào năm tới. “Nhiệm vụ của chúng tôi là cải thiện 1% mỗi ngày mức độ sẵn sàng cùng với quân đội Philippines, qua đó xóa tan mọi nghi ngờ về tầm quan trọng của liên minh và công việc chúng tôi làm ở đây” - Thiếu tướng Evans nêu rõ. 

Trong diễn biến khác, Chính phủ Úc đã đạt thỏa thuận với Mỹ mua hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Standard Missile 2 Block IIIC (SM-2 IIIC) và tầm xa Standard Missile-6 (SM-6) trang bị cho lực lượng hải quân trị giá 4,7 tỉ USD. Động thái này diễn ra sau đợt đánh giá khả năng phòng thủ của Úc vào năm ngoái, cảnh báo chiến tranh hiện đại đã “làm giảm đáng kể” lợi thế địa lý của Úc trong khi Canberra chưa sẵn sàng cho “thời đại tên lửa”.

Theo lời Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Úc Pat Conroy, SM-2 IIIC và SM-6 là các hệ thống tên lửa tiên tiến nhất thế giới, cho phép Hải quân Úc tấn công các mục tiêu trên biển, trên bộ và trên không ở tầm xa; đồng thời cung cấp khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo đầu cuối, tăng cường năng lực của Lực lượng phòng vệ Úc trong việc bảo vệ người dân và lợi ích quốc gia. Bên cạnh việc mua tên lửa, Úc cũng tăng cường phối hợp với Anh đẩy nhanh việc chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ thỏa thuận an ninh 3 bên Úc - Anh - Mỹ (AUKUS).

MAI QUYÊN (Theo AP, ABC News)

Chia sẻ bài viết