Trong quý III-2024, có 71,8% doanh nghiệp (DN) nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định so với quý II. Có 28,2% DN cho biết hoạt động kinh doanh khó khăn hơn. DN kỳ vọng quý cuối năm, tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn, nhất là vào mùa kinh doanh cuối năm, nhu cầu thị trường sẽ tăng.
Vượt lên trong khó khăn
Tổng cục Thống kế đã khảo sát 30.587 DN (có 29.347 DN phản hồi, tỷ lệ 95,9% về tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong quý III-2024, có 23,5% đánh giá tốt hơn và 48,3% giữ ổn định so với quý II (kỳ điều tra trước 25,9% DN nhận định tốt lên và 47,8% giữ ổn định). Đồng thời có đến 28,2% DN cho biết tình hình sản xuất kinh doanh khó hơn, tác động mạnh nhất là cơn bão số 3, trong khi tỷ lệ này của quý II là 26,5%.
Ngành may mặc kỳ vọng đơn hàng cuối năm tăng (ảnh: May gia công hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Meko Cần Thơ). Ảnh: T.H
Theo ngành kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan nhất với 77,3% DN đánh giá sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ nguyên; có 22,7% DN cho biết khó khăn hơn (khoảng 6.109 DN phản hồi kết quả điều tra). Ngành thương mại, dịch vụ (17.175 DN) có 71,8% nhận định sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ nguyên; 28,2% cho rằng khó khăn hơn. Ở ngành xây dựng (6.063 DN), DN đánh giá sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ nguyên là 66,5%; đồng thời đây là ngành có tỷ lệ nhận định khó khăn cao nhất với 33,5%.
Trong quý III, kết quả điều tra cũng ghi nhận, khối DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lạc quan cao nhất với 74,6% (29% cho biết tốt hơn và 45,6% giữ ổn định). Khối DN nhà nước, tỷ lệ này là 73,2%; khối DN ngoài nhà nước là 71,3% (22,6% tốt lên và 48,7% giữ ổn định). Về tỷ lệ DN nhận định khó khăn hơn, khối FDI là 25,4%; khối DN nhà nước 26,8% và khối ngoài nhà nước có tỷ lệ cao nhất là 28,7%.
Mặc dù có sự lạc quan nhất định về xu hướng sản xuất kinh doanh trong quý III, nhưng chỉ số cân bằng chung lại âm (-4,7%), khi có 23,5% DN cho rằng tốt lên, nhưng đến 28,2% nhận định khó khăn hơn. Trong các ngành kinh tế, chỉ có DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khả quan nhất với chỉ số cân bằng chung dương 12%; ngành thương mại, dịch vụ (-9,5%); ngành xây dựng (-7,8%). Còn theo khu vực kinh tế, khu vực FDI có chỉ số cân bằng là 3,6%; DN nhà nước là -3,6% và DN ngoài nhà nước là -6,1%.
Nguồn: Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của Tổng cục Thống kê.
Theo phản ánh của các DN, quý III có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN. Trong đó, yếu tố thời tiết tăng mạnh, với 23,5% DN gặp khó (quý II, tỷ lệ gặp khó khăn chỉ 11,9%). Ngoài yếu tố thời tiết, phần lớn các DN đều khó cả đầu ra và đầu vào. Hai yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất là “nhu cầu thị trường trong nước thấp (51,9%) và “tính cạnh tranh hàng hóa trong nước cao” (42,1%). Riêng DN ngành xây dựng, tỷ lệ khó khăn do “không có hợp đồng xây dựng mới” đến 45%. Bên cạnh đó, các DN cũng nhận đinh, giá nguyên vật liệu đầu vào cao, vốn cho sản xuất kinh doanh khó khăn, thủ tục hành chính còn phức tạp, năng lực nội tại của DN yếu… cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doannh của DN.
Nguồn: Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của Tổng cục Thống kê.
Để DN thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh quý cuối năm, các DN kiến nghị quý cuối năm, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, như giảm lãi suất, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, thị trường đầu ra…
Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng
Trong tháng 9-2024, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo trước, dao động từ 2,7% đến 3,2% và mức này tương đương với năm 2023. Với Việt Nam, các tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam tích cực hơn nhờ đà phục hồi thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường lớn triển vọng tích cực hơn. Trong các ngành kinh tế, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng.
Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,78%; quý III tăng 9,59%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Còn theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III-2024 cho thấy: Có 34,7% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý II; 42,6% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,7% đánh giá gặp khó khăn (các chỉ số này tương đương với quý II). Dự kiến quý IV-2024, có 42,2% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III; 40,4% DN nhận định sẽ ổn định và 17,4% DN dự báo khó khăn hơn.
Trong đó, khu vực FDI lạc quan nhất với 84,8% DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV-2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III. Tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài Nhà nước và khu vực DN Nhà nước lần lượt là 81,7% và 81,1%.
Về khối lượng sản xuất, xu hướng quý cuối năm so với quý III-2024, có 41,8% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng; 41,8% DN dự báo ổn định và 16,4% DN dự báo giảm. Bên cạnh đó, mức độ lạc quan về đơn đặt hàng quý cuối năm cũng tốt hơn quý III, với 40,5% DN dự kiến có đơn hàng tăng; 43,3% dự kiến đơn hàng ổn định và 16,2% dự kiến đơn hàng giảm. Với diễn biến tích cực hơn của thị trường thế giới, quý cuối năm, có 36% DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 47,6% dự kiến ổn định và 16,4% dự báo giảm.
Ngành chế biến, chế tạo hiện chiếm trên 79,4% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp (theo giá so sánh). Do đó, ngành chế biến, chế tạo quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế. Trong 9 tháng năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo quý IV tăng trưởng kinh tế khoảng 7,6-8%, giúp cả năm tăng đạt và vượt mục tiêu 7% mà Chính phủ đề ra. Trong đó, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để dẫn dắt tăng trưởng đóng vai trò rất quan trọng.
GIA BẢO